Tăng cường thiết chế quản lý giáo dục đại học

Tăng cường thiết chế quản lý giáo dục đại học

Cần có giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo, nhất là đào tạo ĐH và sau ĐH, tránh tình trạng sinh viên ra trường không xin được việc làm. Đối với các trường ĐH, chú trọng đào tạo căn cứ vào thị trường lao động và việc làm, thực hiện đào tạo theo nhu cầu sử dụng.

Về vấn đề này, Bộ GD&ĐT cho biết: Để nâng cao chất lượng đào tạo, nhất là đào tạo ĐH và sau ĐH, Bộ GD&ĐT đã và đang áp dụng một số giải pháp như sau:

Sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục ĐH, tạo không gian pháp lý mở hơn để cơ sở giáo dục ĐH phát triển về học thuật, nghiên cứu khoa học và các vấn đề liên quan. Ban hành một số văn bản dưới luật tăng cường thiết chế quản lý giáo dục ĐH (Thông tư về mở ngành đào tạo, danh mục đào tạo, đào tạo liên thông…). Đổi mới quản lý Nhà nước theo hướng quy định hệ thống chuẩn chất lượng; quy định về trách nhiệm giải trình, công khai, minh bạch thông tin về điều kiện bảo đảm chất lượng và chất lượng thực tế; tăng cường kiểm định chất lượng, thanh tra, kiểm tra và hoàn thiện hệ thống chế tài, xử lý vi phạm. Xây dựng một số Đề án/Dự án nhằm nâng cao chất lượng đào tạo (Đề án nâng cao chất lượng giáo dục ĐH giai đoạn 2019 - 2025, Đề án nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục ĐH đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo giai đoạn 2019 - 2030).

Kết quả đạt được: 2 ĐHQG của Việt Nam có mặt trong Bảng xếp hạng các cơ sở đào tạo ĐH tốt nhất toàn cầu (Best Global Universities) do Tạp chí của Hoa Kỳ U.S. News & World Report công bố ngày 21/10/2019 (ĐHQG Hà Nội đứng thứ 1.059, ĐHQG TPHCM đứng thứ 1.176). 8 ĐH/trường ĐH nằm trong tốp 500 trường hàng đầu châu Á (Bảng xếp hạng QS Asia 2019 - 2020 cho 550 cơ sở giáo dục ĐH hàng đầu châu Á do Tổ chức giáo dục Quacquarelli Symonds, Vương quốc Anh công bố ngày 27/11/2019). 125 cơ sở giáo dục ĐH, 197 chương trình đào tạo (51 chương trình đánh giá theo tiêu chuẩn trong nước và 146 chương trình đánh giá theo tiêu chuẩn nước ngoài) được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng (số liệu cập nhật đến ngày 31/10/2019).

Về việc các trường ĐH đào tạo căn cứ vào thị trường lao động và việc làm, đào tạo theo nhu cầu sử dụng, Bộ GD&ĐT đã tham mưu cho Chính phủ hoặc chỉ đạo triển khai một số hoạt động, như: Đưa việc hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp vào Luật Giáo dục ĐH (Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ĐH số 34/2018/QH14 có 3 điều quy định liên quan đến vấn đề hợp tác giữa cơ sở giáo dục ĐH và doanh nghiệp.

Chương trình Khoa học Giáo dục cấp quốc gia đang triển khai đề tài: "Nghiên cứu luận cứ, đề xuất mô hình, chính sách nâng cao hiệu quả hợp tác giữa ĐH và doanh nghiệp trong bối cảnh cuộc cách mạng 4.0 ở Việt Nam". Năm 2019, Bộ GD&ĐT đã ban hành Công văn số 3964/BGD&ĐT-GDĐH ngày 3/9/2019 về việc đẩy mạnh hợp tác giữa các cơ sở giáo dục ĐH và doanh nghiệp.

Mặt khác, 4 năm trở lại đây, Bộ GD&ĐT yêu cầu các cơ sở giáo dục ĐH khảo sát tình hình việc làm của sinh viên tốt nghiệp hàng năm theo từng ngành đào tạo và công khai kết quả trên trang thông tin điện tử của cơ sở để người học tham khảo trước khi quyết định chọn ngành học.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ