Tăng quyền tự chủ, tăng kiểm định chất lượng

Đại biểu Quốc hội Phạm Tất Thắng: Việc giao các trường tự chủ là chuyện đương nhiên.
Đại biểu Quốc hội Phạm Tất Thắng: Việc giao các trường tự chủ là chuyện đương nhiên.

Mở rộng phạm vi tự chủ

Cơ quan quản lý vẫn phải có trách nhiệm đôn đốc kiểm tra. Làm sao văn bằng đảm bảo đúng là một chứng nhận sản phẩm đào tạo của cơ sở giáo dục đại học. Tránh hệ lụy chúng ta không mong muốn. 

Đại biểu Quốc hội Phạm Tất Thắng - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội nêu ý kiến sau khi nghiên cứu về dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Giáo dục đại học.

Trao đổi với báo chí bên lề Quốc hội, Đại biểu Phạm Tất Thắng - cho rằng, kiểm định chất lượng là vấn đề quan trọng trong giáo dục đại học. Tiếp đến là tăng quyền tự chủ, tăng phạm vi và hiệu quả tự chủ cho các cơ sở giáo dục đại học.

Đối với tự chủ đại học, Đại biểu Phạm Tất Thắng cho biết: Theo dự thảo Luật đã mở rộng phạm vi và nâng cao hiệu quả tự chủ đại học nhằm đổi mới quản lý nhà nước, giúp cơ sở GDĐH phát huy nội lực trong thực hiện tự chủ, linh hoạt, sáng tạo, đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực cho phát triển kinh tế - xã hội, cạnh tranh lành mạnh để nâng cao chất lượng, hội nhập quốc tế.

“Rõ ràng các trường có quyền tự chủ lớn và sẽ giảm dần vai trò quản lý nhà nước của các cơ quan quản lý. Tuy nhiên, các trường sẽ có trách nhiệm lớn đối với xã hội, đó là phải đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho xã hội” - Đại biểu Phạm Tất Thắng nhấn mạnh.

Theo Đại biểu Phạm Tất Thắng, để quá trình tự chủ được thực hiện một cách đúng nghĩa đầy đủ và để các trường có trách nhiệm cao hơn, thì khâu kiểm định chất lượng có vai trò quan trọng.

Qua kiểm định, cơ quan quản lý có thể xác định được chất lượng của các trường. Chất lượng đó sẽ liên quan đến khả năng tự chủ của các trường.

“Từ việc kiểm định chất lượng thì trường đó, cơ sở giáo dục đại học đó có niềm tin với xã hội, có vị trí với xã hội và thực hiện được trách nhiệm xã hội tốt hơn. Kiểm định có vai trò rất quan trọng trọng trong quá trình hoạt động của các cơ sở giáo dục đại học.

Chính việc kiểm định sẽ đóng dấu chất lượng để xã hội, người học tin trường, lựa chọn các cơ sở giáo dục đại học phù hợp” - Đại biểu Phạm Tất Thắng trao đổi.

Gỡ vướng về mở ngành cho các trường

Kiểm định có vai trò rất quan trọng trong xu thế nâng cao tính tự chủ của các trường đại học hiện nay.

Liên quan đến quy định về kiểm định trong dự thảo luật, Đại biểu Phạm Tất Thắng cho hay, quy định trong luật chỉ là nguyên tắc. Cơ quan quản lý sẽ phải có hướng dẫn cụ thể để quy định về các cơ sở có trách nhiệm kiểm định. Đồng thời khuyến khích các trường tăng cường các hình thức kiểm định của các tổ chức kiểm định chất lượng Quốc tế.

Một điểm dư luận rất quan tâm là các cơ sở giáo dục đại học sẽ được tự chủ mở ngành, in phôi, cấp phát văn bằng, Đại biểu Phạm Tất Thắng cho rằng, đây là vấn đề được nhiều người quan tâm.

“Trước đây, cơ quan quản lý có quy định khá chặt chẽ trong việc mở ngành, trong đó có các quy định về điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ để mở được ngành.

Quá trình thẩm định rất dài ảnh hưởng đến việc mở ngành của các cơ sở giáo dục đại học. Cho nên, trong xu thế mở rộng tự chủ hiện nay, các khó khăn vướng mắc về mở ngành đã được Bộ GD&ĐT sửa đổi khá cơ bản trong dự thảo Luật lần này.

Song song với đó là việc đảm bảo chất lượng đào tạo, tự in cấp phát văn bàng cũng đã được đưa vào dự thảo lần này. Đó là xu thế đương nhiên” - Đại biểu Phạm Tất Thắng nhận xét.

Cũng theo Đại biểu Phạm Tất Thắng, khi giao cho các trường tự chủ, họ phải chịu trách nhiệm về chất lượng đào tạo. Bằng cấp sẽ là chứng nhận sản phẩm đào tạo của nhà trường trước xã hội.

Tuy nhiên, theo Đại biểu Phạm Tất Thắng, để quá trình này dần dần tiệm cận đến mong muốn của xã hội về chất lượng, cơ quan quản lý phải có quy định, tiêu chuẩn, hình thức. Đặc biệt là quy trình cấp phát văn bằng, chứng chỉ làm sao đảm bảo chất lượng, làm sao tránh phát sinh mặt trái và các hiện tượng xã hội chúng ta không mong muốn như: bằng giả, chứng chỉ giả…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ