Tuy nhiên, trước thực trạng mua bán giáo án dễ dàng, công khai trên mạng xã hội, rất cần sự kiểm soát chặt chẽ, trước hết từ mỗi nhà trường về chất lượng giáo án, từ đó góp phần bảo đảm chất lượng dạy học.
Có cầu ắt có cung
Kế hoạch giáo dục/giáo án, sáng kiến kinh nghiệm, đến cả bài thu hoạch tập huấn Chương trình GDPT 2018... đang được mua bán, trao đổi công khai trên mạng xã hội. Theo thầy Nguyễn Tiến Dũng, Hiệu trưởng Trường THCS Thụy Liên (Thái Thụy, Thái Bình), do có một bộ phận thầy cô “ngại” soạn bài; bị nhiều công việc khác chi phối, chưa tập trung thời gian cho chuyên môn, nên tìm đến địa chỉ rao bán giáo án mẫu trên mạng.
Giáo viên có thể sử dụng giáo án này để tham khảo; tuy nhiên, thầy Dũng nhấn mạnh, việc bê nguyên xi để giảng dạy là không thể chấp nhận. Lý do, chương trình đổi mới, bài học cập nhật liên tục, giáo án mẫu trôi nổi không thể kiểm chứng về độ chuẩn xác với bài học; không phù hợp với học sinh và văn hoá vùng miền…
Công tác ở vùng khó, nhưng thầy Ksơr Y Chét, Trường Tiểu học - THCS EaTrol (Sông Hinh, Phú Yên) cũng thừa nhận có hiện tượng tìm mua giáo án, dù không nhiều; đặc biệt là giáo án Hoạt động trải nghiệm vì có nhiều chủ đề mới mẻ. “Bản thân không đồng tình với việc làm này vì thầy cô làm chỉ để đối phó với cấp trên khi được kiểm tra, không phải nhằm mục đích nâng cao chuyên môn”, thầy Ksơr Y Chét chia sẻ.
“Việc sử dụng giáo án mua sẽ có 2 mặt. Mặt tích cực là không mất thời gian soạn giảng mà được sử dụng chất xám tương đối ổn để tham khảo. Tuy nhiên, giáo án mua chưa được cơ quan, tổ chức, hội đồng nào thẩm định, kiểm duyệt.
Còn có trường hợp tranh thủ tham gia các hội nhóm, xin giáo án của đồng nghiệp trong nhóm rồi đăng bán, điều này là “ăn cắp chất xám”, gây ra những hệ lụy khôn lường. Nhiều giáo viên coi giáo án mua là kiến thức chuẩn, nên càng “ngại”, “lười” đầu tư nghiên cứu chuyên môn, nâng cao chuyên môn”, cô Vũ Thị Anh cho hay.
Cùng suy nghĩ như thầy Ksơr Y Chét, cô Vũ Thị Anh, Trường THPT Ân Thi (huyện Ân Thi, Hưng Yên) khẳng định “có cầu mới có cung” và cho rằng, một số giáo viên mua giáo án để sử dụng mang tính đối phó khi lãnh đạo nhà trường kiểm tra.
Số khác vì mải mê dạy thêm chuyên đề, dạy quá nhiều, không có thời gian soạn giảng, nên mua để sử dụng, có chỉnh sửa theo ý tưởng cá nhân và nhóm học sinh cụ thể. Cũng có thầy cô do chuyên môn yếu, cập nhật đổi mới chậm, nên nghĩ rằng mua giáo án sử dụng là an toàn nhất, bỏ chút tài chính nhưng không mất thời gian, trí tuệ.
Tương tự, thầy Trang Minh Thiên, Trường THPT Nguyễn Việt Dũng (quận Cái Răng, TP Cần Thơ) cũng bày tỏ băn khoăn khi việc mua bán giáo án dễ dàng và công khai trên mạng xã hội. Trước thực trạng trên, thầy Trang Minh Thiên cho rằng, soạn giáo án với giáo viên là việc làm cần thiết và thường nhật.
Chỉ có người soạn mới nắm được nội dung, tinh thần bài dạy mà mình triển khai ở lớp học như thế nào; từ đó thể hiện hết “cái hồn” của chính mình trên lớp học. Đặc biệt, triển khai Chương GDPT 2018, việc giáo viên tự nghiên cứu sách giáo khoa, biên soạn giáo án để lên lớp đúng tinh thần dạy học theo định hướng phát triển năng lực là yêu cầu vô cùng quan trọng.
Bên cạnh đó, thầy Thiên cho rằng, thầy cô nên tận dụng sức mạnh của cộng đồng chuyên môn ở địa phương hoặc khu vực để cùng xây dựng giáo án. Nhóm 2 đến 4 người cùng nhau soạn giáo án cho một bài, rồi tổng hợp lại để có kho tài liệu chung của cả năm học.
Sau đó, thầy cô tự điều chỉnh lại thành sản phẩm mang dấu ấn của mình khi lên lớp. Điều đó giúp mỗi người có cái nhìn đa chiều hơn về phương pháp, kỹ thuật dạy học của nhiều đồng nghiệp, từ đó phát triển chuyên môn, nâng chất lượng dạy học.
Thầy Trang Minh Thiên và học trò trong giờ học. Ảnh: NVCC |
Vai trò của tổ chuyên môn
Theo thầy Nguyễn Ngọc Sơn, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Ái Mộ (quận Long Biên, Hà Nội), giáo viên có thể tham khảo từ nhiều nguồn khác nhau để xây dựng giáo án, quan trọng là kết quả cuối cùng phải bảo đảm các yêu cầu theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT tại Công văn số 5512. Tất cả giáo án trước khi sử dụng đều phải qua “người gác cổng” là tổ chuyên môn thẩm định, duyệt.
“Có thể nói, quan trọng nhất vẫn là vai trò của tổ chuyên môn. Nếu tổ chuyên môn thả lỏng sẽ không tạo được động lực nâng cao chất lượng đội ngũ; tuy nhiên cũng phải linh hoạt, tránh hình thức, để trở thành đối phó; hướng tới đích cuối cùng là hiệu quả mỗi tiết dạy. Bởi vậy, cũng không cần quá chi tiết về hình thức giáo án. Khi cơ sở vật chất được trang bị đầy đủ, cùng ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin sẽ giúp giáo viên khai thác tốt hơn kế hoạch dạy học/giáo án đã xây dựng”, thầy Sơn chia sẻ.
Chia sẻ giải pháp quản lý của Trường THCS Thụy Liên để hạn chế tình trạng sử dụng giáo án kém chất lượng, điều đầu tiên thầy Nguyễn Tiến Dũng nhấn mạnh là thực hiện đúng quy chế chuyên môn; phân công chuyên môn phù hợp với năng lực, trình độ của giáo viên; tạo mọi điều kiện thuận lợi để giáo viên có thời gian đầu tư cho soạn giáo án, chuẩn bị bài dạy.
Tổ chức giáo viên tham gia đầy đủ các lớp tập huấn, chuyên đề, ngoại khoá để bồi dưỡng, nâng cao chuyên môn. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc soạn giáo án của giáo viên. Tổ chuyên môn duyệt giáo án dạy trước một tuần. Ban giám hiệu cũng thường xuyên kiểm tra giáo án và dự giờ để xem việc sử dụng giáo án vào tiết dạy có đúng, đủ, thống nhất, phù hợp với thực tiễn không.
“Tôi cho rằng, điều quan trọng nhất là thầy cô phải tôn trọng nghề nghiệp của mình. Chính thầy cô phải đổi mới, không ngừng học tập, rèn luyện để nâng cao kỹ năng, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; mà nghiên cứu soạn giáo án chính là hoạt động sáng tạo, rèn luyện quan trọng trong chuyên môn.
Như vậy mới có được các sản phẩm giáo dục thực sự có chất lượng. Thầy cô có thể trao đổi giáo án của mình trong các nhóm cùng chuyên môn, cụm, huyện…; cùng nghiên cứu giáo án để bổ sung, điều chỉnh bài dạy hoàn thiện hơn, bổ khuyết cho nhau nhằm nâng cao hiệu quả tiết học”, thầy Nguyễn Tiến Dũng trao đổi.
Thầy Nguyễn Tiến Dũng cho biết: Giáo viên cần soạn giáo án tỉ mỉ, chính xác, dành tâm sức tìm hiểu, sáng tạo, nghĩ ra “phương án” hay, hỏi đúng, hỏi trúng, mới có thể dạy học đạt kết quả cao. Nếu các thầy cô không nghiêm túc, có trách nhiệm với công việc soạn giảng của mình, thì người chịu thiệt thòi sẽ là học sinh.