Giáo dục STEM giúp học sinh không chỉ trang bị về kiến thức nguyên lý, mà còn hình thành kỹ năng để thực hành, tạo ra được những sản phẩm trong cuộc sống hằng ngày. Nhờ vậy, STEM hướng các em từ “biết” đến một bước quan trọng hơn là “biết làm”, đồng thời giúp các em tiếp cận các tình huống, các vấn đề đời sống thông qua hoạt động trải nghiệm.
Với việc đẩy mạnh triển khai dạy học STEM trong thời gian qua, các trường học trên địa bàn Đại Từ (Thái Nguyên) đã đem lại cho người học sự thú vị và hào hứng, khơi gợi khả năng sáng tạo với những trải nghiệm mới mẻ.
Tại trường Tiểu học Yên Lãng 1, nhà trường đã mạnh dạn đổi mới phương pháp và các hình thức tổ chức dạy học, trong đó đặc biệt quan tâm triển khai hoạt động giáo dục STEM - nơi mà tư duy khoa học, kỹ thuật và sáng tạo được nuôi dưỡng hằng ngày.
Ngay từ đầu năm học, trong quá trình xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường, các tổ chuyên môn và nhà trường đã chú trọng lựa chọn những nội dung tích hợp, những hoạt động dạy học có thể tích hợp giáo dục STEM vào các môn học và các hoạt động STEM.
Năm học 2024-2025, nhà trường đã thực hiện giáo dục STEM thông qua tích hợp các môn học ở tất cả các khối lớp; Giáo dục STEM+ và tổ chức ngày hội STEM. Sau mỗi bài học STEM, các sản phẩm được các em học sinh và thầy cô và nhà trường trân trọng lưu giữ, trưng bày khoa học tại không gian lớp học và các không gian STEM của nhà trường.
Em Nông Phương Khánh Hà (Lớp 3D, trường Tiểu học Yên Lãng 1) hào hứng chia sẻ: “Em luôn chờ đợi đến giờ học STEM để được làm những sản phẩm, đồ dùng. Những lúc như vậy nhóm chúng em hoạt động cùng nhau rất vui. Những kiến thức được học trước đó trở nên gần gũi, dễ hiểu hơn”.
Qua thực tế, theo các thầy cô giáo nhà trường, việc thực hiện giáo dục STEM đã đem lại ý nghĩa thiết thực, mỗi học sinh được khuyến khích tư duy sáng tạo, phát triển kỹ các năng giải quyết vấn đề, hợp tác, làm việc nhóm, thúc đẩy sự mong muốn khám phá học hỏi.
Cô giáo Hiệu trưởng Ninh Thị Hà chia sẻ: “Dù là các sản phẩm rất nhỏ thì đây cũng là kết tinh của trí tuệ, niềm đam mê sáng tạo của những tâm hồn trẻ thơ trong sáng và có thể cả thế giới sẽ mở ra cho tương lai tốt đẹp của một đứa trẻ bắt đầu từ đây”.
Với trường Tiểu học Kim Đồng, đây là năm thứ 2 nhà trường triển khai hoạt động dạy học STEM. Trước hết, bản thân mõi thầy cô giáo đều miệt mài tìm tòi đổi mới, tham gia chuyên đề, thao giảng, dự giờ, tư vấn. Các tiết học kết nối với những trường học trong và ngoài tỉnh có thế mạnh về giáo dục STEM cũng được thực hiện, nhằm giúp giáo viên nhà trường nâng cao hiểu biết, năng lực về lĩnh vực mới mẻ này.
Nhà trường đã triển khai với 3 hình thức ở các mức độ khác nhau gồm: dạy học các môn khoa học theo bài học STEM; hoạt động nghiên cứu khoa học, kĩ thuật; trải nghiệm STEM. Khi thực hiện các tiết học sử dụng công nghệ hoặc thực hành làm các sản phẩm, không khí lớp học vui tươi, học sinh cảm thấy tự tin hơn vào bản thân khi tự mình có thể giải quyết được vấn đề.
Với việc thiết lập được phòng học Công nghệ dành riêng cho dạy học STEM, các thầy cô đã khai thác tối đa công năng, tổ chức và hướng dẫn để các em học sinh vận dụng kiến thức, tạo ra rất nhiều sản phẩm. “Các em tỏ rất hào hứng, không khí học tập cởi mở, ngoài việc trau dồi kĩ năng thì việc ghi nhớ kiến thức cũng trở nên sâu sắc hơn” - cô giáo Trần Thị Thanh Thúy cho biết.
Thời gian qua, Phòng GD&ĐT huyện Đại Từ (Thái Nguyên) đã triển khai cho cán bộ giáo viên học tập nội dung tập huấn từ cấp tỉnh, tham gia trao đổi học hỏi kinh nghiệm các mô hình từ tỉnh bạn, mời giảng viên của trường Đại học Sư Phạm, chuyên gia của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam tập huấn cho cán bộ quản lý, giáo viên về các hoạt động giáo dục STEM trong trường học.