Gieo mầm đam mê
Nhiều học sinh khối lớp 10, Trường THPT Ngô Quyền (Đà Nẵng) lần đầu tiên sử dụng các thiết bị cơ học trong ngành Công nghệ kỹ thuật cơ khí như máy ép chén đĩa từ vật liệu thân thiện với môi trường, máy CNC, máy khắc laser… tại xưởng thực hành của Khoa Cơ khí, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật (Đại học Đà Nẵng). Trong khi đó, học sinh khối 11 được trải nghiệm STEM trên các thiết bị đo từ trường tại xưởng thực hành điện.
Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật (Đại học Đà Nẵng) đã thiết kế chương trình hoạt động trải nghiệm giáo dục STEM giúp học sinh dễ dàng tiếp cận các khái niệm cơ bản trong khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học thông qua trải nghiệm thú vị trên sản phẩm, mô hình, thiết bị thực hành, thí nghiệm.
Tương tự, Tổ Vật lý - Công nghệ, Trường THPT Nguyễn Văn Thoại (Cẩm Lệ, Đà Nẵng) đã bổ sung kiến thức thực tế các môn học cho học sinh bằng hoạt động học tập trải nghiệm STEM với trường đại học. Các giảng viên của Khoa Cơ khí và Khoa Điện - Điện tử, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật (Đại học Đà Nẵng) tổ chức cho học sinh khối lớp 10 trải nghiệm STEM về cơ học - cơ khí; học sinh khối lớp 11 trải nghiệm STEM về điện trường; học sinh khối lớp 12 trải nghiệm STEM về từ trường với các mô hình, thiết bị tại văn phòng Bộ môn Cơ khí chế tạo và xưởng điện.
Phan Hoàng Hiếu - học sinh lớp 11/6 chia sẻ: “Được thí nghiệm về khoa học, tự tay làm mô hình, sản phẩm trên các thiết bị hiện đại là trải nghiệm thú vị, hấp dẫn và mới mẻ với học sinh. Những kiến thức môn học trở nên gần gũi, dễ hiểu hơn khi chúng em không chỉ hiểu nguyên lý, mà còn biết cách ứng dụng vào cuộc sống, tạo ra sản phẩm hữu ích”.
Tại Ngày hội STEAM của Trường THPT Đào Duy Từ (Đồng Hới, Quảng Bình), gian hàng Trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng) thu hút đông học sinh đến tham quan, trải nghiệm. Có 3 sản phẩm về khoa học, công nghệ, kỹ thuật của sinh viên Trường Đại học Bách khoa để học sinh phổ thông trải nghiệm gồm: Hoạt động trải nghiệm với khí nitơ lỏng; Mô hình kết cấu không gian và Trải nghiệm robot điện tử - dò mê cung.
Thời gian qua, Trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng) thường xuyên phối hợp với sở GD&ĐT các tỉnh, thành khu vực miền Trung để triển khai hoạt động truyền cảm hứng đổi mới sáng tạo cho học sinh liên quan đến lĩnh vực STEM.
PGS.TS Lê Tiến Dũng - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng) cho biết: “Dự án Học viện nghề nghiệp STEM miền Trung Việt Nam được thiết kế để nâng cao nhận thức xã hội, xây dựng năng lực giáo dục và nguồn nhân lực cho STEM. Học sinh THPT được trang bị kiến thức về nghề nghiệp dựa trên các chương trình đào tạo chuyên sâu về khoa học - kỹ thuật, cung cấp cho các em trải nghiệm dựa trên thực tế để có thể lựa chọn theo đuổi lĩnh vực nghề nghiệp ở bậc đại học”.
Trong khuôn khổ dự án, tháng 4/2024, Trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng) tổ chức cuộc thi “Sáng tạo STEM phục vụ thành phố thông minh” với sự tham gia của 29 đội là học sinh đến từ 15 trường THPT của Đà Nẵng, Quảng Nam và Quảng Ngãi. Kết quả triển khai dự án cho thấy, học sinh quan tâm hơn đến sử dụng kiến thức STEM và thể hiện sự hiểu biết tốt hơn về tư duy thiết kế và kỹ năng giải quyết vấn đề.
Theo đánh giá của PGS.TS Lê Tiến Dũng, điều này có ý nghĩa trong việc giúp học sinh nuôi dưỡng nền móng vững chắc giáo dục STEM, tạo đà cho việc theo đuổi ước mơ nghề nghiệp ứng dụng STEM nhất là hướng đến giảng đường đại học và tương lai.

Nâng cao năng lực giáo dục STEM
Theo đánh giá từ nhóm nghiên cứu của TS Nguyễn Hoàng Trung Hiếu - Phó Trưởng phòng Công nghệ và Hợp tác quốc tế, Trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng), giáo dục STEM ở cấp phổ thông hiện nay mới tập trung nhiều vào phương pháp và hình thức tổ chức thực hiện. Chưa có sự gắn kết chặt chẽ với việc hướng nghiệp và phân luồng học sinh vào các nghề nghiệp trong lĩnh vực này.
Thời gian qua, học sinh tốt nghiệp THPT và lựa chọn chuyên ngành đại học, định hướng nghề nghiệp trong các lĩnh vực STEM chiếm tỷ lệ khá thấp. Điều này có nguy cơ ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng và cơ cấu nguồn nhân lực trong tương lai.
Cùng với triển khai Chương trình GDPT 2018, xu hướng tích hợp liên môn trong giáo dục STEM bắt đầu được áp dụng tại các trường phổ thông. Tuy nhiên, một trong những thách thức lớn, theo TS Nguyễn Hoàng Trung Hiếu là người học ít có cơ hội kết nối giữa các khái niệm và thiếu trải nghiệm thực tế liên quan đến STEM.
Dù có nhiều nỗ lực, việc thực hiện dự án STEM trong một hoặc hai tiết học có thể gặp khó khăn để đảm bảo đầy đủ trải nghiệm STEM thực sự. Học sinh cần cơ hội tiếp cận và thực hành nhiều khía cạnh khác nhau của quá trình học tập liên quan đến STEM để phát triển toàn diện.
Để đảm bảo nội dung STEM được truyền đạt sâu sắc, đồng thời chia sẻ trách nhiệm giữa việc học kiến thức cơ bản và tham gia vào hoạt động thực hành, thiết kế và nghiên cứu, Trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng) đã kết nối với 10 trường THPT tại Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi để xây dựng năng lực cho đội ngũ giáo viên trong việc thực hiện các hoạt động học tập STEM.
25 giáo viên được cung cấp chương trình đào tạo và cố vấn liên tục với sự hỗ trợ, định hướng các bài giảng từ giảng viên để có thể áp dụng phương pháp STEM trong lớp học. Từ đây, giáo viên đóng vai trò hướng dẫn lập kế hoạch, giới thiệu các khái niệm và phương pháp giáo dục STEM.
PGS.TS Nguyễn Hữu Hiếu - Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng) cho rằng, để phát triển giáo dục STEM, việc gắn kết đào tạo giữa bậc đại học và THPT là một trong những giải pháp quan trọng nhằm nâng cao nhận thức và năng lực giáo dục STEM tại các trường phổ thông. Điều này giúp đáp ứng nhu cầu lao động có trình độ cao trong lĩnh vực khoa học và công nghệ, phục vụ cho sự phát triển đất nước trong thời kỳ bùng nổ công nghệ toàn cầu.
Theo đó, trường đại học có thể phối hợp với các sở GD&ĐT để hỗ trợ đào tạo giáo viên về cách xây dựng nội dung giáo dục STEM, khai thác các chủ đề STEM trong chương trình hiện hành, áp dụng phương pháp giáo dục STEM, tập huấn nhằm khơi gợi lòng đam mê khoa học, tìm tòi sáng tạo cho học sinh.
Kết nối giữa giáo dục đại học và phổ thông không chỉ hỗ trợ các trường THPT nâng cao hiệu quả trong hoạt động dạy học, mà còn giúp học sinh tiếp cận sớm với môi trường đại học. Đây là những hoạt động góp phần hình thành và phát triển tư duy ban đầu về công nghệ, kích thích khả năng sáng tạo, thích ứng nhanh chóng khi tiếp cận các lĩnh vực chuyên sâu, đồng thời định hướng nghề nghiệp cho học sinh phổ thông.
“Muốn có nguồn nhân lực STEM tốt, cần tập trung trọng điểm để đầu tư phát triển đội ngũ giáo viên thật sự chất lượng. Sáng tạo là phẩm chất phát triển của con người. Giáo dục hiện nay tập trung phát triển năng lực cho người học chứ không phải thiên về kiến thức.
Nếu mãi duy trì tư duy kiểu thầy dạy Toán chỉ biết Toán thì không giải quyết được vấn đề. STEM phải thể hiện rõ trong chương trình đào tạo của các ngành Giáo dục và Sư phạm. Cơ sở vật chất của các trường sư phạm cũng phải ưu tiên đầu tư bài bản để phục vụ đào tạo giáo viên dẫn dắt sự phát triển giáo dục phổ thông”. - PGS.TS Võ Văn Minh (Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm - Đại học Đà Nẵng)