Thư viện hạnh phúc trực tuyến
Thư viện hạnh phúc là ý tưởng sáng tạo của cô Phạm Thanh Minh - giáo viên Trường THCS Thanh Xuân Trung (quận Thanh Xuân, Hà Nội) với mục đích duy trì thói quen đọc sách cho học sinh trong thời gian tạm dừng đến trường. Thay vì học sinh phải đọc sách, học sinh sẽ yêu thích sách, say mê sách và chủ động tìm kiếm những cuốn sách để đọc.
Theo cô Minh, trường học hạnh phúc là ngôi trường ở đó học sinh hay giáo viên đều cảm thấy hạnh phúc, thầy và trò cùng vui khi đến trường. Một trong những hoạt động nổi bật Trường THCS Thanh Xuân Trung đã thực hiện được để xây dựng trường học hạnh phúc là phát triển văn hóa đọc, qua đó thúc đẩy tinh thần học tập, sáng tạo không ngừng của thầy và trò.
Cô Minh cho biết, trong thời gian học trực tuyến tại nhà, học sinh không có cơ hội đến trường đọc sách, vì vậy cần tiếp tục duy trì thói quen, sự hứng thú đọc sách của các em. Bên cạnh đó, trong giai đoạn này, học sinh tiếp xúc nhiều với các thiết bị thông minh như Ipad, điện thoại, nếu không được định hướng một cách đúng đắn thì các em sẽ sử dụng sai mục đích.
Vì vậy, cô Minh đã nghĩ ra giải pháp duy trì văn hóa đọc trong giai đoạn học trực tuyến bằng việc sử dụng các phần mềm minh họa, xây dựng một thư viện trực tuyến hạnh phúc để giúp học sinh duy trì thói quen đọc sách cũng như phát huy tính chủ động sáng tạo của học sinh lứa tuổi THCS, là lứa tuổi thích tự tìm hiểu khám phá.
Cô Minh kể, qua thời gian tìm hiểu, cô đã ứng dụng thành công các phần mềm minh họa đọc sách nhằm giúp học sinh tự tìm hiểu về các cuốn sách, sử dụng những phần mềm cô giáo đã hướng dẫn để minh họa lại những cuốn sách đã đọc. Với việc sử dụng các phần mềm để minh họa cho những cuốn sách đã đọc đã giúp học sinh tự đọc và tự tìm hiểu kiến thức.
Từ đầu năm học, cô đã đề xuất nhà trường xây dựng kế hoạch đọc có định hướng cho học sinh, xác định chủ đề đọc sách của từng tháng. Với việc đọc sách định hướng đã giúp học sinh có kĩ năng đọc sách tốt, giúp củng cố kiến thức trên lớp qua các môn học. Việc đa dạng các đầu sách cũng giúp học sinh có sự say mê hứng thú và tìm hiểu những cuốn sách mà các thầy cô giáo đã định hướng.
Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp, thói quen đọc sách đã dần được hình thành trong học sinh Trường THCS Thanh Xuân Trung. Các em học sinh đã tự giác lên thư viện nhiều hơn vào các giờ giải lao, sau giờ học. Trong thời gian học trực tuyến, ngoài những giờ học chính thức, các em đã tích cực đọc sách do cô giáo giới thiệu để mở rộng thêm kiến thức của mình.
Phan Trúc Anh - học sinh lớp 7A2 chia sẻ: Sau khi đọc xong cuốn sách “Hoàng tử bé”, em và các bạn đã làm bài tập trên phần mềm để chia sẻ những cảm xúc sau khi tìm hiểu về tác phẩm. Nếu trước kia việc đọc sách thụ động thì giờ em đã chủ động tìm những cuốn sách để đọc để có những kiến thức sâu hơn về tác phẩm. Việc đọc sách, tìm hiểu các kiến thức khiến em rất hạnh phúc.
“ATM hạnh phúc”
Với mong muốn học sinh có môi trường học tập hiệu quả và cảm thấy hạnh phúc trong các giờ học trực tuyến, cô Nguyễn Phương Thảo - giáo viên Trường Tiểu học Vĩnh Hưng (quận Hoàng Mai, Hà Nội) đã xây dựng một website học tập mang tên “ATM hạnh phúc”.
Cô Thảo chia sẻ, trong lúc dịch Covid-19 hết sức phức tạp, đã xuất hiện rất nhiều cây ATM mang lại những niềm vui cho người dân như: ATM gạo, ATM khẩu trang, ATM oxy… vì thế cô đã quyết định đặt tên ý tưởng của mình là ATM hạnh phúc nhằm đem niềm vui, hạnh phúc đến với học sinh.
ATM hạnh phúc là một trang web, trên đó cô giáo đã sắp xếp các thư mục như “Hộp háo hức”, “Hộp yêu thương”, “Hộp +…”, “Vui để học”, “Góc đẩy lùi dịch Covid-19”… với nhiều nội dung đa dạng và mang ý nghĩa khác nhau. Trên trang web này, phụ huynh và học sinh có thể truy cập mọi lúc, mọi nơi, theo dõi tình hình cũng như hoạt động ý nghĩa diễn ra tại lớp.
Tại đây, học sinh tìm thấy mình, tìm thấy bạn mình, thấy trường, thấy lớp, từ đó các con thêm yêu trường lớp, kính thầy, mến bạn. Phụ huynh có thể vào đây để dạy con, để đồng hành cùng con trong mọi hoạt động. Website học tập không chỉ hiệu quả trong khoảng thời gian học trực tuyến mà còn có hiệu quả ngay cả khi các con quay lại học trực tiếp.
Cô Thảo cho biết, nếu webite được xây dựng chỉ là nơi để học sinh truy cập vào làm bài tập, làm các bài kiểm tra thì chắc chắn sẽ không thành công vì học sinh tiểu học còn ham chơi, không thích học. Do đó, những nội dung trên web phải được cập nhật thường xuyên. Cái gì cuốn hút học sinh, được phụ huynh ủng hộ thì nhân lên, mở rộng, khiến website ngày càng trở nên hấp dẫn hơn.
Ngoài website học tập ATM hạnh phúc, cô Thảo còn cùng học sinh lớp 1A13 xây dựng kênh YouTube mang tên “Cánh diều”, đưa tất cả các câu chuyện mà các em được học trong chương trình xây dựng thành video để làm kho tàng tư liệu phong phú. Kênh YouTube này không chỉ có tiện ích trong dạy học mà còn là một kênh giải trí với ý nghĩa “Mang cuộc sống vào bài học, mang bài học vào cuộc sống”.