Tạo cú hích cho phát triển du lịch

GD&TĐ - Từ 30/8 - 30/12/2016, 12 nhà hát nghệ thuật thuộc Bộ VH-TT&DL sẽ “bước vào” biểu diễn luân phiên tại Nhà hát Lớn vào các ngày cuối tuần. 

Tạo cú hích cho phát triển du lịch

Đây là cơ hội lớn không chỉ “giải cứu” sân khấu nước nhà đang loay hoay trong khủng hoảng mà đã tạo thêm cơ hội cho ngành du lịch thu hút du khách đến với Việt Nam, nhất là trong thời điểm ngành du lịch đang bị cạnh tranh mạnh như hiện nay. Đây cũng là cơ hội quảng bá văn hóa Việt Nam đến bạn bè quốc tế.

Điểm đến hấp dẫn

Từ xưa, Nhà hát Lớn - di tích lịch sử hơn trăm năm tuổi đã là một điểm đến mà cả du khách Việt Nam và nước ngoài đều muốn tham quan. Vừa qua, việc đưa các chương trình nghệ thuật đỉnh cao vào Nhà hát Lớn để du khách càng có điều kiện thưởng thức nền văn hóa nghệ thuật đặc sắc của Việt Nam và tham quan không gian bên trong nhà hát là một chủ trương đúng, phù hợp với mong mỏi của công chúng. Chủ trương này không chỉ hứa hẹn mang đến bước đột phá cho nghệ thuật truyền thống, mà còn được kỳ vọng sẽ tạo cú hích cho du lịch Hà Nội phát triển.

Sau những đêm diễn khởi đầu khá ấn tượng, nhiều khán giả tranh thủ đến sớm trước giờ biểu diễn để ngó nghiêng, để xem Nhà hát Lớn - di sản quốc gia. Xem và chụp hình, đưa lên facebook, nhiều người nuối tiếc vì các diễn viên không ào ra ngoài sảnh sau giờ diễn để chụp ảnh, để giao lưu cùng khán giả.

Ba đêm diễn đầu tiên cháy vé, người xem ngồi từ đầu cho đến khi kết thúc chứng tỏ khán giả không thờ ơ với những chương trình nghệ thuật có chất lượng cao, nhất là khi được biểu diễn ở “thánh đường” nghệ thuật của Hà Nội. Đó chính là những tín hiệu vui, tạo thêm quyết tâm cho những người đang trên con đường kéo khán giả trở lại với nghệ thuật, với sàn diễn sang trọng bậc nhất của Việt Nam.

Mới đây, Bộ VH-TT&DL làm việc với Tổng cục Du lịch, các công ty lữ hành để đưa các chương trình nghệ thuật của Nhà hát Lớn vào tour, tuyến giới thiệu cho du khách trong nước và quốc tế. Với chủ trương này, khán giả của Nhà hát Lớn sẽ không chỉ dành cho những người có tiền, mà cho số đông công chúng có tấm lòng với nghệ thuật và di sản.

Cơ hội tốt phát triển du lịch

Trước chủ trương này của Bộ VH-TT&DL, hầu hết các doanh nghiệp lữ hành đều ủng hộ và bày tỏ kỳ vọng “sự thay da đổi thịt” của Nhà hát Lớn sẽ đưa “thánh đường nghệ thuật” trở thành điểm đến đẹp và không thể bỏ qua của du khách trong và ngoài nước mỗi khi đến với Thủ đô Hà Nội.

Ông Nguyễn Quý Phương, Vụ trưởng Vụ Lữ hành, Tổng cục Du lịch: Việc đưa các tác phẩm nghệ thuật chất lượng cao vào biểu diễn ở Nhà hát Lớn để phục vụ công chúng và giới thiệu với du khách là mong mỏi của công chúng, các công ty du lịch và các đoàn nghệ thuật. Trước đây, các đơn vị lữ hành cũng muốn đưa khách đến với các nhà hát, bảo tàng, tuy nhiên tại thời điểm đó có nhiều sự lựa chọn về sản phẩm du lịch, đặc biệt là du lịch văn hóa.

Nhà hát Lớn hội tụ đầy đủ các điều kiện để trở thành điểm đến đẹp dành cho du khách, nhất là các giá trị về kiến trúc, lịch sử, văn hóa, đặc biệt là địa điểm rất đắc địa. Vấn đề là làm sao để lựa chọn được những màn trình diễn nghệ thuật đỉnh cao nhưng cũng phải hấp dẫn đại chúng.

Bà Trần Thị Việt Hương – Giám đốc Ban Tiếp thị (Công ty Du lịch Vietravel): Việc đưa nghệ thuật đỉnh cao vào trình diễn ở Nhà hát Lớn không chỉ có ý nghĩa đối với khán giả luôn tâm huyết, đau đáu với nghệ thuật dân tộc nói chung, du khách quốc tế nói riêng mà thực sự rất có giá trị đối với công chúng yêu văn hóa, nghệ thuật.

Nếu việc tổ chức thực hiện đồng bộ, hiệu quả, người dân Thủ đô sẽ dần lấy lại thói quen thưởng thức những tác phẩm nghệ thuật tại những sân khấu như Nhà hát Lớn. Điều đó sẽ góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân, khách du lịch trong và ngoài nước. Vì thế, các doanh nghiệp lữ hành sẽ đưa chương trình biểu diễn vào trong tour như một sản phẩm văn hóa cho du khách quốc tế thưởng thức.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ