Táo quân sao cứ nhạt, cứ nhàm?

GD&TĐ - Này bác, nghe đâu năm nay Táo quân kỷ niệm 20 năm lên sóng truyền hình đấy.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

- Mà cũng nghe đâu cặp đôi Nam Tào - Bắc Đẩu: Xuân Bắc - Công Lý sẽ góp mặt…

- Ây dà, ngoảnh đi ngoảnh lại Táo quân đã bước vào tuổi thanh niên rồi cơ đấy. Ở cái tuổi 20 này phải là sự bừng bừng sức sống, khát vọng sáng tạo, khẳng định mình chứ nhỉ…!

- Lý thuyết là như thế, còn phải nhìn vào thực tiễn, bác ơi. Như cái năm 2020, sau một năm vắng bóng, Táo quân trở lại trong niềm hân hoan của không ít khán giả truyền thống yêu thích chương trình. Ai cũng chắc mẩm, sau lần “nghỉ hưu” hụt, sự trở lại này của Táo quân sẽ hấp dẫn, cuốn hút bằng những tình huống, câu chuyện “nóng hổi” đây.

Ấy thế nhưng Táo quân năm ấy vẫn nhạt, vẫn nhàm và vẫn vô duyên vì quá tham lam trong việc tùy hứng chèn quảng cáo mà không cần quan tâm đến nhu cầu, mạch cảm xúc của người thưởng thức… Rồi đến năm 2021, nội dung cũng chẳng có gì cải tiến, dù nhân sự có chút thay đổi khi Nam Tào - Bắc Đẩu do 2 nghệ sĩ trẻ đảm nhận chứ không phải Xuân Bắc – Công Lý.

Công bằng mà nói, sự thay vai này cũng là luồng gió mới để khán giả phấp phỏng, hy vọng. Tiếc là diễn viên mới, song nội dung vẫn cũ nên không thể che đậy được cái sự nhạt và nhàm “đeo bám” Táo quân, để sau những hồi hộp, mong chờ, phỏng đoán khán giả lại than phiền, lại so sánh: Năm nay không bằng năm trước, năm trước không bằng năm xưa và ao ước: Bao giờ cho đến ngày xưa!

Cái ngày xưa ấy là cái ngày Táo quân còn được gọi là Gặp nhau cuối năm và thường có những kịch bản được chuẩn bị từ trước, viết kỹ với những cây bút như Lê Hoàng, Đinh Tiến Dũng... Lời thoại giàu chất văn học, tình huống chọc cười một cách tự nhiên không dung tục mà sâu cay, càng ngẫm càng thấy chí lý, hả lòng, hả dạ.

Còn Táo quân của mấy năm gần đây thì sao? Được đầu tư hơn về kỹ thuật âm thanh, ánh sáng cùng trang phục, hóa trang hiện đại nhưng kịch bản lại rời rạc, hời hợt, hay để lọt không ít ý tứ, câu chữ dung tục, gợi dục… Cũng phải thôi, trước mỗi mùa Táo quân, cứ sát sàn sạt Tết dân tình mới thấy nhà đài động cựa để nghệ sĩ vắt chân lên cổ tập tành với một kịch bản vừa diễn vừa… sáng tác.

Vậy nên không thể tin được chuyện bí mật về nội dung được giữ cho đến phút chót mà chỉ có thể là một kịch bản của sự vội vàng, sự có sao làm vậy, sự bí ý tưởng…

Bởi vậy đã không thể đổi mới và làm tốt hơn thì đừng khư khư tranh thủ bám vào niềm tin, niềm hy vọng của khán giả để duy trì. Đó cũng là lối ứng xử coi thường và không màng đến nhu cầu của khán giả hôm nay mà chỉ chăm chăm trục lợi, vét cho đầy túi tham bằng quảng cáo.

Nhưng, khán giả cũng có lỗi đấy chứ? Nếu không hay, không hấp dẫn, không như mong đợi thì sao không tắt vô tuyến đi ra phố, ra đường hít hà không khí trời đất chuẩn bị vào xuân?

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ