(GD&TĐ) - Giáo dục từ xa đang khẳng định xu thế tích cực của thời đại. Ở các nước phát triển, song song với đào tạo chính quy thì các loại hình đào tạo không chính quy khác cũng được coi trọng, trong đó có đào tạo từ xa. Ở Việt Nam giáo dục từ xa, cũng được coi trọng với nhiều nghị quyết, chỉ thị của các cấp quản lý. Theo dự báo đến năm 2020, trên cả nước sẽ có khoảng 30% (tương đương với 500.000 người) theo học các loại hình giáo dục từ xa. Tuy nhiên, để phát triển loại hình đào tạo này, còn cần phải vượt qua nhiều rào cản, thách thức lớn.
|
Ý thức tự học là tác nhân quyết định chất lượng đào tạo |
Rào cản lớn
Rào cản lớn nhất là nền giáo dục đã chính quy hóa, với sự ra đời của hàng loạt các trường ĐH, CĐ công lập và ngoài công lập, đã đáp ứng đáng kể nhu cầu của người học, nên các loại hình đào tạo từ xa, không chính quy ít được coi trọng hơn. Thêm nữa là do đứng sau loại hình đào tạo chính quy nên nguồn ngân sách đầu tư cho loại hình này cũng thua kém, rồi bằng cấp cũng bị đánh giá thấp hơn…
Phải khẳng định rằng các loại hình đào tạo chính quy phát triển đã thu hút hầu hết những học sinh khá, giỏi. Với điều kiện đáp ứng cao của hệ thống các trường ĐH, CĐ như hiện nay, những học sinh có lực học trung bình khá cũng có thể theo học các trường chính quy. Chỉ có điều bài toán chất lượng luôn được đặt ra và câu trả lời thì chưa có. Trong khi đó, với điều kiện kinh tế - xã hội như ở Việt Nam hiện nay, các loại hình đào tạo từ xa đang góp phần tích cực trong việc tạo điều kiện cho người học nâng cao trình độ, nghiệp vụ chuyên môn khi mà xã hội và người học còn nhiều khó khăn, hạn chế về tài chính, về điều kiện sức khỏe, thời gian…. không thể tham gia các loại hình đào tạo chính quy. Thêm nữa, loại hình đào tạo này cũng giúp cho những học sinh có học lực trung bình, nhưng vẫn có mong muốn theo học ĐH, CĐ có thể tham gia theo học từ xa.
Theo TS. Lê Văn Thanh – Viện trưởng Viện Đại học Mở Hà Nội: Một thách thức không kém phần quan trọng cũng đang được đặt ra đối với những trường đang triển khai các hoạt động đào tạo từ xa. Trong đào tạo, ai cũng biết rất rõ một trong những nhân tố quyết định đối với chất lượng đào tạo đại học là nguồn “đầu vào”. Trong khi đó, ở loại hình đào tạo từ xa chủ yếu là những người cán bộ đang công tác do xa cách về địa lý, điều kiện thời gian eo hẹp, hoặc là những cán bộ địa phương cần nâng chuẩn bằng cấp, rồi thứ đến là những học sinh có học lực trung bình không thi đỗ được vào các hệ chính quy các trường.... Với đầu vào như vậy, thì không thể nói là đảm bảo chất lượng cao. Tuy nhiên, cũng không thể mở ra đào tạo rồi chấp nhận chất lượng kém cho đầu ra. Đây là thách thức không nhỏ buộc các trường bằng cách này, hay cách khác phải vượt qua.
Cần nỗ lực từ 2 phía
Thực tế cho thấy, với các loại hình giáo dục từ xa, phần lớn đối tượng đi học là cán bộ, công chức đã có kinh nghiệm công tác. Thế nên những bài giảng mang tính nghiệp vụ đối với họ cũng không phải là điều xa lạ. Họ đi học cũng là để hoàn thiện các kỹ năng, kiến thức cần thiết, ít nhiều trong họ cũng có một nền tảng kiến thức chuyên môn nhất định. Nếu phát huy được tính tự học, quản lý tốt và có những giải pháp hợp lý, mô hình giáo dục này lại phát huy được khả năng tự học, sáng tạo của người học và chất lượng đầu ra đảm bảo là điều hoàn toàn có thể.
Theo ông Nguyễn Minh Đức – Giám đốc Trung tâm phát triển đào tạo, Viện Đại học Mở Hà Nội: Có 2 yếu tố căn bản quyết định chất lượng đào tạo cho loại hình đào tạo từ xa là khả năng tự học của người học và cách thức tổ chức lớp học, hệ thống giáo trình và các hình thức hỗ trợ học tập, thi cử, thông qua trực tuyến... cũng là những tác nhân quan trọng góp phần xúc tác ý thức học tập của mỗi cá nhân. Như ở Viện Đại học Mở, song song với việc kết hợp với các đơn vị liên kết quản lý hiệu quả các lớp đào tạo, chúng tôi liên tục hoàn thiện, cập nhật thông tin, các giáo trình, bài giảng thực hành, qua hệ thống các thư viện học liệu mở, sao cho người học có đủ thông tin cần khai thác. Cách thức tổ chức thi và ra đề cũng hướng tới các giá trị thực tế, để làm được bài người học cần phải hiểu chứ không phải là học thuộc.
Nói về tính thực tế của loại hình đào tạo này, ông Lâm Văn Tín người dân tộc Tày – cán bộ tư pháp xã An Thắng, huyện Pác Nặm, tỉnh Bắc Kạn, cho rằng: “Hiện nay, nhiều cơ quan tuyển dụng thường không coi trọng người có bằng đại học từ xa vì họ cho rằng chất lượng không đủ độ tin cậy. Có thể nơi này, nơi khác, nhưng chắc là những vùng đồng bằng phát triển mới có tình trạng đó. Còn ở các tỉnh miền núi, hay như Pác Nặm, Bắc Kạn chúng tôi thì nhu cầu học nâng cao trình độ để làm việc là có thật. Rõ ràng là bằng cấp, chuyên môn tốt hơn sẽ làm việc hiệu quả hơn”.
Từ thực tế đào tạo từ xa tại các tỉnh miền núi cho thấy nhu cầu của người học nhằm nâng cao năng lực, trình độ là không nhỏ. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là trong khi xã hội còn băn khoăn về loại hình đào tạo này thì chúng ta cần xây dựng được hệ thống đánh giá, kiểm định có đủ độ tin cậy mà người tốt nghiệp đại học từ xa khẳng định được trình độ của mình và có thể đáp ứng tốt nhu cầu phát triển nguồn nhân lực như các loại hình đào tạo chính quy khác.
Siết chặt quản lý để đảm bảo chất lượng giáo dục từ xa Đào tạo từ xa thực sự là cơ hội học tập tốt nhất cho mọi người trong xu thế phát triển của thời đại hiện nay. Tuy nhiên, để cho việc học theo hình thức đào tạo từ xa thật sự đào tạo được nguồn nhân lực chất lượng cao thì cần siết chặt hơn nữa việc quản lý, tránh mọi biểu hiện tiêu cực, tha hoá; đồng thời để cho việc học theo hình thức đào tạo từ xa thật sự có hiệu quả và đem lại lợi ích thiết thực cho học viên thì chính người học cần phải nắm những nguyên tắc cơ bản và điều cốt lõi trong học tập. Đó là: Phải chủ động trong học tập. Có mục tiêu và kế hoạch cụ thể để thực hiện mục tiêu. Luôn có tinh thần cầu tiến. Luôn có ý chí tự học và phải có nghị lực thật cao, biết vượt qua mọi trở ngại để thực hiện cho được mục tiêu học tập của mình. Trong hình thức giáo dục từ xa thì việc TỰ HỌC, TỰ HOÀN THIỆN MÌNH chính là điều cốt lõi. Lê Thị Vân Anh (Trưởng Khoa Tại chức, Trường CĐ Cộng đồng Đồng Tháp). |
Dĩ Hạ