Chỉ đến khi bị chồng ngược đãi, cô mới được phép trở về nhà cha mẹ. Kể từ đó, Topodzi không ngừng làm việc để cứu các cô gái khác khỏi tình cảnh tương tự. Cô đã vận động để chính phủ thay đổi luật và tăng độ tuổi hợp pháp hôn nhân tối thiểu từ 16 lên 18 tuổi.
“Là một người mẹ và là người sống sót từ nạn tảo hôn, tôi tha thiết muốn kết thúc điều này. Tôi hiểu cảm giác phải kết hôn sớm và xử lý mọi thứ trong cuộc sống hôn nhân khó khăn thế nào” – cô Topodzi trao đổi tại hội nghị về tệ nạn này ở thủ đô Accra của Ghana.
Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới, hơn 1/3 số bé gái sống ở vùng cận Sahara châu Phi kết hôn trước khi tròn 18 tuổi và điều này khiến các quốc gia tại đây thiệt hại tới hàng tỷ đô la. Ước tính 12 quốc gia bị thiệt hại tổng cộng là 63 tỷ USD vì các cô dâu trẻ em có số năm giáo dục chính thức thấp hơn so với những người bạn cùng tuổi sau này mới kết hôn.
Mỗi năm học trung học giảm tỉ lệ cưới trước 18 tuổi đi ít nhất 5% hoặc hơn, theo báo cáo “Giáo dục bé gái và Kết thúc nạn tảo hôn”.
Tây Phi đặc biệt có tỷ lệ kết hôn trước 15 tuổi cao nhất và trong 20 quốc gia có tỷ lệ tảo hôn cao nhất thế giới, 18 quốc gia đến từ châu Phi.
Yvette Kathurima Muhia từ tổ chức Girls Not Brides, một trong hơn 1.000 nhóm xã hội dân sự đang làm việc chống tệ nạn này cho biết chính phủ và cộng đồng cần phải bắt tay với nhau để giải quyết.
Hai mươi bốn quốc gia đã triển khai chiến lược quốc gia để kết thúc việc thực hành hủ tục này kể từ khi Liên minh châu Phi bắt đầu chiến dịch chấm dứt tảo hôn hoàn toàn với đích đến là năm 2023. Nhưng cô cho biết vẫn còn nhiều điều cần được thực hiện, đặc biệt để giữ các bé gái ở lại trường cho an toàn bằng cách cung cấp các bữa ăn miễn phí, thiết bị vệ sinh và vận chuyển.
Liên Hợp Quốc trong tháng trước công bố hạn hán ở miền Tây Afghanistan đã khiến hơn 250.000 người phải di tản và xảy ra khủng hoảng nhân đạo vốn đã vô cùng phức tạp. Một số gia đình buộc phải bán con gái của họ để trả nợ hoặc mua thực phẩm. Ít nhất 161 trẻ em trong độ tuổi từ 1 tháng tuổi tới 16 năm tuổi đã bị bán trong khoảng giữa tháng 7 đến tháng 10, theo UNICEF.
Kathurima Muhia, người đứng đầu tổ chức Girls Not Brides tại châu Phi thừa nhận mục tiêu xóa bỏ hủ tục của Liên minh châu Phi cho năm 2023 sẽ không trở thành hiện thực, mọi tiến bộ cho tới nay vẫn rất là chậm chạp.
Ngoài việc giải quyết các chính sách và cải cách pháp lý, tiêu chuẩn xã hội thông thường cũng cần được thay đổi trong các cộng đồng, bà Muhia nói thêm. Đồng thời, mọi người cần hiểu rằng không có lý do văn hóa hay tôn giáo nào chấp nhận được cho việc kết hôn với các bé gái.
Mặc dù nhận thức về hủ tục này ngày càng được gia tăng, vụ việc một cô gái 17 tuổi ở Nam Sudan được bán đấu giá để kết hôn trên
Facebook trong thời điểm các nhà hoạch định chính sách tụ họp lại ở Sudan đã tạo nên sự phẫn nộ quốc tế.