Tạo môi trường thân thiện giúp học sinh làm quen lại trường lớp

GD&TĐ - Sau khi trở lại trường học tập trực tiếp, ngành GD TP Cần Thơ đã chủ động các giải pháp hỗ trợ học sinh làm quen lại trường lớp và bạn bè, chỉ thực hiện chương trình năm học khi học sinh thực sự "sẵn sàng".

Hình ảnh ngày đầu học sinh trở lại trường học tập trực tiếp.
Hình ảnh ngày đầu học sinh trở lại trường học tập trực tiếp.

Học sinh thực sự "sẵn sàng" thì mới thực hiện chương trình

Bà Nguyễn Kiều Phương, Trưởng phòng GD&ĐT quận Bình Thuỷ cho biết: Tuần đầu tiên trở lại trường, Phòng lưu ý các trường trên địa bàn quận dành thời gian để trẻ và học sinh vào làm quen với lớp, với trường và bạn bè, sinh hoạt vui chơi....

Đồng thời tổ chức, bố trí giờ lệch để đảm bảo công tác phòng chống dịch, tuyệt đối không tổ chức dạy học bài mới hay kiểm tra đánh giá ngay, mà đến khi học sinh thực sự đã "sẵn sàng" thì mới thực hiện chương trình theo quy định.

Bên cạnh đó, phòng cũng đề nghị các đơn vị đẩy mạnh truyền thông, thực hiện tốt công tác đón học sinh về trường cũng như đảm bảo các điều kiện về phòng chống dịch tại trường... để tất cả phụ huynh học sinh an tâm đưa con vào trường học tập.

Đặc biệt đối với khối lớp 1, các em từ Mầm non mới vào, lạ trường lạ lớp, lạ cô... nên các trường cần tạo môi trường lớp học rất thân thiện, gần gũi.

Giáo viên cũng cần sinh hoạt trước cho học sinh cách tự phòng dịch, giới thiệu cho các em làm quen trường học, lớp học, bạn bè... để  yêu thích đến trường học, đồng thời nắm sát chất lượng học tập thời gian qua để có phương pháp phù hợp.

Tại Trường THCS Thị trấn Vĩnh Thạnh (huyện Vĩnh Thạnh), sau khi học sinh trở lại trường, nhà trường chỉ đạo giáo viên tổ chức ôn tập củng cố lại các kiến thức đã học trực tuyến trong thời gian qua, rồi mới dạy tiếp tục chương trình học kỳ 2,đồng thời vận hành phòng học 2 chức năng (trực tiếp-trực tuyến).

Theo thầy Nguyễn Văn Lộc, Hiệu trưởng nhà trường, trước đó để chuẩn bị đón học sinh trở lại trường, các tổ bộ môn nhà trường đã chủ động xây dựng, điều chỉnh kế hoạch giảng dạy phù hợp để đảm bảo chương trình năm học 2021-2022.

Riêng khối lớp 6, đối với việc giảng dạy các môn tích hợpngoài dạy theo kế hoạch chương trìnhnhà trường vận động giáo viên tăng cường gặp gỡ, bồi dường, bổ sung kiến thức, tăng cường dạy kỹ năng học tập cho học sinh, kỹ năng giao tiếp ứng xử khi thay đổi cấp học.

Đồng thời phân công trong cán bộ quản lý, tổng phụ trách xuống gặp gỡ sinh hoạt với các em  về nội quy trường lớp…

Học sinh phấn khởi khi được lên bảng giải bài tập.
Học sinh phấn khởi khi được lên bảng giải bài tập.

Ổn định tâm lý học sinh, đánh giá học sinh nhẹ nhàng như học trực tuyến

Theo nhận định của bà Nguyễn Kiều Phương, khi trở lại học tập trực tiếp thì việc theo dõi, kiểm tra và đánh giá của giáo viên thường xuyên, chính xác hơn có thể khiến một số em cảm thấy khó khăn,  dễ sinh chán nản.

Vì vậy, Phòng cũng lưu ý giáo viên cần quan tâm nhiều đến các đối tượng học sinh này và dành một thời gian nhất định giúp cho các em quay về với thái độ học tập năng động, hăng say, tự tin, vượt khó... như trước đây".

Trao đổi với Báo GD&TĐ, thầy Nguyễn Văn Lộc, Hiệu trưởng Trường THCS Thị trấn Vĩnh Thạnh cho biết, học sinh lớp 6 rất muốn đến trường học trực tiếp, nhưng do một bộ phận cha mẹ học sinh chưa an tâm vì e ngại dịch bệnh và con chưa được tiêm chủng.

Nhà trường cũng yêu cầu giáo viên tiếp tục tuyên truyền, động viên cha mẹ việc đến trường học trực tiếp là quyền lợi của học sinh, ngoài việc được tiếp thu kiến thức tốt hơn thông qua các hoạt động giáo dục trực tiếp, giúp các con được tiếp xúc với bạn bè, thầy cô nhằm giúp tâm lý  phát triển tốt hơn.

Mặt khác về công tác đánh giá học sinh trở lại trường, nhà trường chỉ đạo giáo viên bộ môn nhẹ nhàng trong kiểm tra đánh giá như học trực tuyến. Tránh làm cho học sinh và cha mẹ học sinh lo lắng về điểm số học trực tiếp khó hơn trực tuyến.

Theo thống kê của Sở GD&ĐT TP Cần Thơ trong ngày đầu tiên trở lại trường, tổng số học sinh mầm non trở lại trường là 12.430/38.787, tiểu học là 45.253/53.177, THCS là 27.942/30.546 và khối THPT là 24.114/24.942 em.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ