Tạo dựng môi trường học tập giàu tương tác ngôn ngữ trong trường mầm non

GD&TĐ - Giáo dục phát triển ngôn ngữ đóng vai trò vô cùng quan trọng nhằm giúp trẻ định hình và phát triển tư duy, đạo đức, và giúp trẻ có thể giao tiếp với những người xung quanh một cách ý nghĩa và đầy đủ thông tin.

Quá trình phát triển ngôn ngữ ở từng trẻ là khác nhau do nhiều yếu tố ảnh hưởng như: khả năng tiếp nhận ngôn ngữ của từng trẻ, hoàn cảnh gia đình… Nhưng trong môi trường lớp học, giáo viên là người đóng vai trò quan trọng nhất để hỗ trợ trẻ phát triển ngôn ngữ thông qua việc tạo một môi trường học tập giàu ngôn ngữ. 

Như thế nào là môi trường học tập giàu ngôn ngữ? 

Nhiều nghiên cứu khoa học đã chỉ rằng trẻ phát triển kỹ năng ngôn ngữ tốt nhất trong một môi trường mà ở đó trẻ: Cảm thấy an toàn, thân thiện, và thoải mái; Được học tập qua các hoạt động có ý nghĩa, thực tế và liên quan tới cuộc sống của trẻ; Được tham gia vào các tương tác có ý nghĩa với giáo viên và các bạn trong lớp. Một môi trường học gồm ba thành tố này được gọi là môi trường học tập giàu ngôn ngữ. Ở các địa phương có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số cùng sinh sống, môi trường học tập giàu ngôn ngữ cho thấy đặc biệt hiệu quả đối với những trẻ học Tiếng Việt như ngôn ngữ thứ hai khi đến trường. 

Các thành tố chính của một môi trường học tập giàu ngôn ngữ
Các thành tố chính của một môi trường học tập giàu ngôn ngữ

Môi trường học tập an toàn, thân thiện và phong phú

Giáo viên quan sát trẻ trong lớp, khi thấy trẻ tham gia và cảm thấy trẻ “như cá gặp nước” nghĩa là giáo viên đã thành công trong việc tạo ra yếu tố đầu tiên: một môi trường an toàn, thân thiện cho trẻ. Khi tạo ra môi trường học tập thân thiện, trẻ sẽ cởi mở tiếp nhận những gì đang diễn ra xung quanh mình và bắt đầu khám phá, học tập một cách tự tin. Đối với những trẻ học tiếng Việt như ngôn ngữ thứ hai, trẻ nên được cho phép nói tiếng mẹ đẻ khi chưa đủ tự tin để giao tiếp với cô và bạn bằng tiếng Việt. Giáo viên hãy động viên và dành lời khen cho mỗi sự tiến bộ nhỏ hàng ngày của trẻ ở lớp.

Một môi trường học tập phong phú không chỉ giới hạn ở yếu tố đồ dùng dạy và học tập trong lớp học. Yếu tố “phong phú” còn được thể hiện ở khía cạnh đa dạng các cơ hội, tương tác, hoạt động học trong lớp để trẻ có thể giao tiếp với giáo viên và các bạn trong lớp một cách thoải mái bằng bất cứ ngôn ngữ nào mà trẻ cảm thấy tự tin. Giáo viên có thể làm phong phú các chủ đề học có liên quan đến văn hóa hay đời sống hàng ngày của trẻ như các lễ hội văn hóa địa phương, ẩm thực, âm nhạc… nhằm giúp trẻ tự tin chia sẻ những điều mình đã biết thay vì học một chủ đề hoàn toàn xa lạ với trẻ. 

Các đồ chơi và vật liệu trong lớp hợp cần có sự liên quan tới chủ đề và nên sử dụng nhiều hơn các vật liệu mở để trẻ thỏa sức sáng tạo thay vì các đồ chơi đã được sản xuất sẵn
Các đồ chơi và vật liệu trong lớp hợp cần có sự liên quan tới chủ đề  và nên sử dụng nhiều hơn các vật liệu mở để trẻ thỏa sức sáng tạo thay vì các đồ chơi đã được sản xuất sẵn

Cô T. – hiệu trưởng một trường mầm non tại tỉnh Kon Tum cho biết: “Giáo viên vẫn giao tiếp với trẻ cả bằng tiếng Việt và tiếng mẹ đẻ (khi cần), tuy nhiên cô nói chậm, dùng các câu ngắn, đơn giản, thêm cử chỉ, hành động để giải thích. Cô không ép trẻ phải nói hoàn toàn bằng tiếng Việt nhưng dạy trẻ những câu ngắn để trẻ làm quen dần. Dựa trên quan sát, cô tổ chức nhiều hoạt động học liên quan tới sở thích và hiểu biết của trẻ để từ đó giúp trẻ tự tin hơn. Cô giao tiếp với trẻ một cách tự nhiên, vừa nói vừa làm, hoàn toàn giống cách cha mẹ nói chuyện với trẻ ở nhà. Dần dần, trẻ học tiếng Việt tốt hơn rất nhiều”. 

Các hoạt động có ý nghĩa và thực tế trong cuộc sống

Các hoạt động học trong lớp học cần dựa trên sở thích và sự liên quan tới đời sống hàng ngày và môi trường sống xung quanh trẻ. Trẻ học và phát triển kỹ năng ngôn ngữ hiệu quả hơn thông qua những trải nghiệm có thật. Giáo viên cần hướng dẫn trẻ những hoạt động thực tế thay vì các hoạt động mang tính “giả vờ”. 

Ví dụ như hoạt động tại góc chợ sẽ có ý nghĩa hơn thông qua hoạt động đóng vai giữa người bán và người mua. Tuy nhiên, không nên chỉ giới hạn ở việc mua và bán các sản phẩm tại góc chợ, mà cần được nâng cao hoặc trọng tâm ở những tình huống sẽ xảy ra trong đời sống thật của trẻ. 

Việc học từ vựng không chỉ đơn thuần là lặp lại những từ vựng giáo viên nói mà cần được lồng ghép trong các hoạt động học hoặc hoạt động chơi trong lớp. Ví dụ việc học từ vựng “con trâu” sẽ dễ hơn nếu cô dẫn trẻ đi thăm gia đình một bạn có nuôi trâu thay vì cả lớp ngồi lặp lại theo cô từ “con trâu” trong lớp. 

Hỗ trợ phát triển ngôn ngữ có trọng tâm thông qua tương tác

Những tương tác ngôn ngữ giữa giáo viên và trẻ trong môi trường lớp học đóng vai trò quan trọng giúp các kỹ năng ngôn ngữ của trẻ phát triển và những tương tác đó cũng giúp trẻ tự tin hơn trong khi giao tiếp với những người xung quanh, đặc biệt đối với trẻ đang học ngôn ngữ thứ hai khi đến trường. Thông qua quá trình quan sát và làm việc cùng trẻ, giáo viên đưa ra những sự hỗ trợ kịp thời bằng lời nói, cử chỉ, thái độ, ánh mặt, biểu hiện khuôn mặt… nhằm giúp trẻ hiểu được điều cô đang nói cũng như giúp trẻ diễn đạt ý của trẻ một cách rõ ràng hơn. 

Quá trình quan sát trẻ giúp giáo viên theo sát và có hỗ trợ kịp thời ngay trong từng hoạt động của lớp
Quá trình quan sát trẻ giúp giáo viên theo sát và có hỗ trợ kịp thời ngay trong từng hoạt động của lớp

Cô L. – giáo viên một trường mầm non ở tỉnh Quảng Ngãi – chai sẻ kinh nghiệm khi làm việc với trẻ mới đến trường và chưa sử dụng thành thạo tiếng Việt: “Tôi quan sát cách trẻ chơi tại góc nghệ thuật cùng với các bạn khác trong nhóm. Trẻ bắt chước cách làm của tôi và các bạn khi định cắt những tờ giấy màu nhưng trẻ không có kéo để cắt và nhìn quanh. Nhưng trẻ mới đến lớp nên không biết hỏi cô thế nào, tôi liền hỏi: Con cần một chiếc kéo để cắt giấy phải không? (Tôi nhấn mạnh chiếc kéo, cắt) và lấy một chiếc kéo cho trẻ. Sau đó, tôi vừa làm vừa nói với trẻ bằng những câu ngắn gọn, đúng ngữ pháp, nhắc lại một cách tự nhiên: Để cắt được hình tròn, đầu tiên cô cần vẽ một hình tròn lên tờ giấy này. Như thế này này! Sau đó, tôi cầm kéo và cắt theo đường viên của hình tròn. Cuối cùng, tôi nói: cô đã cắt được một hình tròn đẹp rồi này. Như vậy, tôi đã dạy được trẻ một số từ vựng như: Cắt, chiếc kéo, giấy, hình tròn…một cách rất tự nhiên. Ngày qua ngày, vốn từ vựng và khả năng sử dụng ngôn ngữ của trẻ cũng tăng dần lên”. 

Giai đoạn từ 0 đến 6 tuổi khi trẻ đến trường mầm non là giai đoạn vàng trong quá trình phát triển ngôn ngữ của trẻ. Để hỗ trợ trẻ phát triển tối đa khả năng sử dụng ngôn ngữ, việc giáo viên tạo ra một môi trường học giàu tương tác ngôn ngữ là vô cùng quan trọng. Mỗi một sự tiến bộ nhỏ của trẻ khi nói được nhiều hơn mỗi ngày dù chưa hoàn chỉnh nhưng cũng như là một món quà, một bông hoa nhỏ gửi tặng người giáo viên vì những nỗ lực giáo dục trẻ từng ngày. Ngôn ngữ phát triển theo một cách tự nhiên vì trẻ học tốt nhất thông qua những lời nói, những giao tiếp hàng ngày, tự nhiên. 

Trong bài tới chúng ta sẽ cùng tìm hiểu một số kỹ thuật mà giáo viên có thể sử dụng để tạo ra tương tác phong phú tại góc chơi.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.