Cụ thể, đó là những sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với quy định của Luật giáo dục nghề nghiệp; Luật sửa đổi, bổ sung Luật giáo dục, Luật giáo dục ĐH; sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với Luật xử lý vi phạm hành chính, đồng bộ với Nghị định số 97/2017/NĐ-CP; sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tiễn...
Nghị định số 138/2013/NĐ-CP có 5 Điều quy định mức phạt tiền tăng dần theo cấp học, trình độ đào tạo (Điều 5, 6, 17, 18, 26). Tuy nhiên, có quan điểm cho rằng không nên quy định mức xử phạt theo cấp học, trình độ đào tạo đối với cùng một hành vi vi phạm, vì mức độ xâm hại trật tự quản lý hành chính nhà nước của hành vi vi phạm là như nhau; việc căn cứ vào cấp học, trình độ đào tạo để quy định mức phạt tiền đối với cùng một hành vi vi phạm là không hợp lý.
Tiếp thu ý kiến, Ban soạn thảo đã nghiên cứu quy định không phân chia mức phạt đối với một số hành vi vi phạm về tự ý thành lập cơ sở giáo dục hoặc tổ chức dịch vụ giáo dục; hành vi gian lận để được cho phép hoạt động giáo dục; hành vi tổ chức hoạt động giáo dục hoặc thực hiện dịch vụ giáo dục khi chưa được phép hoạt động; hành vi thành lập không đầy đủ các tổ chức thuộc cơ sở giáo dục.
Hiện nay, dự thảo Nghị định chỉ còn 2 hành vi được phân chia mức phạt theo cấp học nhằm đảm bảo phù hợp với thực tiễn và tính chất, mức độ hậu quả của hành vi vi phạm, gồm: hành vi vi phạm quy định về tổ chức hoạt động giáo dục hoặc thực hiện dịch vụ giáo dục ngoài địa điểm được phép; hành vi không đảm bảo một trong các điều kiện cho phép hoạt động giáo dục; hành vi vi phạm quy định về tỷ lệ giáo viên trên lớp, giảng viên cơ hữu trên tổng số giáo viên, giảng viên trên sinh viên trong cơ sở giáo dục.