Tạo đà cho phát triển bền vững

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Phó Chủ tịch Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam Nguyễn Hồng Sơn nhấn mạnh: Thành tựu giáo dục là bước tạo đà để phát triển bền vững.

Cô trò Trường THPT Chu Văn An (Văn Yên, Yên Bái). Ảnh: TG
Cô trò Trường THPT Chu Văn An (Văn Yên, Yên Bái). Ảnh: TG

Sau 10 năm triển khai Nghị quyết 29-NQ/TW, ngành Giáo dục đã có bước phát triển mạnh mẽ, đạt nhiều thành tựu quan trọng, góp phần nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, phát triển toàn diện của đất nước.

Khẳng định điều này, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam Nguyễn Hồng Sơn đồng thời nhấn mạnh: Thành tựu giáo dục là bước tạo đà để phát triển bền vững.

Dấu ấn đổi mới

- Ông đánh giá thế nào về những thành tựu đạt được trong công tác khuyến học sau 10 năm triển khai Nghị quyết 29 của Ban Chấp hành Trung ương về đổi mới căn bản và toàn diện GD-ĐT?

- Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW, hệ thống GD-ĐT ở nước ta có bước chuyển quan trọng. Thành tựu lớn nhất là hệ thống giáo dục quốc dân được củng cố, dần hoàn thiện; phong trào thi đua học tập, khuyến học, khuyến tài; quan tâm, phát triển xây dựng xã hội học tập... góp phần vào sự nghiệp đổi mới giáo dục đào tạo và phát triển kinh tế - xã hội, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội của đất nước.

Đã có sự đổi mới từ nhận thức, quan điểm, tư tưởng chỉ đạo đến chính sách, cơ chế, phương pháp và nội dung đào tạo, nhất là hệ thống giáo dục thường xuyên vốn lâu nay vẫn khép kín. Đặc biệt, sự tham gia của gia đình, dòng họ, cộng đồng và bản thân người học thông qua việc thực hiện tốt các mô hình học tập do Hội Khuyến học Việt Nam triển khai đã chứng tỏ tinh thần học tập trong nhân dân đang phát huy tốt.

Phong trào “Gia đình học tập, Dòng họ học tập, Cộng đồng học tập, đơn vị học tập và Công dân học tập” đã và đang phát triển sâu rộng trên các địa bàn dân cư. Mô hình xã hội học tập được xây dựng và phát triển từ cơ sở, mang tính độc đáo vì được triển khai tại địa bàn cấp xã, nơi còn nhiều người thiếu cơ hội học tập, trẻ em chưa được phổ cập giáo dục một cách vững chắc. Xây dựng xã hội học tập từ cơ sở là cách làm sáng tạo của Việt Nam, đang phát huy tốt hiệu quả.

- Phải chăng đây là tín hiệu mừng để hiện thực hóa mục tiêu xây dựng cả nước thành xã hội học tập?

- Đúng vậy, những mô hình học tập này là nền tảng cơ bản giúp nước ta xây dựng thành công bước đầu xã hội học tập mà ở đó hầu hết nhân dân, học sinh các cấp học đến người lớn đang công tác ở mọi lĩnh vực kinh tế, xã hội, người về hưu, người già.... đều có cơ hội học tập thông qua các thiết chế giáo dục không chính quy. Mô hình “Gia đình học tập, Dòng họ học tập” đã tạo nên sức mạnh nội tại của xã hội học tập ở nước ta.

Cùng với hệ thống trường chính quy, các thiết chế giáo dục không chính quy như: Trung tâm học tập cộng đồng, cơ sở đào tạo nghề cấp xã, phường; trường bồi dưỡng công nhân ở một số doanh nghiệp và thiết chế giáo dục như nhà văn hóa, thư viện, câu lạc bộ phát triển tạo thành mạng lưới học tập rộng khắp. Hệ thống giáo dục quốc dân phát triển theo hướng mở cùng tài nguyên giáo dục mở tương đối phong phú, tạo cơ hội cho người lớn có điều kiện tham gia học tập, tự học, học tập suốt đời.

Xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật

Ông Nguyễn Hồng Sơn.

Ông Nguyễn Hồng Sơn.

- Theo ông, hiệu ứng này có phải là minh chứng cho chủ trương xã hội hóa giáo dục của Đảng và Nhà nước?

- Việc huy động nguồn lực xã hội để hình thành quỹ khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập phát triển nhanh chóng ở các địa phương trong cả nước, tạo nguồn lực quan trọng thực hiện nhiệm vụ do Nghị quyết 29-NQ/TW đề ra. Vấn đề xã hội hóa giáo dục thông qua liên kết, phối hợp, thúc đẩy sự học của người dân đã chứng minh tính đúng đắn chủ trương xã hội hóa giáo dục của Đảng trong Nghị quyết 29-NQ/TW.

Cùng với các phong trào thi đua do Bộ GD&ĐT phát động, phong trào thi đua trong công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập được thực hiện đã thúc đẩy học sinh các cấp, người lớn, người về hưu, già... hăng say học tập theo phương châm: Học tập suốt đời, học để biết, học để làm, học để chung sống, học làm người. Điều này đặc biệt quan trọng khi Cách mạng 4.0 đang tác động mạnh mẽ đến các yếu tố của nền kinh tế - xã hội nước ta.

Những giải thưởng “Nhân tài Đất Việt, Tự học thành tài”, học bổng “Học không bao giờ cùng” là động lực thúc đẩy toàn dân thi đua học tập. Những phong trào thi đua, giải thưởng, suất học bổng do Hội Khuyến học triển khai từ sự ủng hộ của các doanh nghiệp, nhà hảo tâm, tầng lớp nhân dân tạo được nguồn quỹ khuyến học hỗ trợ cơ sở dạy học, học sinh, người lớn học tập góp phần nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài cho đất nước trong 10 năm qua.

- Để công tác khuyến học, khuyến tài và đổi mới giáo dục chất lượng, hiệu quả hơn nữa, Hội Khuyến học có đề xuất, kiến nghị gì?

- Tôi cho rằng cần có giải pháp liên thông giữa các cấp, bậc học; chủ trương phân luồng học sinh sau THCS... còn bất cập, chưa thật đồng bộ (từ khâu tuyên truyền, phối hợp giữa các Bộ, ngành, doanh nghiệp, gia đình…); cần có sự phối hợp liên ngành trong thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW; vai trò của các tổ chức, đoàn thể chính trị, xã hội trong việc tham gia thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW (trong đó có công tác khuyến học, khuyến tài của Hội Khuyến họcViệt Nam).

Công tác quản lý Nhà nước với hệ thống giáo dục quốc dân phải có tổng kết, đánh giá liên ngành, hội thảo khoa học cấp chuyên gia... để đưa ra/đề xuất định hướng chiến lược cho vấn đề “gốc rễ của đổi mới giáo dục”.

Sớm xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về GD-ĐT (Luật, Nghị định) thực hiện trong quá trình đổi mới giáo dục; hiện tại có Luật Giáo dục; Luật Giáo dục đại học; Luật Giáo dục nghề nghiệp... còn thiếu Luật Nhà giáo, Luật GD/học tập suốt đời mà Chỉ thị 14/CT-CP, Quyết định 1373/QD-TTg của Thủ tướng Chính phủ... đã giao nhiệm vụ.

“Xây dựng nền giáo dục mở” cần được định hướng cụ thể bằng Chiến lược phát triển, Luật Giáo dục suốt đời chính là nền tảng pháp lý cho nền giáo dục mở. Cần đưa nội dung này vào đề xuất những nhiệm vụ, giải pháp tiếp theo khi tiếp tục thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW.

Phải có sự quan tâm xây dựng chiến lược, chính sách, đề án, chương trình để có kế hoạch đầu tư trọng điểm cho đào tạo đội ngũ giáo viên trong khối các trường sư phạm.

Việc này lâu nay chưa được quan tâm đúng mức, các trường sư phạm vẫn phải loay hoay “tự chủ một phần” như các khối ngành, trường khác. Có đánh giá sâu sắc, đầy đủ hơn cả trong chỉ đạo, triển khai chính sách, đầu tư cho giáo dục, thực hiện quan điểm giáo dục là quốc sách hàng đầu.

- Xin cảm ơn ông!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Trường Tiểu học Ngô Quyền lúc tan học. Ảnh: Trúc Hân

Mô hình hiệu quả về an toàn giao thông

GD&TĐ - Mô hình “Cổng trường an toàn giao thông” được các trường trên địa bàn tỉnh Kon Tum triển khai những năm qua đã nâng cao ý thức cho cả HS và phụ huynh.
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Ảnh tư liệu

Nghe Trịnh để yêu ngày tới...

GD&TĐ - Những cô gái trong nhạc Trịnh luôn đẹp nhưng không thể chạm, tưởng như trước mắt mà thật xa xôi, nhìn thấy mà vời vợi biết mấy.