Tạo điều kiện để phát huy vai trò của người phụ nữ

Tạo điều kiện để phát huy vai trò của người phụ nữ

(GD&TĐ) - Dự thảo Báo cáo chính trị của Ban chấp hành Trung ương khóa X trình Đại hội XI của Đảng nêu rõ quan điểm: "Nâng cao trình độ mọi mặt và đời sống vật chất, tinh thần của phụ nữ, trong việc xây dựng gia đình và nuôi dạy con ngoan. Nghiên cứu bổ sung và hoàn thiện chính sách về bảo hộ lao động, bảo hiểm xã hội, thai sản và các chế độ chính sách về bảo hộ lao động nữ. Kiên quyết đấu tranh các tệ nạn xã hội và các hành vi bạo lực, buôn bán, xúc phạm nhân phẩm phụ nữ"(*) 

fgh
Chính sách về phụ nữ ngày càng được quan tâm đầu tư. ảnh minh họa

Tôi cho rằng, đây là nội dung được thể hiện rất mới về quan điểm của Đảng mang tính chiến lược, vừa là động lực, vừa là mục tiêu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước, là sự nghiệp hôm nay và cả mai sau.

Lịch sử dân tộc ngàn năm dựng nước và giữ nước đã chứng minh phụ nữ Việt Nam luôn giữ vai trò, vị trí quan trọng. Phụ nữ Việt Nam có truyền thống vẻ vang có những tiềm năng to lớn, là động lực quan trọng trong công cuộc đổi mới và phát triển kinh tế xã hội. Phụ nữ Việt Nam vừa là người lao động cần mẫn, người công dân tích cực, vừa là người mẹ, người thầy đầu tiên của con người.

Sớm nhận rõ phụ nữ là lực lượng quan trọng, xuyên suốt chặng đường xây dựng và phát triển đất nước, Đảng và Nhà nước luôn coi trọng và khẳng định thực hiện bình đẳng giới là mục tiêu trọng yếu trong chiến lược phát triển. Năm 1930, trong Cương lĩnh đầu tiên của Đảng Cộng sản Đông Dương đã ghi: nam nữ bình quyền và đề ra nhiệm vụ: phải giải phóng phụ nữ gắn liền với giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp. Ngày 20/10/1930 Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam chính thức được thành lập.

Nhằm thực hiện cương lĩnh vì sự tiến bộ của phụ nữ toàn cầu, năm 1995, Chính phủ đã chính thức công bố Chiến lược phát triển vì sự tiến bộ của phụ nữ; Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TW về đổi mới và tăng cường công tác vận động phụ nữ trong tình hình mới; năm 2006 Luật bình đẳng giới đã được thông qua; Ngày 27/4/2007 Bộ chính trị đã ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TW về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước.

Đặc biệt là Nghị quyết Đại hội X của Đảng đã khẳng định: nâng cao trình độ mọi mặt về đời sống vật chất, tinh thần, thực hiện bình đẳng giới cho phụ nữ. Tạo điều kiện tốt cho phụ nữ thực hiện tốt vai trò công dân, người lao động, người thầy đầu tiên của con người. Bồi dưỡng và đào tạo để phụ nữ tham gia ngày càng nhiều hoạt động xã hội, các cơ quan lãnh đạo quản lý các cấp.

Chính sự có quan tâm đó, cùng với sự nỗ lực của bản thân và phát huy truyền thống vẻ vang, phụ nữ Việt Nam đã không ngừng vươn lên khẳng định vị thế của mình đạt được nhiều thành tích được xã hội ghi nhận, đánh giá cao. Đến nay trong lĩnh vực khoa học công nghệ, giáo dục, tỷ lệ đội ngũ nữ trí thức tăng nhanh, có nhiều công trình khoa học có giá trị, ứng dụng thực tiễn, mang lại hiệu quả kinh tế cao; nữ giáo sư đã chiếm tỷ lệ 3,5%, PGS 5,9%; tiến sỹ khoa học 5,1%; 19 nữ anh hùng lao động; hàng trăm nữ đạt danh hiệu chiến sỹ thi đua toàn quốc và giải thưởng kovalepskaia; NGND, NGUT... tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội ngày càng tăng qua các thời kỳ bầu cử khóa XII (2007-2012) tăng lên 25,76%. Nhiều phụ nữ đã giữ trọng trách quan trọng trọng bộ máy công quyền của Đảng và nhà nước; nhiều phụ nữ nông thôn bình thường đang trở thành nữ công nhân có trình độ. Họ không chỉ làm việc ở các nhà máy, xí nghiệp mà ngay cả trên đồng ruộng được cơ khí hoá, tự động hóa sản xuất.v.v...

Có thể nói trên bình diện chung, phụ nữ đã đạt nhiều thành quả quan trọng trong lao động cho mình, cho gia đình và cho toàn xã hội. ... góp phần đắc lực vào công cuộc đổi mới đất nước. Dự thảo Báo cáo chính trị cũng đã nhằm đúng mục tiêu trọng yếu trong chiến lược phát triển kinh tế-xã hội đến năm 2020.

Song, thực tế cũng chỉ cho thấy tiềm năng của phụ nữ vẫn còn rất lớn, hiện nay, phụ nữ cả nước chiếm 50,6% lực lượng lao động xã hội và ngày càng có một vai trò, địa vị quan trọng trong công cuộc phát triển đất nước với những ưu điểm và phẩm chất vốn có của mình, cùng với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, họ có thể thực hiện thắng lợi con đường mà Đảng đã chỉ lối.

Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội mới đang mở ra cho sự phát triển của chị em nâng cao vị thế, thì hiện nay phụ nữ cũng đang gặp không ít khó khăn thách thức. Do đồng thời phải đảm đương ba chức năng:  sản xuất, sinh con, nuôi con, chăm sóc gia đình, nên rất ít có thời gian để tự học tập nâng cao trình độ, nhất là ở khu vực nông thôn, không ít nơi, phụ nữ vẫn phải chịu đựng nhiều thiệt thòi bởi quan niệm cổ hủ lạc hậu rơi rớt sót lại, như: nạn bạo hành phụ nữ, trọng nam kinh nữ... Cũng do ít hiểu biết và trình độ văn hóa có giới hạn, nên một bộ phận không nhỏ phụ nữ không chỉ mất đi những cơ hội cho phát triển sự nghiệp của mình mà còn phải đối diện với cuộc sống đói nghèo, lạc hậu ...

Chính vì thế chúng tôi mong muốn Đảng có thêm nhiều chủ trương, chính sách hơn nữa, tổ chức triển khai thực hiện nhiều hoạt động hỗ trợ phụ nữ vì mục tiêu bình đẳng, phát triển, chăm lo, bảo vệ quyền lợi, lợi ích hợp pháp và chính đáng của phụ nữ, cải thiện đời sống tinh thần và vật chất của người phụ nữ và nâng cao địa vị xã hội của người phụ nữ và nhận thức về quyền bình đẳng của họ.

Nhất là trong xu thế phát triển của đất nước, bối cảnh nền kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội hiện nay, cùng với những thuận lợi, đã và đang tạo điều kiện cho người phụ nữ có thể phát huy toàn diện thế mạnh, tiềm năng của mình góp sức vào sự nghiệp đổi mới đất nước, xây dựng nên một Việt Nam mang diện mạo mới “sánh vai với các cường quốc năm châu” như mong muốn thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại đã căn dặn.

(*)Trích nội dung tại mục 2, phần X Dự thảo Báo cáo chính trị của Ban chấp hành Trung ương khóa X trình Đại hội XI của Đảng 

Vũ Thị Thanh Vân

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ