Tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư vào Vĩnh Phúc

GD&TĐ - Tỉnh Vĩnh Phúc quyết tâm tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, thuận lợi để thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Trần Duy Đông tặng hoa chúc mừng lãnh đạo Tập đoàn CNCTech và Công ty cổ phần Singetics.
Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Trần Duy Đông tặng hoa chúc mừng lãnh đạo Tập đoàn CNCTech và Công ty cổ phần Singetics.

“Mảnh đất vàng” thu hút các nhà đầu tư

Vĩnh Phúc là tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, vùng Đồng bằng sông Hồng và vùng Thủ đô, có lợi thế về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên so với nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước.

Nhiều năm trở lại đây, Vĩnh Phúc là một trong những tỉnh, thành phố có đóng góp nhiều nhất cho ngân sách Trung ương.

Về thu hút đầu tư, Vĩnh Phúc được xem là một trong những điểm sáng ở khu vực phía Bắc.

Theo kế hoạch năm 2024, Vĩnh Phúc phấn đấu thu hút vốn đầu tư FDI hơn 400 triệu USD.

Với quyết tâm và nhiều nỗ lực từ tỉnh đến cơ sở, chỉ trong vòng 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh đã thu hút được gần 436 triệu USD vốn FDI, vượt gần 9% so với kế hoạch đề ra cả năm 2024. Trong đó, có gần 210 triệu USD vốn đầu tư vào lĩnh vực sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học.

Theo thống kê, từ năm 2021 đến tháng 7/2024, toàn tỉnh thu hút được 2,4 tỷ USD vốn FDI và 59.440 tỷ đồng vốn DDI, đạt và vượt các mục tiêu theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII.

Lũy kế đến hết 31/7/2024, trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc có 16.760 doanh nghiệp đăng ký thành lập với tổng số vốn đăng ký đạt trên 292.395 tỷ đồng; trong đó, số doanh nghiệp đăng ký đang hoạt động chiếm khoảng trên 75% tổng số doanh nghiệp.

Hạ tầng giao thông được đầu tư, xây dựng tương đối hiện đại, đồng bộ, có tính liên thông, liên kết cao giữa các địa phương trong tỉnh và với khu vực đã giúp tỉnh Vĩnh Phúc tạo ra các lợi thế cạnh tranh về hạ tầng cơ sở trong thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp.

Trong những năm qua, Vĩnh Phúc đã tập trung khai thác các tiềm năng, lợi thế, đẩy mạnh phát triển công nghiệp để tạo ra tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế với tốc độ nhanh, tăng nguồn thu ngân sách, đầu tư phát triển hạ tầng đô thị, nông thôn, phát triển các ngành dịch vụ.

Xác định quy hoạch phải đi trước một bước để đảm bảo phát triển bền vững, Vĩnh Phúc đã lập quy hoạch chiến lược phát triển đô thị làm công cụ quan trọng trong quản lý và tổ chức hoạt động xúc tiến đầu tư; tiến hành quy hoạch đồng bộ từ quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, đến quy hoạch ngành, lĩnh vực.

Tỉnh đã quy hoạch 20 khu công nghiệp có diện tích gần 6.000ha và 32 cụm công nghiệp diện tích trên 600ha.

Mặc dù trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều khó khăn trong những năm gần đây, mục tiêu của Vĩnh Phúc là đến năm 2030, cơ bản hoàn thành hạ tầng khung đô thị; là trung tâm phát triển công nghiệp và dịch vụ của cả nước; phấn đấu sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Mục tiêu của Vĩnh Phúc không chỉ là môi trường kinh doanh tốt, mà còn là môi trường sống tốt. Vĩnh Phúc sẽ là địa chỉ tin cậy để những doanh nghiệp tốt, có năng suất và lợi nhuận cao đến đầu tư kinh doanh; là nơi những người giàu và người giỏi đến sống, làm việc trên địa bàn tỉnh.

Mục tiêu đến năm 2050, Vĩnh Phúc là thành phố trực thuộc Trung ương, phát triển toàn diện trên tất cả các mặt về kinh tế, xã hội, môi trường; người dân có đời sống cao, hạnh phúc…

Mục tiêu đó đòi hỏi phải khai thác tối đa tiềm năng lợi thế, huy động mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển, đặc biệt là thu hút trực tiếp vốn đầu tư trong nước, nước ngoài vào tỉnh.

CTVP2.jpg
Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam - Hong Sun tặng hoa chúc mừng Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Trần Duy Đông.

Đồng hành, hỗ trợ các nhà đầu tư

Tại buổi tiếp và làm việc với Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (KOCHAM) hôm 8/8 vừa qua, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Trần Duy Đông khẳng định, tỉnh sẽ tạo điều kiện tốt nhất cho các nhà đầu tư đã, đang và sẽ đầu tư vào tỉnh. Địa phương đã và đang tiếp tục hoàn thiện thủ tục hành chính theo hướng đơn giản hóa, trao thẩm quyền cho Ban quản lý Khu công nghiệp giải quyết các thủ tục hành chính theo mô hình một cửa tại chỗ.

“Định hướng chung của Vĩnh Phúc là hỗ trợ các dự án đầu tư vào các khu công nghiệp và sẽ cung cấp các dịch vụ tiện nghi tiện ích như: dịch vụ viễn thông, cung cấp nước sạch, xử lý nước thải, hoàn thiện kết cấu hạ tầng…”, ông Trần Duy Đông nhấn mạnh.

Ông Trần Duy Đông mong nhận được sự chia sẻ của các doanh nghiệp trong bối cảnh khó khăn chung về nguồn điện.

Đối với các đề xuất của doanh nghiệp về bảo đảm nguồn cung điện ổn định cho sản xuất, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Trần Duy Đông cam kết tỉnh sẽ tiếp tục nghiên cứu cơ chế, chính sách, xây dựng kế hoạch, phương án cấp điện phù hợp, bảo đảm phục vụ sản xuất công nghiệp hiệu quả.

Những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai dự án, phát triển sản xuất kinh doanh sẽ được tỉnh đồng hành cùng doanh nghiệp để tháo gỡ kịp thời.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ