Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương cho biết, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý III tăng 13,67% so với cùng kỳ năm trước.
Lấy lại đà tăng trưởng
“GDP 9 tháng năm 2022 tăng 8,83% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức tăng cao nhất của 9 tháng trong giai đoạn 2011 - 2022. Các hoạt động sản xuất kinh doanh dần lấy lại đà tăng trưởng. Chính sách phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ đã phát huy hiệu quả”, bà Nguyễn Thị Hương cho biết.
Lãnh đạo Tổng cục Thống kê đánh giá, kinh tế 9 tháng qua đã khởi sắc trên hầu hết lĩnh vực. Hoạt động sản xuất, kinh doanh trong quý III tăng trưởng mạnh mẽ, đặc biệt so với cùng kỳ năm trước.
Đó là thời điểm nhiều địa phương, đặc biệt các tỉnh kinh tế trọng điểm phía Nam, phải thực hiện giãn cách xã hội kéo dài. Nhiều ngành đã khôi phục mạnh mẽ và đạt mức tăng trưởng cao hơn so với thời điểm trước khi Covid-19 xảy ra như chế biến chế tạo, bán lẻ, dịch vụ...
Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế 9 tháng năm nay, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,99% (đóng góp 4,04%). Khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 9,44% (đóng góp 41,79%). Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo là động lực tăng trưởng của toàn nền kinh tế với tốc độ tăng 10,69%. Tỷ lệ này chỉ thấp hơn tốc độ tăng của cùng kỳ các năm 2011, 2017 và 2018. Ngoài ra, khu vực dịch vụ tăng 10,57% (đóng góp 54,17%).
Trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, ngành chăn nuôi phát triển ổn định, khai thác gỗ được đẩy mạnh. Sản lượng thủy sản nuôi trồng tăng khá, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.
Trong đó, ngành nông nghiệp 9 tháng năm nay tăng 2,43% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 0,22 điểm phần trăm vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế. Ngành lâm nghiệp tăng 5,2%, nhưng chiếm tỷ trọng thấp nên chỉ đóng góp 0,03 điểm phần trăm. Ngành thủy sản tăng 4,43%, đóng góp 0,12 điểm phần trăm.
Trong khu vực công nghiệp và xây dựng, ngành công nghiệp có xu hướng phục hồi nhanh với mức tăng 9 tháng năm nay đạt 9,63% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 3,25 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế.
Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo là động lực tăng trưởng của toàn nền kinh tế với tốc độ tăng 10,69%, thấp hơn tốc độ tăng của cùng kỳ các năm 2011, 2017 và 2018, đóng góp 2,74 điểm phần trăm.
Ngành xây dựng tăng 8,55%, đóng góp 0,59 điểm phần trăm. Khu vực dịch vụ tăng trưởng mạnh mẽ với tốc độ tăng 9 tháng năm nay đạt 10,57%, cao nhất của 9 tháng các năm 2011 - 2022.
Về cơ cấu nền kinh tế 9 tháng năm nay, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 11,27%. Khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 38,69%. Khu vực dịch vụ chiếm 41,31%. Thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 8,73%.
Về sử dụng GDP 9 tháng năm nay, tiêu dùng cuối cùng tăng 7,26% so với cùng kỳ năm 2021, đóng góp 44,46% vào tốc độ tăng chung của nền kinh tế. Tích lũy tài sản tăng 5,59%, đóng góp 18,46%. Xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 8,94%. Nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 4,74%. Chênh lệch xuất, nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ đóng góp 37,08%.
Hơn 160 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập
Trong tháng 9, cả nước có 11.466 doanh nghiệp thành lập mới, giảm 3,8% so với tháng trước; tăng 194,1% so với cùng kỳ năm trước. Cả nước có 5.118 doanh nghiệp quay lại hoạt động, giảm 20,7% so với tháng trước và tăng 54,3% so với cùng kỳ năm 2021.
Ngoài ra, có 2.935 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, giảm 21,9% và tăng 31%; có 4.187 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, giảm 6% và tăng 66,9%. Có 1.516 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, giảm 22,4% và tăng 150,2%.
Tính chung 9 tháng năm nay, cả nước có 163,3 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng 38,6% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân một tháng, có 18,1 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay lại hoạt động.
Số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 112,7 nghìn, tăng 24,8% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân một tháng có 12,5 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý III cho thấy, có 38,6% số doanh nghiệp đánh giá tốt hơn so với quý II. Có 36,0% số doanh nghiệp cho rằng, tình hình sản xuất kinh doanh ổn định và 25,4% đánh giá gặp khó khăn.
Dự kiến quý IV có 48,7% số doanh nghiệp đánh giá xu hướng tốt lên so với quý III. 33,9% số doanh nghiệp cho rằng, tình hình sản xuất kinh doanh sẽ ổn định và 17,4% dự báo khó khăn hơn.
Trong đó, khu vực doanh nghiệp ngoài Nhà nước lạc quan nhất với 83,6% số doanh nghiệp dự báo tình hình sản xuất kinh doanh quý IV tốt hơn và giữ ổn định so với quý III. Tỷ lệ này ở khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp Nhà nước lần lượt là 80,9% và 79,1%.