Cần nhất là tạo cho trẻ sự thoải mái, hứng thú khi đến lớp

Cần nhất là tạo cho trẻ sự thoải mái, hứng thú khi đến lớp

(GD&TĐ) - Vì việc học ở tiểu học khác hẳn với bậc mầm non; trước khi vào lớp 1, trẻ cần được chuẩn bị tinh thần tâm lý để các em hứng thú với việc học, nhận biết được lợi ích của việc học; nhận biết việc học là việc làm tự bản thân được tham gia; hiểu học tập là được phát hiện cái mới và trải nghiệm để cá nhân có hiểu biết, kinh nghiệm mới và nhận biết việc học thông qua các hoạt động, trò chơi là hấp dẫn.

Trẻ cũng cần được trang bị các kĩ năng học tập cơ bản, trong đó có kỹ năng tự học kỹ năng ngôn ngữ.

Riêng với kỹ năng phát triển ngôn ngữ sẽ bao gồm các kỹ năng nói và kĩ năng nghe hiểu; kĩ năng thực hành ngữ âm; kĩ năng tiền đọc; kĩ năng tiền viết và kĩ năng làm việc với sách in.

Kĩ năng nói và nghe hiểu sẽ được trang bị thông qua việc phát triển vốn từ theo chủ điểm gần gũi làm tiền đề cho việc giao tiếp bằng lời nói và làm tiền đề cho việc đọc, viết. Đi kèm là các kĩ năng: Hội thoại; nói độc lập; nói thuật việc; kể lại câu chuyện; trả lời câu hỏi về câu chuyện; kĩ năng nói độc lập trong kể về đồ vật - tranh ảnh, sự kiện; nói độc lập về những điều cá nhân quan sát, miêu tả, tưởng tượng, hư cấu.

Đừng để trẻ chịu quá nhiều áp lực học tập khi vào lớp 1. Ảnh: Hồng Anh
Đừng để trẻ chịu quá nhiều áp lực học tập khi vào lớp 1. Ảnh: Hồng Anh

Kĩ năng thực hành ngữ âm giúp trẻ nhận biết được các loại âm thanh (âm thanh không phân đoạn và âm thanh phân đoạn); nhận biết tiếng và vần; nhận biết sự khác nhau của những âm thanh khác nhau (khác nhau về cách phát âm, về độ mạnh yếu, về độ phát ra âm thanh nhiều hay ít).

Kĩ năng tiền đọc dạy trẻ nhận biết được kí hiệu từ và phát triển vốn từ trong văn bản; di chuyển mắt, ngón tay theo các từ và câu trên văn bản; kết hợp đọc từ với xem tranh; xem tranh và kể chuyện theo tranh; cùng đọc với giáo viên và người lớn; cùng làm ra sách (làm bằng tay với hình ảnh, và chữ viết).

Kỹ năng tiền viết (dùng rất hạn chế) gồm việc dạy trẻ luyện tập cách cầm bút; luyện tập phối hợp tay và mắt; viết các nét sổ thẳng theo chiều dưới lên, trên xuống; viết nét ngang theo chiều từ trái sang phải, từ phải sang trái, viết các nét cong; vẽ hình trên khung; phân biệt nét chữ và chữ cái và vẽ dấu chấm, vẽ hình, tô màu tranh.

Với kỹ năng làm việc với sách in, trẻ được nhận biết các phần của sách in như bìa sách, tên sách, phía trên, phía dưới trang sách; nhận biết chữ in, nhận biết cách đọc từ trái sang phải, từ trên xuống dưới; nhận biết hình minh họa các đồ dùng, các tình huống; nhận biết các từ trong bài khóa, các dấu chức năng (dấu chấm, dấu phẩy, dấu gạch ngang, dấu chấm hỏi, dấu chấm than); nhận biết chữ in mang các ý nghĩa; biết giở trang sách và biết xác định chỗ ghi số trang sách.

Nguyễn Nhung (ghi)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

GD&TĐ - Trong hai tháng thi đua chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, học sinh Trường THPT Chu Văn An đã tổ chức sự kiện Sparkling Chu Văn An 2024.