Tăng học phí, học sinh nghèo 'đứng ở đâu'?

GD&TĐ - Thông tin thành phố Hà Nội áp dụng mức thu học phí mới từ năm học 2023 - 2024 đang thu hút sự quan tâm của xã hội.

Học sinh Trường THCS Phong Vân (huyện Ba Vì, Hà Nội) trong giờ học.
Học sinh Trường THCS Phong Vân (huyện Ba Vì, Hà Nội) trong giờ học.

Bên cạnh ý kiến ủng hộ, nhiều người bày tỏ băn khoăn việc tăng học phí sẽ ảnh hưởng đến cơ hội học tập của học sinh nghèo.

Áp dụng mức thu học phí mới

UBND thành phố Hà Nội dự kiến trình HĐND thành phố nghị quyết quy định mức thu học phí mới từ năm học 2023 - 2024 tại Kỳ họp vào tháng 7 tới. Theo đó, học phí với học sinh vùng thành thị là 300.000 đồng một tháng; vùng nông thôn 100.000 - 200.000 đồng, vùng dân tộc thiểu số 50.000 - 100.000 đồng.

Mức này bằng khung học phí mà Hà Nội áp dụng năm học 2022 - 2023. So với mức thu 19.000 - 217.000 đồng của năm học 2021 - 2022, học phí một số bậc học tăng gần gấp đôi. Cụ thể, ở nội thành, học sinh mầm non và THCS phải đóng học phí gần gấp đôi, từ 155.000 đồng lên 300.000 đồng/tháng. Ở xã miền núi, học sinh THPT đóng 100.000 đồng/tháng, tăng hơn bốn lần so với mức cũ; bậc mầm non, THCS có mức đóng tăng khoảng hai lần, từ 19.000 - 24.000 đồng lên 50.000 - 100.000 đồng.

Thời điểm năm 2022, do đời sống người dân còn khó khăn sau hai năm bị ảnh hưởng bởi Covid-19, Hà Nội đã chi ngân sách khoảng 1.133 tỷ đồng để cấp bù phần chênh lệch và hỗ trợ 50% học phí. Do đó, số tiền thực đóng của phụ huynh năm học 2022 - 2023 không tăng so với trước.

Với đề xuất tạm dừng hỗ trợ học phí từ năm học 2023 - 2024, phụ huynh sẽ phải đóng nhiều tiền hơn. Một số ý kiến cho rằng, tăng học phí, dừng hỗ trợ gây khó khăn cho học sinh, nhất là với các em thuộc diện hộ nghèo.

Về vấn đề này, ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội, cho biết: Năm học 2022 - 2023, nhằm chia sẻ với người dân trong bối cảnh có nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Hà Nội đã áp dụng chính sách hỗ trợ mức học phí với học sinh các cấp. Hiện, đời sống người dân thành phố đã ổn; nền kinh tế cũng dần phục hồi. Vì vậy, thành phố dự kiến đề xuất HĐND tạm dừng hỗ trợ học phí từ năm học 2023 - 2024.

Tuy nhiên, thành phố dự kiến đề xuất mức thu học phí năm học 2023 - 2024 bằng mức học phí năm học 2022 - 2023 và bằng mức sàn (mức thấp nhất) trong khung quy định tại Nghị định số 81/2021/NĐ-CP của Chính phủ.

Năm học 2023 - 2024, thành phố tiếp tục áp dụng các chính sách hỗ trợ, bảo đảm mọi học sinh đều được hưởng công bằng trong tiếp cận giáo dục. Cụ thể, học sinh thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo; mồ côi cả cha lẫn mẹ; học sinh khuyết tật và các đối tượng chính sách khác được hưởng chế độ miễn, giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập theo quy định tại Nghị định số 81/2021/NĐ-CP.

Ước tính, tổng số trẻ học mẫu giáo và học sinh phổ thông thuộc đối tượng được miễn, giảm học phí năm học 2023 - 2024 là 16.623 em. Tổng kinh phí thực hiện chế độ miễn, giảm học phí theo mức thu học phí đề xuất dự kiến khoảng 16,6 tỷ đồng.

Ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội.

Ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội.

Tăng học phí có tăng chất lượng giáo dục?

Trước thông tin thành phố Hà Nội dự kiến áp dụng mức thu học phí mới, anh Nguyễn Văn Hiền (quận Đống Đa) nhìn nhận, đây là mức thu phù hợp với thu nhập của người dân trên địa bàn thành phố. “Theo tôi tìm hiểu, lộ trình tăng học phí được áp dụng từ năm ngoái chứ không phải năm nay mới bắt đầu. Tuy nhiên, năm trước do có ngân sách thành phố hỗ trợ nên người dân cảm giác như chưa tăng. Khi học phí tăng, gia đình sẽ mất thêm khoảng 1 triệu đồng để đóng tiền học cho con/năm, đây là khoản tiền có thể chấp nhận được”, anh Hiền nói.

Còn chị Nguyễn Phương Mai (quận Đống Đa) nêu ý kiến: Nhiều người sẵn sàng cho con học tại trường tư với học phí hơn 10 triệu đồng mỗi tháng. Mức học phí trường công so với trường tư rõ ràng thấp hơn rất nhiều. Người dân sẵn sàng đóng học phí cao hơn nhưng đồng thời mong muốn chất lượng giáo dục sẽ được nâng lên.

Giảng dạy ở trường phổ thông thuộc huyện Chương Mỹ, thầy Phùng Đức Tăng chia sẻ: Lương giáo viên hiện nay thấp hơn so với mặt bằng chung trong khi đó yêu cầu đối với ngành GD càng ngày càng nhiều. Tăng học phí phần nào đó sẽ cải thiện đời sống của giáo viên, xây dựng cơ sở vật chất trường lớp. Đây là việc nên làm để nâng cao chất lượng giáo dục.

Bên cạnh ý kiến ủng hộ, vẫn còn nhiều băn khoăn vì những tác động xã hội của việc tăng học phí. Chị Trần Thanh Lam có con học lớp 2 và lớp 6 tại quận Hà Đông chia sẻ: Sau dịch Covid-19, gia đình gặp nhiều khó khăn. Thu nhập giảm hơn trước, trong khi đó giá cả lại leo thang, tiền điện nước cũng tăng. Tăng học phí rõ ràng sẽ thêm gánh nặng cho gia đình.

Vợ chồng chị Nguyễn Thị Nhâm (huyện Đông Anh) đều làm công nhân tại khu công nghiệp với thu nhập bấp bênh, tiền kiếm được hàng tháng chỉ đủ ăn và nuôi con. Việc tăng học phí chắc chắn khiến gia đình gặp khó khăn hơn, bởi gia đình không thuộc diện hộ nghèo nên không nhận được hỗ trợ; con đi học cũng không được hưởng chính sách hỗ trợ học phí.

Theo chuyên gia xã hội học Trịnh Hòa Bình, lộ trình tăng học phí cần đi đôi với nâng cao chất lượng giáo dục mới đủ cơ sở để thuyết phục phụ huynh. Mặt khác, đời sống của nhiều gia đình hiện còn khó khăn do ảnh hưởng từ dịch bệnh, suy thoái kinh tế nên tăng học phí là cần thiết nhưng không nên tăng mạnh, cần có lộ trình và phải đánh giá được tác động xã hội mà nó mang lại.

Trước đó tại cuộc họp ngày 10/5, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu Bộ GD&ĐT đánh giá kỹ tác động để có chính sách học phí phù hợp với khả năng đóng góp, chi trả của người dân; có chính sách hỗ trợ đối tượng khó khăn, yếu thế để không làm ảnh hưởng đến cơ hội tiếp cận giáo dục của nhóm này. Ngân sách Nhà nước đầu tư cho giáo dục sẽ không giảm, nhưng không cào bằng, dàn trải. Với việc thúc đẩy tự chủ, xã hội hóa ở những địa bàn thuận lợi, ngân sách Nhà nước tập trung cho học sinh thuộc diện chính sách, khó khăn, yếu thế.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ