TẠO ĐƯỢC HIỆU ỨNG TỐT TRONG DƯ LUẬN XÃ HỘI

TẠO ĐƯỢC HIỆU ỨNG TỐT TRONG DƯ LUẬN XÃ HỘI

(GD&TĐ) - Những năm gần đây, đề thi các môn khoa học xã hội, đặc biệt là môn Văn trong các kỳ thi quốc gia, thi đại học, cao đẳng và thi tốt nghiệp trung học phổ thông luôn có xu hướng mở, không bó hẹp trong chương trình học. Điều này đã tạo nên một cộng hưởng tốt bởi sau đó nhiều địa phương, trường học khuyến khích giáo viên ra đề theo hướng này. Và hơn thế nữa những đề thi kiểu này đã tạo được hiệu ứng tốt trong dư luận xã hội.

Thí sinh trong giờ thi môn Văn tốt nghiệp THPT 2012 - 2013 Ảnh: N.Lâm
Thí sinh trong giờ thi môn Văn tốt nghiệp THPT  2012 - 2013 Ảnh: N.Lâm

Đề thi tốt nghiệp thay đổi theo hướng mở

Mấy năm gần đây Bộ GD&ĐT ra đề thi môn Ngữ Văn trong cả 2 kỳ thi quan trọng tốt nghiệp trung học phổ thông và tuyển sinh vào đại học, cao đẳng thường ra 01 câu hỏi “mở” 3 điểm. Từ kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2009, với yêu cầu thí sinh phát biểu ý kiến về tác dụng của việc đọc sách, Bộ GD&ĐT đã nhận được nhiều lời khen của dư luận cũng như giới chuyên gia. Phát huy hướng ra đề tích cực này, tiếp tục những năm sau đó các câu hỏi mở trong đề thi môn Ngữ Văn đã nhận được sự đồng tình, hưởng ứng của học sinh, phụ huynh và toàn xã hội.

Nhiều ý kiến của phụ huynh học sinh cho rằng, ra đề Văn kiểu này, sẽ giúp học sinh từ bỏ thói quen tiếp thu kiến thức một chiều. Với những dạng câu hỏi này đòi hỏi học sinh phải có vốn kiến thức về văn hóa, đạo đức để bàn luận vấn đề cho khoa học, chân thực, logic... Đồng thời các em được tự do đưa ra những ý kiến phản biện có thể là trái chiều nhưng biểu đạt suy nghĩ của mình. Đó thật sự là một sự thay đổi mới trong phương pháp dạy và học mang đến cho học sinh sự khích lệ lớn, giúp các em phấn chấn hơn trong suốt cả buổi thi.

Đề thi môn Ngữ văn tốt nghiệp trung hoc phổ thông năm nay với câu hỏi mở (3 điểm): “Viết một bài văn ngắn (khoảng 400) từ bày tỏ suy nghĩ của anh/ chị về hành động dũng cảm của em học sinh Nguyễn Văn Nam trong đoạn thông tin:…”.

Tấm gương dũng cảm quên mình của em Nguyễn Văn Nam phần nào đã làm cho sự nhìn nhận của mọi người trong xã hội và đặc biệt của giới trẻ có cái nhìn khả quan hơn, bớt thờ ờ, vô cảm trước đồng loại của mình… Chính vì thế đề thi môn Ngữ văn tốt nghiệp trung học phổ thông khiến những người quan tâm tới đời sống xã hội không khỏi sửng sốt.

Niềm vui được cộng hưởng khi đề thi môn Địa lý trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm nay cũng có một câu hỏi mở nói về biển đảo. Theo nhiều giáo viên địa lý, câu hỏi đó hoàn toàn nằm trong chương trình sách giáo khoa. Thế nhưng người ra đề đã kết nối được kiến thức trong chương trình sách giáo khoa với đời sống thực. Và đặc biệt giá trị hơn nữa ở tính giáo dục cao, giúp các em nhận thức rõ về quyền biển đảo, thêm yêu quê hương đất nước.

Với cách ra đề mở này, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển khẳng định: Mỗi  người có một nhận thức khác nhau và quan điểm của Bộ GD&ĐT là không áp đặt ý nghĩ của mình cho lớp trẻ. Bộ GD&ĐT ra đề thi mở để học sinh có nhiều ý kiến, quan điểm, khác nhau. Vấn đề quan trọng là các em có lập luận chặt chẽ cho quan điểm mà mình đưa ra hay không, có thuyết phục không? Đề thi mở thì không thể có câu trả lời đóng. Nếu học sinh đưa ra những lập luận hợp lý thì chắc chắn sẽ được điểm. Trong những năm học tới Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục ra đề mở và chắc chắn càng những năm sau đề mở càng hay hơn vì giáo viên ra đề sẽ có kinh nghiệm.

“Mở” vừa sức

Xã hội đã dần quen thuộc với lối ra đề thi theo hướng mở, giúp học sinh không còn gò bó trong những lối mòn đã định sẵn. Cô Trần Thị Nam Dân, giáo viên Văn, Trường Trung học phổ thông Bình Lục C  (Hà Nam) cho biết: “Mấy năm gần đây học sinh đã quen với xu hướng làm đề thi  mở môn Văn. Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm nay, các em có tinh thần làm bài hào hứng hơn bởi tính sát thực của câu hỏi. Câu hỏi 2 trong đề văn các em đều tập trung làm bài tốt bởi  sự cảm phục tấm gương quả cảm vẫn chưa nguôi nên dễ bộc bạch cảm xúc. Theo tôi, những đề văn mở với chủ đề: gương người tốt việc tốt nên phát huy để giới trẻ cùng nhìn nhận...”.

Cô Mai Thị Huệ - Giáo viên Văn Trường Trung học phổ thông Lý Nhân (Hà Nam) cho biết: “Câu hỏi mở trong đề thi Văn năm nay theo tôi là rất hay. Câu hỏi này mang tính giáo dục cao, sâu sắc và ý nghĩa. Hình ảnh quả cảm của em học sinh Nguyễn Văn Nam đã lay động nhận thức cả một thế hệ học trò trước thói thờ ơ, vô cảm đang diễn ra trong xã hội.”.

Cô Vũ Thị Kim Phượng - giáo viên Văn Trường Trung học phổ thông Nguyễn Gia Thiều - Gia Lâm  (Hà Nội) có ý kiến: “Câu nghị luận xã hội của đề thi tốt nghiệp môn Văn năm nay đề cập đến vấn đề không mới: lòng dũng cảm, cô trò chúng tôi cũng đã ôn tập mãi rồi. Thế nhưng câu hỏi này hay bởi cách tiếp cận mới và nóng. Đây chính là điều được dư luận đánh giá cao. Học sinh có cảm xúc làm bài, người lớn hào hứng… vì đề vừa mang tính thời sự lại có ý nghĩa nhân văn.”.

Với cách chấm bài cho điểm dạng câu hỏi mở, cô Vũ Thị Kim Phượng cho biết: Câu hỏi ra dạng mở nên giáo viên cũng chấm mở. Với câu hỏi mở của đề văn năm nay tôi tin chắc rằng không có học sinh nào lại không được điểm mà đạt ở thang điểm nào, tối đa hay không mà thôi. Tinh thần chung cho điểm tối đa với các bài học sinh biết cách lập luận logic, chặt chẽ, ý kiến phản biện thuyết phục, thật sự chân thành, sâu sắc, xúc động, câu văn hấp dẫn,... đúng tinh thần giáo dục lòng dũng cảm. Và cũng theo đó chúng tôi đọc, nhận xét và cho điểm cao, thấp với mỗi bài cụ thể.

Dư luận vui mừng với những đề thi hay, không đóng khung với những gì quen thuộc. Thế nhưng điều quan tâm hơn, mọi người hy vọng đây sẽ là cơ sở để thay đổi triệt để cách dạy và học, máy móc như hiện nay. Đó là chủ trương của lãnh đạo Bộ dùng đề thi mở như một giải pháp quản lý chất lượng thi cử. Kỳ thi tốt nghiệp năm nay Bộ GD&ĐT tiếp tục nhận được nhiều ý kiến khen ngợi của công luận trong khâu ra đề thi bởi biên độ mở trong tư duy của người làm đề. Đó thật sự là một hiệu ứng tốt trong xã hội khiến nhiều người xúc động.

Cần khuyến khích cách ra đề mở mang tính giáo dục cao

Thực tế, trong xã hội hiện nay sự thờ ơ, vô cảm trước những khó khăn, hoạn nạn của đồng loại không phải không có, báo chí, dư luận đã lên án nhiều, bởi vậy mà một hình ảnh đẹp anh dũng như em Nguyễn Văn Nam rất đáng được đưa ra để uốn nắn, nhận thức, giáo dục thế hệ trẻ. Đánh thức giá trị tâm hồn, đánh thức lý tưởng sống, lối sống, giúp cho thế hệ trẻ sống đẹp, sống có ý nghĩa...

Hiện nay, trong xã hội còn có nhiều vấn đề cần bàn đến để hướng tới giáo dục học sinh. Việc ra đề văn mở cho kì thi tốt nghiệp trung học phổ thông nói riêng và cho các kì thi khác nói chung còn nhiều câu hỏi hay, ý nghĩa giáo dục cao nhưng với lứa tuổi học sinh lớp 12, bài học truyền tải từ đề thi tốt nghiệp năm nay là hết sức cần thiết. Người ra đề thi đã thật sự bám sát cuộc sống và biết cách mượn hình ảnh đẹp từ cuộc sống thông qua văn chương để giáo dục con người...

Giáo sư: Trần Thị Trâm - Nguyên trưởng khoa Ngữ Văn - Học viện Báo chí và Tuyên Truyền

Hiền Anh

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ