Đó là kết luận của các nhà khoa học ở Trung tâm Công nghệ sinh học và Nghiên cứu liên ngành (CBIS) thuộc Học viện Bách khoa Rensselear (Mỹ).
Trong các thí nghiệm trước đó, các nhà khoa học ở CBIS nhận thấy rằng, thuốc heparin, sử dụng trong y học với vai trò là chất chống đông máu, liên quan đến glycoprotein S của virus SARS-CoV-2. Glycoprotein S có khả năng liên kết với thụ thể ACE2 trên bề mặt tế bào cơ thể người và bằng cách này xâm nhập vào tế bào. Sau đó, glycoprotein S (protein S) lợi dụng bộ máy tế bào để nhân bản chất liệu gen và sản xuất các hạt virus.
Chính vì vậy, các nhà nghiên cứu cho rằng heparin kết nối protein S có thể là cái bẫy tóm bắt virus trước khi nó kịp liên kết với thụ thể ACE2.
Trong công trình mới nhất của mình, các nhà khoa học ở Học viện Bách khoa Rensselear cùng các đồng nghiệp từ Trung Quốc và Hàn Quốc đã thử nghiệm các đặc tính chống virus của heparin trên các tế bào động vật có vú.
Họ cũng tiến hành thử nghiệm với các hợp chất khác gọi là polysaccharide, trong đó có heparan sulfat (HS) cùng các chất tách ra từ tảo ăn được (Saccharina japonica) thuộc nhóm các hoạt chất fukoidan, ký hiệu là RPI-27 và RPI-28.
Hóa ra, RPI-27 có khả năng vô hiệu hóa virus SARS-CoV-2 mạnh hơn (mạnh hơn vài ba lần) thuốc remdesivir - loại thuốc dùng cho điều trị bệnh nhân Covid-19. RPI-28 thì có tính năng chống virus yếu hơn một chút; còn heparin có tác dụng chống virus với hiệu quả bằng khoảng 1/3 hiệu quả của remdesivir.
Theo các tác giả công trình nghiên cứu, đặc tính vô hiệu hóa mạnh virus SARS-CoV-2 của RPI-27 có thể là do hợp chất này có cấu trúc phân nhánh rộng hơn và có phân tử lớn hơn so với RPI-28. Vì thế, RPI-27 có thể có nhiều "vị trí - bẫy" protein S hơn trên bề mặt.