Việt Nam là 15 quốc gia có số người hút thuốc cao nhất thế giới
Việt Nam hiện nằm trong số 15 quốc gia có số người hút thuốc cao nhất thế giới.
Theo số liệu thống kê năm 2021, tỷ lệ hút thuốc trong dân số là 20,8%, trong đó tỷ lệ hút thuốc trong nam giới là trên 41%.
Đa số người hút thuốc ở Việt Nam nằm trong nhóm tuổi từ 15 đến 55 tuổi (lực lượng lao động chính của xã hội).
Hiện nay, Việt Nam có hơn 15 triệu người hút thuốc, việc sử dụng thuốc lá gây ra gánh nặng bệnh tật và tử vong sớm đáng kể, thậm chí có xu hướng ngày càng tăng.
Theo ước tính, mỗi năm có hơn 100.000 ca tử vong do các bệnh có nguyên nhân do hút thuốc lá chủ động và tiếp xúc với khói thuốc lá thụ động.
ThS. Phan Thị Hải, Phó Giám đốc Quỹ Phòng, chống tác hại thuốc lá (Bộ Y tế), trong bối cảnh nước ta đang cần thêm nguồn lực để đạt các mục tiêu phát triển bền vững, việc điều chỉnh tăng thuế thuốc lá đang là ưu tiên hàng đầu, vừa mang lại thu nhập cho ngân sách, vừa bảo vệ sức khỏe người dân.
Bà Hải dẫn bằng chứng từ Tổ chức Y tế thế giới (WHO), thuế thuốc lá là biện pháp nhanh nhất và tiết kiệm chi phí nhất để giảm tiêu dùng thuốc lá, góp phần giảm đáng kể gánh nặng bệnh tật và tử vong sớm do các bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá.
Phó Giám đốc Quỹ Phòng, chống tác hại thuốc lá, gợi ý tham khảo kinh nghiệm từ các quốc gia đi trước. Theo đó cho thấy biện pháp trong tổng tác động tăng thuế hiệu quả đóng góp từ 50% đến 60% của tất cả các biện pháp giảm sử dụng thuốc lá.
Lấy ví dụ Thái Lan, theo khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới và kinh nghiệm từ các quốc gia tổng hợp lại cho thấy, giải pháp thuế ở Thái Lan chiếm đến 61% hiệu quả giúp giảm tỷ lệ hút thuốc.
Trong khi đó giải pháp cấm quảng cáo tiếp thị chỉ chiếm 22% hiệu quả; công tác truyền thông còn thấp hơn nữa với chỉ 7%; môi trường không khói thuốc chiếm 6%; cảnh báo sức khỏe in trên bao bì thuốc lá chiếm 4%.
Bằng những giải pháp này, lượng thuốc Thái Lan sản xuất chỉ bằng khoảng một nửa so với Việt Nam.
Tuy nhiên, so với các nước ASEAN, mức thuế của Việt Nam hiện nay đang áp lên mặt hàng này là rất thấp. Điều này đã tạo điều kiện cho thuốc lá bán lẻ dễ dàng tiếp cận với người có thu nhập thấp và người mới hút, kể cả trẻ em và trẻ vị thành niên.
Tăng thuế thuốc lá sẽ góp phần bảo vệ những nhóm người yếu thế
Từ năm 2008 đến 2019, Việt Nam mới chỉ thực hiện 3 lần tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với thuốc lá nhưng mức tăng thuế mỗi lần chỉ 5%, khoảng thời gian giữa các lần tăng thuế khá dài.
Từ năm 2006 đến năm 2008, mức thuế tăng từ 55% lên 65%. 8 năm sau, năm 2016 tăng từ 65% lên 70%. Sau 3 năm, năm 2019 tăng từ 70% lên 75%. Tất cả những lần tăng thuế này đều tính trên giá xuất xưởng.
Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới, mức thuế với thuốc lá nên ở mức 70-75% giá bán lẻ. Dù vậy, từ năm 2019 đến nay (Theo Luật thuế tiêu thụ đặc biệt) Việt Nam mới chỉ áp dụng tính thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt theo tỷ lệ 75% tính trên giá xuất xưởng.
Như vậy, tỷ lệ thuế thuốc lá tính theo giá bán lẻ (bao gồm thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế giá trị gia tăng) chỉ chiếm 36%, thấp hơn nhiều so với trung bình của các quốc gia có thu nhập trung bình là 59%, chỉ bằng một nửa so với hầu hết các nước ASEAN (Thái Lan 78.6%, Singapore 67,1%, Indonesia 62.3%).
ThS. Phan Thị Hải cho hay, giải pháp thuế ở Việt Nam chưa đạt tác dụng mong muốn, do đó chưa đem lại hiệu quả như các quốc gia trong khu vực, cần thay đổi chính sách thuế để bảo vệ nhân dân.
Tăng thuế thuốc lá sẽ góp phần bảo vệ những nhóm người yếu thế trong xã hội như trẻ em và người nghèo, những người nhạy cảm với giá nên dễ dàng bỏ thuốc khi giá tăng.
“Nếu biện pháp hiệu quả, họ sẽ tiết kiệm được chi phí, giảm nguy cơ bệnh tật và có điều kiện chăm sóc tốt hơn cho con cái”, ThS. Phan Thị Hải nhấn mạnh và nói thêm bên cạnh giải pháp hàng đầu là tăng thuế, công tác Phòng, chống tác hại thuốc lá cần sự ủng hộ mạnh mẽ của các cơ quan, tổ chức, các cơ quan truyền thông để thúc đẩy có hiệu quả sự thay đổi nhận thức của cộng đồng về tác hại của thuốc lá. Đồng thời tiếp tục có được sự ủng hộ của các cấp lãnh đạo cho việc ban hành các chính sách hiệu quả về Phòng, chống tác hại thuốc lá.