Đề nghị tăng lương cơ sở từ ngày 1/1/2023
Sau hơn 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới, Việt Nam đã bước vào nhóm các nước đang phát triển có thu nhập trung bình thấp và tiếp tục thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế nhanh, bền vững.
Đại hội XIII của Đảng cũng đã đặt ra các mục tiêu đến năm 2025 nước ta vượt qua mức thu nhập trung bình thấp, đến năm 2030 là nước thu nhập trung bình cao, đến năm 2045 trở thành nước phát triển thu nhập cao.
Để thực hiện đạt được các mục tiêu ở 3 thời điểm 2025, 2030, 2045, Việt Nam cần có một sự nỗ lực vượt bậc bởi các ngưỡng thu nhập trung bình thấp, trung bình cao, thu nhập cao là các mục tiêu di động. Do các quốc gia đều phấn đấu theo đuổi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội cao hơn.
Hiến pháp năm 2013 đã quy định về quyền được bảo đảm an sinh xã hội của người dân. Do vậy, ông Lâm Văn Đoan, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội, cho rằng, đến thời điểm này cần xem xét đổi mới, cải cách hệ thống chính sách xã hội mà trọng tâm là cải cách chính sách an sinh xã hội trong giai đoạn mới.
Theo quan điểm của vị chính khách trên, hiện chính sách an sinh xã hội của chúng ta còn chưa được thiết kế thật sự hoàn toàn phù hợp với các nguyên tắc bảo đảm quyền của người dân. Chưa xây dựng được mức sàn an sinh xã hội tối thiểu chung, dựa trên mức sống tối thiểu, gắn với thu nhập tối thiểu và thụ hưởng các dịch vụ xã hội cơ bản. Trong đó, đã tính tới khả năng của ngân sách Nhà nước, chỉ số giá tiêu dùng và khả năng tham gia của người dân thuộc các nhóm xã hội có mức sống khác nhau.
Các chính sách an sinh xã hội được xây dựng chủ yếu vẫn dựa vào khả năng của ngân sách Nhà nước, khả năng huy động nguồn lực từ các nhóm xã hội, sự chia sẻ của xã hội và người dân với Nhà nước là chưa cao. Điều này phản ánh qua những tranh luận liên quan đến việc điều chỉnh mức tăng lương cơ sở, tăng lương tối thiểu vùng, tăng trợ cấp chuẩn nghèo thời gian vừa qua.
Chính phủ đã trình Quốc hội phương án điều chỉnh tăng lương cơ sở và trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng, trợ cấp bảo hiểm xã hội, tăng chi lương hưu. Cùng với đó là các chính sách an sinh xã hội gắn với tiền lương cơ sở từ ngày 1/7/2023. Mục đích để đáp ứng các nhu cầu cấp bách của cuộc sống và giải quyết một phần những vấn đề về lương, thu nhập thấp trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
“Tôi mong muốn rằng, thời gian điều chỉnh lương cơ sở từ ngày 1/1/2023 để đáp ứng được những yêu cầu cấp bách trong thời điểm hiện nay”, ông Lâm Văn Đoan nói.
Bảo đảm cuộc sống tối thiểu cho các nhóm yếu thế
Ông Đoan cũng cho rằng, cần quan tâm, xem xét điều chỉnh mức chuẩn ưu đãi người có công để bảo đảm cao hơn chuẩn nghèo thành thị. Qua rà soát cho thấy gần 15 năm qua, từ năm 2008 đến 2022 có khoảng 11 lần điều chỉnh trợ cấp người có công gắn với điều chỉnh lương cơ sở. Bao giờ mức chuẩn này cũng cao hơn mức lương cơ sở và cũng cao hơn chuẩn nghèo ở thành thị.
Hiện, Chính phủ đang dự kiến mức điều chỉnh này chỉ tăng 20,8% so với mức trợ cấp hiện hành. Như vậy, dự kiến mức chuẩn mới sẽ là hơn 1.900.000 đồng/tháng/ người, thấp hơn khoảng 38.000 đồng/người/tháng, thấp hơn mức chuẩn nghèo ở thành thị là 2 triệu đồng/người/tháng.
Ông Lâm Văn Đoan phân tích, tuy số tiền giảm cho người có công không lớn nhưng vấn đề không phải ở mức tiền trợ cấp, mà quan trọng hơn là bảo đảm tính nhất quán trong điều chỉnh mức chuẩn chính sách này trong tương quan giữa các thời kỳ khác nhau.
Vì chính sách người có công cách mạng luôn là một chính sách ưu tiên cao nhất của Đảng, Nhà nước ta trong các chính sách xã hội. Bảo đảm mức trợ cấp, ưu đãi người có công với cách mạng là mức trợ cấp cao nhất. Phấn đấu đạt mục tiêu 100% người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình ở cộng đồng nơi cư trú như Pháp lệnh ưu đãi người có công đã quy định.
Theo ước tính sơ bộ, nếu điều chỉnh mức trợ cấp người có công tăng lên hơn 2.050.000 đồng/người/tháng. Tức là cao hơn 50.000 đồng/người/tháng so với mức chuẩn nghèo thành thị vào thời điểm thực hiện từ ngày 1/7/2023 thì ước tính sẽ tăng thêm khoảng 730 tỷ đồng so với mức của Chính phủ đang dự kiến.
Ông Đoan cho rằng, cần xem xét điều chỉnh mức chuẩn trợ cấp hàng tháng cho các nhóm đối tượng bảo trợ xã hội tại cộng đồng. Đây là vấn đề thuộc thẩm quyền Chính phủ. Tuy nhiên, hiện nay Nghị định 20 có quy định là mức chuẩn này có 360.000 đồng/1 người/1 tháng và so mức chuẩn nghèo đa chiều chỉ bằng 24% mức chuẩn nghèo khu vực nông thôn và bằng 18% mức chuẩn nghèo ở thành thị.
“Do vậy, đề nghị Chính phủ xem xét điều chỉnh mức trợ cấp này tăng 20,8% so với mức chuẩn hiện hành và thời gian thực hiện cũng bắt đầu từ mùng 1/7/2023 để đảm bảo tương quan đồng bộ giữa các chính sách an sinh xã hội”, ông Đoan nói.
Tổ chức Lao động quốc tế cũng khuyến nghị Việt Nam cần quan tâm xác định mức trợ cấp bảo trợ xã hội thỏa đáng để bảo đảm cuộc sống tối thiểu cho người lao động và gia đình của họ. Đặc biệt quan tâm tới bảo đảm cuộc sống tối thiểu cho các nhóm yếu thế để không ai bị bỏ lại phía sau, làm cho mọi người dân được hưởng lợi từ những thành quả phát triển kinh tế - xã hội.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội đề nghị Chính phủ sớm trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội quan tâm, phân bổ dự toán 700 tỷ đồng vốn sự nghiệp từ ngân sách Trung ương năm 2022 cho chương trình giảm nghèo. Đặc biệt đối với chương trình hỗ trợ nhà ở cho người nghèo cần quan tâm tập trung phân bổ trong hai năm 2023, 2024 để hoàn thành mỗi năm khoảng độ 50% tổng nguồn vốn.