Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai Đặng Xuân Thành tham dự hội thảo cùng đại diện Vụ Khoa giáo - Văn xã (Văn phòng Chính phủ), Bộ Nội vụ, Ủy ban Dân tộc, tổ chức quốc tế, lãnh đạo Sở GD&ĐT và giáo viên các trường MN, tiểu học của 8 tỉnh vùng Tây Bắc.
Theo Phó vụ trưởng Vụ GD Tiểu học (Bộ GD&ĐT) Trần Thị Thắm, hiện có khoảng 1 triệu trẻ mầm non và 1,3 triệu trẻ tiểu học là người dân tộc thiểu số tại hơn 50 địa phương trong độ tuổi đến trường.
Nhiều năm qua, Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo các địa phương triển khai thực hiện công tác tăng cường chuẩn bị tiếng Việt cho trẻ là người dân tộc thông qua Hướng dẫn nhiệm vụ năm học.
Tuy nhiên, công tác tăng cường chuẩn bị tiếng Việt cho trẻ vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn gặp nhiều khó khăn khiến nhiều trẻ đến trường trong tình trạng chưa biết nói, chưa hiểu tiếng Việt.
Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa phát biểu tại hội thảo |
Báo cáo đánh giá phát triển trẻ thơ (EDI) thực hiện năm 2014 về mức độ sẵn sàng đi học của trẻ MN 5 tuổi ở Việt Nam cho thấy hơn 1/3 trẻ trong nhóm khảo sát được xác định bị thiếu hụt hoặc có nguy cơ thiếu hụt ít nhất 1 trong 5 lĩnh vực phát triển trở lên. Trẻ dân tộc tiểu số có tỷ lệ thiếu hụt 1 lĩnh vực trở lên cao hơn trẻ không phải là dân tộc thiểu số.
Báo cáo cũng chỉ ra các nhóm đối tượng có tỷ lệ trẻ chưa sẵn sàng đi học tiểu học cao gồm trẻ vùng dân tộc thiểu số, trẻ có hoàn cảnh khó khăn, thuộc các vùng khó khăn hoặc trẻ có mẹ trình độ học vấn thấp.
Theo bà Thắm, tiếng Việt là ngôn ngữ chính thức của quốc gia, được sử dụng trong nhà trường, cơ sở GD khác từ MN đến đại học nên trẻ đi học chưa biết nói, hiểu tiếng Việt gặp nhiều khó khăn trong giao tiếp, tham gia hoạt động GD cũng như tiếp thu kiến thức. Những rào cản về ngôn ngữ trên khiến các em tự ti, học kém dẫn đến bỏ học.
Trước thực trạng trên, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ GD&ĐT xây dựng đề án Tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non, học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số nhằm thực hiện chương trình hành động Chiến lược công tác dân tộc đến năm 2020.
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa cho biết: Ngôn ngữ là phương tiện giao tiếp quan trọng nhất của loài người, được sử dụng như công cụ để phát triển tư duy.
Trong trường học, tiếng Việt là ngôn ngữ chính thức để giao tiếp, dạy học nhưng với trẻ dân tộc thiểu số, tiếng Việt là ngôn ngữ thứ hai sau tiếng mẹ đẻ nên cần phải chuẩn bị tiếng Việt để các em có thể tiếp thu kiến thức, học các kỹ năng, qua đó tạo niềm tin, sự háo hức cho trẻ khi đến trường nhằm nâng cao chất lượng GD, giảm tình trạng đi học không chuyên cần, bỏ học.
Để đề án đi vào cuộc sống, Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa yêu cầu các địa phương, đại biểu phân tích sâu thực trạng từ đó xây dựng mục tiêu, tìm giải pháp, điều kiện để thực hiện phù hợp với bối cảnh điều kiện kinh tế- xã hội hiện nay.
Theo nội dung đề án trên đến năm 2020:
- 100% trẻ MN, học sinh tiểu học dân tộc thiểu số được tăng cường chuẩn bị vốn tiếng Việt phù hợp theo từng độ tuổi để tiếp thu kiến thức và tham gia hiệu quả các hoạt động trong nhà trường và hoạt động giao tiếp trong cuộc sống hàng ngày;
-100% GV trong cơ sở GDMN, tiểu học có trẻ
là người dân tộc được bồi dưỡng về tiếng dân tộc, kỹ năng chuẩn bị và tăng cường tiếng Việt cho trẻ;
-100% nhóm trẻ, lớp mẫu giáo, tiểu học được xây dựng môi trường tăng cường chuẩn bị tiếng Việt tại trường, điểm trường thông qua đầu tư trang thiết bị, đồ chơi, sách, truyện… Hỗ trợ chính sách với trợ giảng, giáo viên dạy lớp ghép đồng thời xây dựng mô hình điểm phù hợp với đặc điểm của mỗi địa phương…