Tạo động cơ để trẻ yêu lao động - Trưởng thành từ “việc vặt”

GD&TĐ - Cha mẹ nên dạy con biết yêu lao động và những thành quả do lao động làm ra. Bởi, tinh thần yêu lao động sẽ giúp ích cho trẻ rất nhiều khi con trưởng thành.

Người lớn cần ghi nhận công sức khi trẻ lao động. Ảnh minh họa
Người lớn cần ghi nhận công sức khi trẻ lao động. Ảnh minh họa

Khi không còn nhận được những lời tán dương, khích lệ trước một việc làm dù nhỏ, trẻ sẽ mất dần “động cơ lao động”. Quan trọng là, phụ huynh cần thông qua lao động, giúp con cảm thấy được ghi nhận và có giá trị.

Con người bẩm sinh đã yêu lao động?

Nhiều chuyên gia cho rằng: “Con người bẩm sinh đã yêu lao động”. Minh chứng là bởi, một đứa trẻ mới chập chững biết đi đã có nhu cầu muốn giúp mẹ làm việc. Khi 2 tuổi, trẻ biết “xăm xắn” lấy giúp mẹ một số món đồ. 3 tuổi, con mong ước có thể làm được những công việc như người lớn. Từ 4 - 5 tuổi, trẻ biết thu dọn đồ chơi, quần áo.

Tuy nhiên, trong thời đại công nghệ “lên ngôi”, nhiều trẻ nhỏ không biết gì khác ngoài học và sử dụng thiết bị điện tử. Đặc biệt, trẻ em tại các thành phố lớn thường được cha mẹ nuông chiều, không phải làm bất cứ việc gì dù rất nhỏ. Phụ huynh không nhận ra rằng, nếu không để trẻ học hỏi và làm việc thực tiễn, con sẽ thiếu tính tự lập, khó thích nghi với môi trường mới khi trưởng thành.

Thực tế, tại nhiều gia đình, dù trẻ đã đến tuổi đi học, nhưng cha mẹ vẫn phải xúc từng thìa cơm cho con. Chưa kể, trẻ không biết cầm chổi quét nhà, rửa bát đũa, cốc chén giúp cha mẹ...

Chị Nguyễn Thị Thu - phụ huynh có 2 con tại Cầu Giấy (Hà Nội) chia sẻ, vợ chồng chị hầu như không để con phải làm bất cứ việc vặt gì. “Ngày nay, các con đã quá bận rộn với việc học ở trường và làm bài tập về nhà. Do đó, gia đình tôi hạn chế để con phải làm việc nhà”, nữ phụ huynh nói.

Tuy nhiên, sự chiều chuộng này sẽ khiến trẻ mất khả năng tự thích nghi với cuộc sống, thiếu ý thức quan tâm giúp đỡ người xung quanh mà không nhận ra giá trị của lao động. Trái lại, việc giáo dục trẻ biết lao động và quý trọng thành quả lao động thông qua những trải nghiệm thực tế là một yếu tố vô cùng cần thiết. Các nhà tâm lý giáo dục đã cảnh báo, việc không phải lao động có khả năng sẽ dẫn tới nhiều hậu quả lớn với trẻ trong cuộc sống hằng ngày.

Câu chuyện về người cha dạy con làm vườn

Khi nói tới giá trị lao động, nhiều tài khoản mạng xã hội đã chia sẻ câu chuyện đầy ý nghĩa về một người cha dạy con làm vườn. Người cha nói với con: “Hoàn thành tốt việc làm vườn có nghĩa là, kết quả cuối cùng, khu vườn phải xanh và sạch”. Sau đó, người cha để con trai làm một mình.

Nhưng, ông nhanh chóng nhận ra rằng, đứa con không hoàn toàn hiểu “xanh và sạch” theo đúng ý cha. Lẽ ra ông nên nói rõ, cụ thể hơn về công việc. Ông quyết định quay lại hướng dẫn con tỉ mỉ, xắn tay vào làm cùng.

Cuối cùng, với sự hướng dẫn và giúp sức từ cha, cậu con trai đã học được giá trị của việc chịu trách nhiệm với những gì mình làm và gặt hái thành quả. Cho dù là rửa bát, hút bụi, lau nhà, hay bất kỳ công việc nào đi chăng nữa, trẻ cũng cần được chỉ dẫn cụ thể và học cách đứng ra chịu trách nhiệm.

Câu chuyện này khiến phụ huynh nhận ra, cách dạy con lao động tốt nhất là cho trẻ thấy, cha mẹ cũng rất quý trọng lao động và giá trị lao động. Chắc chắn, phụ huynh không thể rèn con biết dọn dẹp ngăn nắp, nếu bản thân chưa xong việc này đã dời đi làm việc khác.

Câu chuyện không chỉ truyền cảm hứng, mà còn chứng minh rằng, lao động đòi hỏi tất cả các thành viên trong gia đình cùng tham gia. Khi đó, mọi người sẽ cùng chia sẻ vất vả và gặt hái thành quả. Gia đình sẽ đoàn kết, gắn bó hơn khi chung sức làm việc. Thông qua đó, trẻ cũng sẽ học được giá trị của lao động, về cả mặt vật chất lẫn tinh thần.

Nhà công tác xã hội quá cố Nguyễn Thị Oanh từng chia sẻ: “Khi đi học ở Mỹ những năm 1950, tôi vô cùng ngạc nhiên thấy mấy chú nhóc 9 - 10 tuổi không phải con nhà nghèo mà ngày nào cũng đi bỏ báo kiếm tiền túi”.

Đặc biệt, khi vừa đến trường, bà Oanh - khi đó còn là sinh viên, đã được cố vấn cho biết: “Em được học bổng toàn phần. Nhưng để làm quen với lao động, em phải tự lo tiền túi cho mình. Trong năm học, trường sẽ giới thiệu em đi làm bán thời gian. Đến hè, khi nào không học thì em làm toàn thời gian”.

Vậy là, kể từ khi đặt chân tới Mỹ, cô sinh viên năm đó trải qua đủ thứ công việc. Từ giữ trẻ, quản gia, cho đến chăm sóc bệnh nhân và làm ở thư viện…

“Ngoài kiến thức là những kỹ năng quý báu, sự tháo vát, tôi về nước với một nhân cách trưởng thành. Bởi vậy, tập cho trẻ biết giá trị của lao động và đồng tiền không chỉ là mối quan tâm của gia đình. Đó còn là một đường hướng chung của toàn xã hội, nhất là ở đại học. Giáo dục là giúp con mau thành người lớn, nhưng không ít cha mẹ quên điều đó và “úm” con mình quá lâu”, bà Nguyễn Thị Oanh bày tỏ.

Dù là việc gì, trẻ cũng cần được chỉ dẫn. Ảnh minh họa
Dù là việc gì, trẻ cũng cần được chỉ dẫn. Ảnh minh họa

Đừng “cướp đi” quyền trải nghiệm của con

Không ít cha mẹ chia sẻ, liệu, có thực sự là trẻ yêu lao động “bẩm sinh” hay không? Bởi lẽ, nhiều ông bố bà mẹ ngày nay không khỏi “ngán ngẩm” khi không thể nhờ con giúp, dù là vứt rác.

“Thú thật, gia đình tôi khá chiều con. Tuy nhiên, khi mẹ đang bận và nhờ con giúp đi mua rau hoặc vứt rác, cháu nhà tôi thường tỏ vẻ bực bội”, chị Hoàng Oanh - phụ huynh có con học THCS tại Ba Đình (Hà Nội) bày tỏ.

Chia sẻ về vấn đề này, PGS.TS Trần Thành Nam - Chuyên gia tâm lý, Chủ nhiệm Khoa Các khoa học Giáo dục, Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội, cho biết: “Nhân cách của con người được sinh ra và phát triển trong hoạt động. Về cơ bản, cuộc đời của con người chỉ có 3 hoạt động chủ đạo. Đó là học tập, vui chơi và lao động. Bản thân lao động cũng là một hình thức để rèn luyện những năng lực phẩm chất của trẻ. Từ đó, giúp con sớm hoàn thiện “tiến trình thành nhân” và trở thành công dân tích cực, có ích cho xã hội”.

Theo chuyên gia này, hiện nay, điều kiện kinh tế ngày càng cao, mỗi gia đình chỉ có từ 1 - 2 con. Bên cạnh đó, không ít phụ huynh “mắc” bệnh thành tích, chỉ chú ý vào kết quả học tập của con. Bởi lẽ đó, nhiều cha mẹ trở nên bao bọc con. Thậm chí, phụ huynh tự làm hết các công việc của con hoặc thuê người giúp việc để trẻ dành thời gian cho việc học.

Tuy nhiên, PGS Nam nhấn mạnh, điều này vô hình chung cướp đi quyền được trải nghiệm, rèn luyện các phẩm chất của con. Do đó, những đứa trẻ ngày càng trở nên thụ động, lười biếng hơn. Hệ số sức khỏe do lười vận động vì thế cũng bị ảnh hưởng. Tỉ lệ béo phì có xu hướng tăng.

“Để hiểu tại sao những đứa trẻ 2 - 3 tuổi thích tự làm các công việc và lười dần khi lớn lên, hãy xem cách người lớn ứng xử với các em ra sao. Khi một đứa trẻ 2 -3 tuổi tự làm một cái gì đó, người đầu tiên nhìn thấy sẽ vui mừng và khoe với các thành viên khác. Tất cả những thành viên khác sau khi biết đến hành động đó đều phấn khởi, khen ngợi, đến gần và ôm hôn đứa trẻ. Tất cả những thái độ, cách hành xử này làm cho đứa trẻ cảm thấy những “lao động” của các em có giá trị, mang lại niềm vui cho người lớn và cảm giác thoải mái cho bản thân”, PGS Nam lý giải.

Tuy nhiên, nhiều trẻ lớn hơn không còn tự giác “lao động”. Chuyên gia cho rằng, khi đó, người lớn coi việc trẻ lao động là điều bình thường, không có gì phải ngạc nhiên, hay khen ngợi. Do đó, họ không còn chú ý và khuyến khích những hành động làm việc hoặc giúp đỡ việc hằng ngày ở trẻ. Chính vì vậy, đứa trẻ cảm nhận được rằng, những hành động của con không còn mang lại giá trị lớn như trước đây. Trẻ cũng không còn mang lại niềm vui và được ghi nhận từ người lớn như trước. “Động cơ “lao động” sẽ giảm xuống”, PGS Nam cho hay.

Chưa kể, trong nhiều gia đình ngày nay, chính cha mẹ là người thể hiện “thái độ” đối với những việc lao động chân tay. Theo PGS Nam, nhiều phụ huynh có những lời bình bâng quơ như: Chỉ cần học không cần làm gì, học giỏi sẽ có tiền thuê người khác làm việc... Hay, không học giỏi chỉ đi làm công nhân, thợ xây, cửu vạn...

Những câu nói này khiến trẻ cũng có thái độ kỳ thị đối với những ngành nghề lao động chân tay và người lao động chân tay.

“Đề giúp trẻ yêu lao động, chúng ta hãy ứng xử với những hành động làm việc nhà, hỗ trợ người khác theo cách mà chúng ta từng ứng xử với con khi còn nhỏ (động viên bởi sự chăm chú, khen ngợi, tự hào về những lao động nhỏ của con)”, PGS Nam chia sẻ.

Bên cạnh đó, khi trẻ lớn hơn, cha mẹ được khuyến khích chú ý để trẻ có thể được tham gia ý kiến hoặc lựa chọn những hoạt động. Điều này sẽ bảo đảm lôi cuốn được cái tôi của các con trong hoạt động lao động. Phụ huynh hãy thông qua lao động, để con cảm thấy được ghi nhận và có giá trị.

“Cha mẹ cũng cần tạo điều kiện để những thành quả lao động của trẻ được giới thiệu đến nhiều người, thỏa mãn nhu cầu tự thể hiện. Cần thiết kế những hoạt động lao động nhóm để trẻ thỏa mãn nhu cầu thuộc về ai đó. Khi những lao động nhỏ hằng ngày mang lại sự tôn trọng, giá trị, sự thừa nhận và tạo ra sự ảnh hưởng, con sẽ yêu lao động”, PGS.TS Trần Thành Nam bày tỏ.

Trong khi đó, bà Phan Hồ Điệp - giảng viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội và là mẹ của “thần đồng” Đỗ Nhật Nam cho rằng, cha mẹ nên để các con tự rửa chén bát. Bởi, trẻ sẽ học về giá trị của lao động từ việc làm cụ thể. Ngoài ra, có thể để con tự làm bữa trưa đơn giản, cho phép con làm đồ ăn trẻ thích.

Thậm chí, nếu được phép, cha mẹ có thể đưa con tới chỗ làm. Khi đó, trẻ sẽ hiểu cha mẹ đã làm việc vất vả như thế nào để gánh vác gia đình. Ngoài ra, phụ huynh cũng được khuyến khích kể cho các con về tuổi thơ của cha mẹ. Bởi, theo bà Phan Hồ Điệp, hầu như ông bố bà mẹ nào cũng có những kỉ niệm về việc ở nhà một mình, trông em, nấu cơm, đi chợ, leo cây, đuổi bắt… Khi đó, con sẽ hiểu rằng, được sống ở hiện tại là điều vô cùng hạnh phúc. Nhờ vậy, trẻ có thể hiểu hơn về giá trị lao động và trân trọng điều đó.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.