Tăng trưởng bất chấp 7.000 lệnh cấm vận

GD&TĐ -Theo báo cáo mới nhất của Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF, nền kinh tế Nga đang vượt qua cơn bão cấm vận tốt hơn dự kiến, bất chấp việc phải hứng chịu tới hơn 7.000 lệnh cấm vận từ phương Tây.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Vũ khí lợi hại nhất giúp Moscow vượt qua được thử thách khi phải chống lại cả thế giới phương Tây là nhờ hưởng lợi từ giá năng lượng tăng cao. Một trong những biện pháp nghiêm khắc nhất mà phương Tây trừng phạt Nga ngay sau chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine hôm 24/2 là cắt đứt nước này khỏi hệ thống tài chính toàn cầu.

Mục tiêu của các nước phương Tây là nhằm bóp nghẹt nền kinh tế Nga, từ đó khiến nước này không còn đủ khả năng tài chính để tài trợ cho chiến dịch quân sự tại Ukraine. Tuy nhiên, trải qua hơn 5 tháng, nền kinh tế Nga vẫn đứng vững và không ngừng các hoạt động quân sự của mình.

Thậm chí, báo cáo “Triển vọng Kinh tế Thế giới” do IMF công bố hôm 26/7 vừa qua còn cho thấy, tăng trưởng GDP của Nga được dự đoán nâng lên 2,5 điểm phần trăm, dù nền kinh tế Nga nói chung vẫn sụt giảm 6% và phải chứng kiến một cuộc suy thoái trong năm 2022 do bị cấm vận trên diện rộng.

Tuy nhiên, nhìn chung nền kinh tế Nga vẫn đang vận hành tốt hơn kỳ vọng của IMF. Một trong các lý do chính là nhờ việc Ngân hàng Trung ương Nga cùng các nhà hoạch định chính sách của nước này đã ngăn chặn thành công một cuộc khủng hoảng tài chính ngay khi các lệnh trừng phạt có hiệu lực. Mặt khác, giá năng lượng tăng mạnh cũng đang giúp nước này đạt được nguồn thu khổng lồ để bù đắp lại.

Khi Nga bắt đầu mở chiến dịch tại Ukraine, giá dầu Brent trên thị trường thế giới đang ở ngưỡng dưới 80 USD/thùng, sau đó vọt lên tới mức kỷ lục gần 129 USD vào tháng 3 vừa qua trước khi giảm xuống quanh ngưỡng 105 USD ngày 28/7. Ngoài ra, giá khí đốt tự nhiên của châu Âu trong những tuần gần đây cũng vẫn đang đạt mức đỉnh.

Thực tế này khiến người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov hôm 26/7 tự tin cho rằng, các nước phương Tây phải chạy đua thực hiện các biện pháp trừng phạt và đối phó với Nga, nhưng họ đang hết dần các biện pháp có thể gây áp lực hiệu quả đối với Moscow.

Cùng thời điểm, Liên minh châu Âu (EU) đã quyết định gia hạn các biện pháp trừng phạt đối với Nga thêm 6 tháng, kéo dài đến cuối tháng 1/2030. Ngoài ra, các nước thành viên EU cũng thông qua kế hoạch cùng cắt giảm 15% lượng tiêu thụ khí đốt trong mùa đông từ tháng 8/2022 đến tháng 3/2023, nhằm sẵn sàng cho kịch bản nguồn cung của Nga bị gián đoạn.

Dù hiện tại nền kinh tế Nga vẫn chống chọi tốt với hàng nghìn lệnh trừng phạt của phương Tây, nhưng các chuyên gia dự đoán tình hình sang năm 2023 sẽ không dễ chịu như vậy.

IMF đã hạ mức tăng trưởng của Nga vào năm tới do các hình phạt mới được công bố cũng như tác động tích lũy của hơn 7.000 lệnh cấm vận sẽ bắt đầu thể hiện và gia tăng theo thời gian.

Hiện các lệnh trừng phạt đã làm tê liệt một phần nền kinh tế Nga, do sự ra đi của hơn 1.000 công ty quốc tế đã khiến Nga mất 40% GDP. Điều này cũng đồng nghĩa với số vốn đầu tư nước ngoài của Nga trong khoảng 30 năm đã bốc hơi hoàn toàn.

Trong bối cảnh đó, theo các chuyên gia không có con đường nào giúp Nga thoát khỏi khủng hoảng cho tới khi các nước phương Tây nới lỏng các áp lực trừng phạt.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ