Băn khoăn ngành học
Có thế mạnh trong các môn Khoa học tự nhiên như Vật lý, Hóa học, Sinh học, muốn học ngành thuộc lĩnh vực nông nghiệp để có thể trở về phục vụ quê hương nhưng Nguyễn Đức Thành - học sinh lớp 12A3, Trường THPT Thường Tín (Thường Tín, Hà Nội) băn khoăn về cơ hội việc làm của ngành học này sau khi tốt nghiệp.
Thành chia sẻ, dù thích ngành kỹ sư nông nghiệp nhưng lại chưa biết sau khi ra trường sẽ xin làm việc ở cơ quan, đơn vị nào. Trong khi đó, các ngành “hot” hiện nay như Công nghệ thông tin, Tài chính kế toán... lại có nhiều cơ hội việc làm tại đơn vị tuyển dụng. Chọn ngành nghề mình yêu thích hay chọn nghề có cơ hội việc làm là băn khoăn của Thành thời điểm này.
Cùng băn khoăn chọn ngành, nghề, Nguyễn Hải Đăng - học sinh lớp 12A2 Trường THPT Lý Thường Kiệt (quận Long Biên, Hà Nội) cho biết: Gần đây, ngành Vi mạch bán dẫn được nhiều học sinh quan tâm vì trong tương lai Việt Nam phát triển ngành công nghiệp này nên cần nhiều nhân lực.
Tuy nhiên, những thông tin về ngành này, Hải Đăng mới chỉ tìm hiểu qua báo chí, mạng xã hội mà chưa nắm được đầy đủ đặc thù của ngành học, nhu cầu tuyển dụng. Em cũng chưa hiểu năng lực của mình có phù hợp với ngành không. Do đó, nam sinh mong được các thầy cô, chuyên gia giải đáp những tiêu chí cần ưu tiên khi chọn trường đại học.
Theo khảo sát gần đây của Trung tâm Hỗ trợ và tư vấn tâm lý, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội), có đến 65,4% sinh viên năm thứ nhất một số trường đại học chưa hiểu hết mục đích, ý nghĩa ngành mình học; 50,8% không biết học xong sẽ làm việc gì, nơi nào cần tuyển dụng.
Khi được hỏi về mức độ thỏa mãn nghề đã chọn, 75,6% sinh viên cho biết ít thỏa mãn với lựa chọn của mình, “vào học rồi mới biết mình không hợp”; 32,4% sinh viên muốn thi lại vào năm sau. Kết quả này cho thấy nhiều bạn trẻ không chọn đúng nghề như mong muốn.
TS Lê Đình Nam - Phó Trưởng ban Tuyển sinh, hướng nghiệp, Đại học Bách khoa Hà Nội cho rằng, lựa chọn đúng ngành nghề không chỉ quan trọng với học sinh, gia đình mà cả cơ sở đào tạo. Việc tuyển sinh đúng đối tượng giúp nhà trường nâng cao chất lượng đào tạo, nâng tỷ lệ sinh viên có việc làm sau tốt nghiệp.
Theo thầy Dương Hai Bảy Mươi - Hiệu trưởng Trường THPT Lý Thường Kiệt (quận Long Biên, Hà Nội), hướng nghiệp đã dần trở nên phổ biến những năm gần đây, tuy nhiên để hướng nghiệp đúng thời điểm và đối tượng, ngành nghề là điều vô cùng quan trọng.
Chọn nghề không đơn giản là đưa ra quyết định ở một thời điểm. Đây là quá trình dài nghiên cứu, suy ngẫm về ngành sẽ chọn, học và gắn bó trong tương lai. Học sinh phải tự nắm rõ năng lực, hạn chế, điểm mạnh của bản thân để chọn nghề phù hợp.
Học sinh Trường THPT Lý Thường Kiệt (quận Long Biên) tham dự ngày hội tư vấn hướng nghiệp. |
Tăng trải nghiệm thực tế
Được thực tế trải nghiệm công việc theo nhiều ngành nghề, lĩnh vực tưởng chừng chỉ sinh viên mới được thụ hưởng nhưng nay ở cấp THPT, học sinh có thể trải nghiệm hoạt động này trong chương trình tư vấn hướng nghiệp.
Với sự tham gia của đa dạng doanh nghiệp, trường đại học, hoạt động hướng nghiệp giờ đây không dừng lại ở phần tư vấn. Điều này giúp học sinh vững vàng hơn khi xác định ngành nghề theo học trong đợt xét tuyển đại học, cao đẳng năm 2024.
Tự tin đứng trước máy quay và kịch bản có sẵn, Nguyễn Ngọc Huyền - học sinh Trường THPT Cổ Loa (huyện Đông Anh, Hà Nội) hào hứng khi được thể hiện vai trò dẫn chương trình trong Ngày hội tư vấn hướng nghiệp của Học viện Báo chí và Tuyên truyền.
Huyền cho biết, khi tìm hiểu về ngành nghề, bản thân chỉ tiếp cận lý thuyết và qua tư vấn của thầy cô nên khá “mông lung” trước ngưỡng cửa chọn trường đại học. Khi được trải nghiệm thực tế, hướng dẫn thực hành, em hình dung rõ hơn về các công việc sau này của sinh viên trường báo sẽ phải làm thế nào.
Còn trong buổi tư vấn hướng nghiệp của ngành GD-ĐT quận Hà Đông, các gian hàng của doanh nghiệp với trải nghiệm thực tế công việc đã thu hút đông học sinh. Làm quen với phần mềm, tự tay vẽ, tạo dựng mô hình 3D các nhân vật hoạt hình, học sinh hiểu rõ hơn về ngành thiết kế đồ họa.
Trần Khánh Chi - học sinh lớp 12A4 Trường THPT Lê Quý Đôn (quận Hà Đông, Hà Nội) chia sẻ: Tham gia ngày hội tư vấn hướng nghiệp, em có thêm hiểu biết về ngành nghề trong tương lai. Lần đầu tiên, em được vẽ, thiết kế đồ họa 3D trên máy tính. Em dự định chọn ngành Thiết kế đồ họa.
Tham gia hướng nghiệp, ngoài đặc trưng ngành nghề, thông tin các bạn trẻ quan tâm còn là chương trình đào tạo, đội ngũ giảng dạy, môi trường giáo dục từng trường. Đặc biệt là khả năng có việc làm sau khi tốt nghiệp.
PGS.TS Mai Anh Tuấn - giảng viên Trường Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội) thông tin: Gần đây, báo chí đăng tải thông tin về độ “hot” của ngành Vi mạch và bán dẫn trong tương lai. Việc cung cấp thông tin về ngành này sẽ giúp các em lựa chọn phù hợp sở thích, năng lực.
Đưa dẫn chứng với một sản phẩm bằng miếng mica nhỏ với đường kính khoảng 25cm nhưng có giá trị lên đến 5.000 USD, PGS.TS Mai Anh Tuấn cho rằng, ngành Vi mạch và bán dẫn sẽ mang nhiều giá trị trong tương lai. Lựa chọn theo học ngành này, sinh viên có nhiều cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp.
“Dù vi mạch và bán dẫn chưa phải là ngành chính thức, chưa có mã ngành nhưng lại liên quan đến nhiều ngành học mà các trường đang đào tạo như: Điện tử - Viễn thông, Kỹ thuật máy tính, Vật lý kỹ thuật, Kỹ thuật điện, Kỹ thuật điều khiển, Công nghệ tin học. Đây cũng là gợi mở cho học sinh trước lựa chọn ngành nghề”, đại diện Trường Đại học Công nghệ nhìn nhận.
Theo ông Tạ Văn Thảo - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, học sinh được hướng nghiệp càng sớm thì nguồn nhân lực dài hạn càng chất lượng và đáp ứng đúng nhu cầu thị trường lao động. Có thể định hướng bức tranh thị trường lao động, ngành nghề phù hợp năng lực, cũng như ngành nghề “hot” trong thời gian tới cho học sinh để có lựa chọn phù hợp.