(GD&TĐ)-Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ tinh thần chung là phải tăng tổng cầu cho nền kinh tế để hỗ trợ thị trường, trong đó đảm bảo tăng tổng cầu phải đáp ứng yêu cầu đặt ra là không gây lạm phát cho năm sau và đảm bảo cho tăng trưởng hợp lý.
Toàn cảnh phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 5/2012 |
Đó là phát biểu kết luận của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5 diễn ra ngày hôm nay (27/5) nhằm đánh giá tình hình kinh tế xã hội tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2012 cũng như thống nhất phương hướng tập trung chỉ đạo và điều hành nền kinh tế trong thời gian tới.
Theo nhận định chung của các thành viên Chính phủ: Dù còn nhiều khó khăn nhưng kinh tế xã hội tháng 5 và tính chung cả 5 tháng đầu năm tiếp tục đà chuyển biến và đạt được những kết quả tích cực bước đầu đúng hướng.
Rõ nhất là mục tiêu kiềm chế lạm phát thành công, chỉ số giá tiêu dùng chỉ tăng 2,78% so với tháng 12 năm 2012, thấp nhất trong 3 năm qua. Dư nợ tín dụng cũng đang dần tăng trở lại nhờ thực hiện một số chính sách giảm lãi suất và hỗ trợ tín dụng. Kim ngạch xuất khẩu tiếp tục tăng cao nhưng đáng chú ý là 4 tháng đầu năm Việt Nam xuất siêu thì sang tháng 5 đã bắt đầu nhập siêu trở lại cho thấy sản xuất trong nước đang dần phục hồi.
Nếu như 5 tháng qua cả nước có 21.800 doanh nghiệp giải thể thì số thành lập mới lại có trên 30.000 doanh nghiệp thể hiện niềm tin đối với nền kinh tế. Các chính sách an sinh xã hội tiếp tục được bảo đảm…
Tại phiên họp này, Chính phủ đã nghe và thảo luận dự thảo Nghị quyết đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế giai đoạn 2012 – 2015 và tầm nhìn đến 2020; việc xây dựng Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 16/1/2012 của Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”; Báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội ban hành Nghị quyết về việc kéo dài thời hạn sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân; Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân. |
Các thành viên Chính phủ cũng tập trung phân tích những thách thức đối với tăng trưởng khi lạm phát giảm quá sâu, các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp cũng như định hướng giải quyết nghịch lý ngân hàng thừa tiền trong khi doanh nghiệp lại đói vốn mà một trong những điểm nghẽn là do nợ xấu ngân hàng gia tăng.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng nêu ý kiến: Lĩnh vực bất động sản gần như là đầu tầu của ngành sản xuất vật liệu xây dựng, ngành xây dựng và một số ngành công nghiệp khác… Cho nên cần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bất động sản. “Nếu chúng ta không xử lý, thì nợ xấu càng tăng. Nhưng nếu xử lý có những doanh nghiệp, dự án tiếp tục sống và cũng góp phần giảm nợ xấu”, ông Dũng phân tích.
Trên tinh thần này, Bộ Xây dựng đề nghị trước mắt Chính phủ cho phép gia hạn 6 tháng thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng cho các doanh nghiệp bất động sản không kể quy mô khi triển khai các dự án nhà ở xã hội, kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp, nhà thương mại có điều chỉnh cơ cấu sản phẩm phù hợp với nhu cầu tiêu thụ của nền kinh tế….
Thống đốc Nguyễn Văn Bình khẳng định: Ngân hàng Nhà nước sẽ báo cáo Chính phủ Đề án cụ thể xử lý nợ xấu trong ngân hàng ngay trong tuần tới để khơi thông nguồn vốn, đồng thời tháng 6 cố gắng xử lý dứt điểm các ngân hàng yếu kém. Các thành viên Chính phủ cũng nhất trí cần tập trung quyết liệt đẩy nhanh giải ngân nguồn vốn ngân sách và trái phiếu Chính phủ, tạo cú hích cho nền kinh tế.
Phát biểu kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, phải kiên định thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội đã đề ra cho năm 2012 là kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng hợp lý, bảm đảm an sinh xã hội…, chưa điều chỉnh bất cứ mục tiêu gì theo kế hoạch đã đề ra từ đầu năm. Việc hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh phải đi đôi với giữ vững mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ, tinh thần chung là phải tăng tổng cầu cho nền kinh tế để hỗ trợ thị trường. Đây không phải là gói kích cầu mà tăng theo kế hoạch đã đề ra; tăng tổng cầu phải đáp ứng yêu cầu đặt ra là không gây lạm phát cho năm sau và đảm bảo cho tăng trưởng hợp lý. Đưa tín dụng vào lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, doanh nghiệp xuất khẩu, doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động.
Tiếp tục lộ trình hạ lãi suất cả huy động và cho vay, ngân hàng sớm đưa ra cơ chế xử lý nợ xấu; giữ ổn định tỷ giá, khẩn trương cơ cấu lại các ngân hàng yếu kém. Phối hợp hài hòa, linh hoạt giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa để từng bước hạ lãi suất tín dụng, hỗ trợ doanh nghiệp xử lý hàng tồn kho, kích thích tổng cầu của nền kinh tế… đồng thời luôn nhất quán thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.
Có biện pháp cơ cấu lại nợ, giãn nợ,… cho các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp có tiềm năng kinh doanh tốt nhưng đang khó khăn tạm thời nhằm khơi thông dòng vốn trong nền kinh tế.
Thực hiện tốt chính sách tài khóa, giữ mức bội chi ngân sách không vượt quá chỉ tiêu đã được Quốc hội thông qua là 4,8% GDP; đảm bảo cân đối thu chi, không để bị xáo trộn.
Xem xét ưu tiên ứng trước vốn trái phiếu Chính phủ cho các dự án hoàn thành trong năm 2013; không ứng vốn tràn lan, không đúng trọng tâm, trọng điểm, gây lạm phát.
Về hỗ trợ thị trường và doanh nghiệp, quyết liệt thực hiện các giải pháp nhằm tiếp tục mở rộng thị trường trong và ngoài nước thông qua đẩy mạnh xúc tiến thương mại; thúc đẩy hoạt động xuất khẩu, nhất là đối với những mặt hàng có thế mạnh.
Thực hiện tốt hơn nữa công tác đảm bảo an sinh xã hội, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động; đẩy mạnh các giải pháp hỗ trợ các huyện nghèo, các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng bị thiên tai, không để xảy ra tình trạng người dân thiếu đói.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đề nghị các Bộ, ngành, địa phương chủ động cung cấp thông tin kịp cho các cơ quan thông tấn, báo chí về tình hình các mặt kinh tế-xã hội của đất nước, nhằm tạo sự đồng thuận, thống nhất, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội đã đề ra trong năm 2012.
PV