Tăng tốc hội nhập

GD&TĐ - Hơn 10 năm trước, việc giảng dạy tiếng Anh tại các trường ĐH chủ yếu tập trung ở khối trường quốc tế và vài chương trình tiên tiến của những ĐH công lập tốp đầu.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Những năm gần đây, đào tạo bằng tiếng Anh không còn là đặc sản của nhóm trường trên, mà còn của nhiều trường ĐH khác, cả công lập lẫn tư thục; không chỉ chiếm ít nhất 20% số tín chỉ theo Thông tư 23/2014 của Bộ GD&ĐT (với chương trình chất lượng cao) mà còn 100%. Mùa tuyển sinh 2021, số chương trình đào tạo hoàn toàn bằng tiếng Anh ở nhiều trường ĐH đã lên tới hai chữ số.

Điểm chung của các chương trình này là sinh viên theo học phải tối thiểu có trình độ IELTS 5.0  trở lên (hoặc tương đương) tùy trường. Chuẩn đầu ra trình độ tiếng Anh phải từ 6.0 - 6.5 IELTS  (hoặc tương đương). Ngoài việc được học hoàn toàn bằng tiếng Anh, sinh viên còn được thụ hưởng những dịch vụ tốt nhất của trường từ đội ngũ giảng viên đến lớp học quy mô nhỏ (20 - 25 sinh viên/lớp); phòng học, phòng thí nghiệm....; Được rèn luyện kỹ năng toàn diện,  thực tập/kiến tập tại các tập đoàn, công ty đa quốc gia, công ty nước ngoài…

Hướng đến mục tiêu đào tạo công dân toàn cầu, có thể làm việc hoặc học tập lên cao hơn trên toàn thế giới ngay sau khi tốt nghiệp, các chương trình đào tạo bằng tiếng Anh mang lại khá nhiều lợi ích cho người học. Sau khi tốt nghiệp, sinh viên có tỷ lệ việc làm cao, mức lương khá. Đặc biệt, nhiều sinh viên học 8 nhóm ngành được phép chuyển dịch lao động trong khối ASEAN càng rộng cơ hội làm việc hơn ở các nước trong khu vực. Với chất lượng đào tạo tốt, học phí rẻ so với học ở các nước tiên tiến, các chương trình đào tạo bằng tiếng Anh đã “giữ chân” một lượng không nhỏ sinh viên từng có nguyện vọng du học nước ngoài, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp. 

Đặc biệt, với mức học phí vượt trội, từ 45 - 70 triệu/năm,  cùng với chương trình chất lượng cao khác, chương trình đào tạo bằng tiếng Anh có vai trò đặc biệt  trong việc giải bài toán tài chính của các trường, nhất là đơn vị tự chủ, tạo điều kiện cho nhà trường tái đầu tư, nâng cao chất lượng đào tạo. Đây cũng là con đường để các trường ĐH trong nước từng bước hội nhập quốc tế, thu hút sinh viên nước ngoài. Thực tế cho thấy, trong những năm qua, với chương trình đào tạo bằng tiếng Anh, nhiều trường ĐH đã tuyển được sinh viên quốc tế đến học như Trường ĐH FPT,  ĐH Bách khoa TPHCM,  ĐH Tôn Đức Thắng…, mang ngoại tệ về cho đất nước.

Tuy vậy, bên cạnh trường làm tốt chất lượng đào tạo bằng tiếng Anh cũng có một vài đơn vị, trong quá trình triển khai còn chưa hội đủ điều kiện chín muồi. Với quan niệm “nở nồi” các chương trình chất lượng cao, trong đó có chương trình dạy bằng tiếng Anh, để giải quyết bài toán tài chính trước, có những đơn vị đã nóng vội trong triển khai, dẫn đến một vài bất cập. Trình độ ngoại ngữ của sinh viên theo học còn hạn chế nên có đơn vị lặng lẽ chuyển đổi việc dạy từ tiếng Anh sang…Việt. Có nơi, nguồn giáo trình chưa đầy đủ và cũng chưa đủ giảng viên giảng dạy các môn kiến thức cơ bản bằng tiếng Anh. Chuyện sinh viên than phiền giáo viên dạy bằng tiếng Anh nhưng phát âm chưa chuẩn, nghe câu được, câu mất cũng không phải hiếm.

Phát triển các chương trình dạy bằng tiếng Anh là hướng đi quan trọng và cần thiết để trường ĐH nâng cao chất lượng đào tạo, đẩy mạnh hội nhập quốc tế. Nhưng nếu xem đây là cách thức để giải quyết bài toán tài chính sẽ kéo theo hệ quả xấu cho cả người học và thương hiệu nhà trường. Việc Bộ GD&ĐT đẩy mạnh công tác kiểm định chất lượng là điều kiện cần để bảo đảm chất lượng nhưng điều kiện đủ, phải bắt đầu từ cách làm nghiêm túc của các trường. Tự chủ đại học, nhà trường có thể “nở nồi” các chương trình này để giải quyết bài toán tài chính trong bối cảnh nguồn thu học phí thấp,  nhưng chắc chắn đi kèm đó phải là giải bài toán chất lượng, nếu muốn phát triển bền vững.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ