Tăng cường thanh tra nội bộ đáp ứng xu hướng tự chủ đại học

GD&TĐ - Thanh tra nội bộ giúp sức cho công tác quản lý của hiệu trưởng, bảo đảm trách nhiệm giải trình trước xã hội của nhà trường.

Ông Nguyễn Đức Cường, Chánh Thanh tra Bộ GD&ĐT phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Mạnh Tùng
Ông Nguyễn Đức Cường, Chánh Thanh tra Bộ GD&ĐT phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Mạnh Tùng

Sáng 30/11, Trường Đại học Luật TPHCM phối hợp với Thanh tra Bộ GD&ĐT tổ chức hội thảo khoa học “Thanh tra nội bộ tại các cơ sở giáo dục đại học công lập trong bối cảnh tự chủ đại học”.

Hội thảo nhằm thực hiện Hướng dẫn số 5360/BGDĐT- TTra ngày 29/9/2023 của Bộ GD&ĐT về việc hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra nội bộ đối với các cơ sở đào tạo, triển khai thi hành Luật Thanh tra 2022 và các văn bản hướng dẫn thi hành liên quan đến hoạt động thanh tra nội bộ.

Vai trò ngày càng quan trọng

Theo ông Nguyễn Đức Cường, Chánh Thanh tra Bộ GD&ĐT, tự chủ giáo dục đại học là một xu hướng tất yếu, đang diễn rất mạnh mẽ. Điều này đòi hỏi các trường đại học công lập phải có những bước chuyển mình toàn diện ở các khía cạnh tự chủ tổ chức, nhân sự, tài chính và học thuật.

Luật sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục đại học và Nghị định số 99/2019/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của luật này có những quy định nhằm xác lập rõ ràng về điều kiện để thực hiện quyền tự chủ tại các cơ sở giáo dục đại học cũng như các nội dung của quyền tự chủ.

Khi các cơ sở giáo dục đại học thực hiện quyền tự chủ, công tác thanh tra nội bộ tại càng quan trọng. Đây là một khâu thiết yếu, phục vụ đắc lực cho công tác quản lý của hiệu trưởng, góp phần bảo đảm trách nhiệm giải trình trước xã hội về hoạt động của nhà trường.

Các đại biểu hội thảo khoa học “Thanh tra nội bộ tại các cơ sở giáo dục đại học công lập trong bối cảnh tự chủ đại học”. Ảnh: Mạnh Tùng

Các đại biểu hội thảo khoa học “Thanh tra nội bộ tại các cơ sở giáo dục đại học công lập trong bối cảnh tự chủ đại học”. Ảnh: Mạnh Tùng

Cũng theo ông Nguyễn Đức Cường, Bộ GD&ĐT đã có Chỉ thị 1048/CT-BGDĐT ngày 28/4/2020 về tăng cường công tác thanh tra giáo dục đáp ứng yêu cầu giáo dục phổ thông và tự chủ đại học. Ngoài ra, Luật Thanh tra năm 2022 có hiệu lực từ ngày 1/7/2023.

Việc này khẳng định sự tồn tại, địa vị pháp lý của thanh tra nội bộ tại các đơn vị sự nghiệp công lập cũng như trách nhiệm của thủ trưởng các đơn vị trong việc tổ chức, chỉ đạo hoạt động thanh tra nội bộ tại các đơn vị này.

"Thanh tra Bộ GD&ĐT luôn coi trọng hoạt động thanh tra nội bộ tại các trường và sẽ luôn đồng hành, hỗ trợ cùng các trường trong quá trình thực hiện trách nhiệm giải trình trước xã hội", Chánh Thanh tra Bộ GD&ĐT khẳng định.

TS Lê Trường Sơn, Hiệu trưởng Trường Đại học Luật TPHCM phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Mạnh Tùng

TS Lê Trường Sơn, Hiệu trưởng Trường Đại học Luật TPHCM phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Mạnh Tùng

Cùng nhận định về xu hướng tất yếu của tự chủ đại học, TS Lê Trường Sơn, Hiệu trưởng Trường Đại học Luật TPHCM cho rằng, khi được pháp luật trao quyền tự chủ, các trường đồng thời có trách nhiệm giải trình với xã hội.

"Vì lẽ đó, đi đôi với việc trao được trao quyền một cách mạnh mẽ, phân cấp và phân quyền thì thanh tra nội bộ tại các cơ sở giáo dục đại học đóng vai trò quan trọng”, ông Lê Trường Sơn nói.

Tăng nguồn lực cho thanh tra nội bộ

Tham luận tại hội thảo, ThS.NCS Nguyễn Tú Anh, Phó Trưởng Phòng Thanh tra, Giảng viên Khoa Luật Hành chính - Nhà nước, Trường Đại học Luật TPHCM cho rằng, trong một thời gian dài, vai trò, vị trí của tổ chức và hoạt động thanh tra nội bộ mờ nhạt, chưa được khẳng định. Mặc dù, trong một số lĩnh vực chuyên ngành, tổ chức và hoạt động thanh tra nội bộ đã tồn tại trước đó từ rất lâu như y tế, xây dựng, đặc biệt là giáo dục và đào tạo.

Theo bà Nguyễn Tú Anh, nếu chỉ nhận thức được tầm quan trọng và tính thiết yếu cho việc tồn tại thiết chế thanh tra nội bộ tại các cơ sở giáo dục đại học công lập là chưa đủ. Bởi chỉ tồn tại mà hoạt động của thanh tra nội bộ không hiệu quả, không đúng chức năng cũng sẽ không mang lại hiệu quả.

Do đó, việc nhận thức phải song hành với việc quy định cho bộ phận thanh tra nội bộ với những chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn; đảm bảo pháp lý cho tổ chức và hoạt động của thiết chế này tương xứng với vị trí của nó.

Toàn cảnh hội thảo “Thanh tra nội bộ tại các cơ sở giáo dục đại học công lập trong bối cảnh tự chủ đại học”. Ảnh: Mạnh Tùng

Toàn cảnh hội thảo “Thanh tra nội bộ tại các cơ sở giáo dục đại học công lập trong bối cảnh tự chủ đại học”. Ảnh: Mạnh Tùng

Ông Lê Văn Vương, Trưởng phòng Phòng thanh tra hành chính, Thanh tra Bộ GD&ĐT thông tin, việc bố trí nguồn nhân lực cho bộ phận thanh tra nội bộ ở nhiều trường đại học chưa tương xứng với nhiệm vụ được giao.

Số viên chức thanh tra nội bộ còn yếu về nghiệp vụ. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến công tác thanh tra nội bộ của một số đơn vị chưa phát huy hết hiệu quả.

Ông Lê Văn Vương kiến nghị, cần cơ cấu, tổ chức bộ máy, bố trí cán bộ thanh tra phù hợp, hạn chế lồng ghép với các nhiệm vụ chuyên môn khác với thanh tra để đảm bảo tính độc lập trong quá trình thanh tra và giải quyết công việc.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ