Đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh Nguyễn Thành Tâm phát biểu ý kiến |
Tại kỳ họp thứ 6 đang diễn ra, các đại biểu Quốc hội đã đóng góp nhiều ý kiến về việc cơ cấu lại danh mục và cơ chế phân bổ vốn các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2011 - 2015; góp ý về phương án phát hành trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2014 - 2016.
Tập trung vốn trái phiếu Chính phủ cho những dự án quan trọng, công trình dở dang
Thảo luận về phương án phát hành bổ sung và sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2014-2016, các đại biểu thống nhất ưu tiên đầu tư cho các dự án thuộc công trình mở rộng Quốc lộ 1A và thi công Quốc lộ 14.
Nhiều ý kiến đề nghị Chính phủ chỉ đạo rà soát lại tổng mức đầu tư của từng dự án cụ thể, điều chỉnh thiết kế, dự toán, cắt giảm phần dự phòng không hợp lý ở nhiều dự án, tiểu dự án, đặc biệt các dự án bố trí dự phòng lên đến gần 50% tổng giá trị xây lắp. Đồng thời, phải bảo đảm về tiến độ, thời gian thực hiện và chất lượng của dự án, không để phát sinh làm tăng tổng mức đầu tư.
Nguồn kinh phí này cũng cần được tập trung cho các dự án dở dang, thiếu vốn, có khả năng hoàn thành trong năm 2014, 2015; trong đó, ưu tiên cho các dự án bệnh viện, thủy lợi quan trọng có tác động lớn đến phát triển kinh tế của cả vùng và địa phương.
Tán thành với việc phân bổ phương án sử dụng phát hành trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2014-2016 vào dự án thi công mở rộng Quốc lộ 1A, dự án Quốc lộ 14, vì cho rằng đây là những tuyến đường huyết mạch, có ý nghĩa quan trọng phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, đại biểu Lê Văn Học (Lâm Đồng) đề nghị cần có nhiều biện pháp tiết kiệm chi.
Chính phủ cần tổ chức khảo sát lại phương án thiết kế, thi công; không nên để kinh phí dự phòng cao ở mức 50%. Tính toán lại mật độ các trạm thu phí và có phương án xử lý trong trường hợp các chủ dự án BOT thiếu vốn không đảm bảo được tiến độ cùng với các dự án sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ.
Đặc biệt cần kiểm tra lại cách tính toán chi phí, nhân công, vật liệu… theo hướng cắt bỏ các hạng mục phụ trợ không cần thiết; loại bỏ chi phí lễ tiết như khánh thành, hợp long các đoạn thi công trong tổng thể dự án. Cố gắng cắt giảm 10-15% tổng chi phí cho dự án này, đại biểu Học kiến nghị.
Dành 7 phút phát biểu để phân tích nguyên nhân dẫn đến tình trạng thâm hụt ngân sách, nguyên nhân tăng bội chi ngân sách nhà nước, đại biểu Trần Du Lịch (Thành phố Hồ Chí Minh) ví von việc thu chi ngân sách Nhà nước đang ở trong tình trạng “giật gấu, bá vai.”
Theo chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch, nguyên nhân dẫn đến bội chi ngân sách nhà nước có những yếu tố tích cực như nỗ lực đầu tư, đẩy nhanh xây dựng kết cấu hạ tầng xã hội; đầu tư đảm bảo an sinh xã hội, giảm khoảng cách giàu nghèo cũng là những nguyên nhân dẫn đến bội chi ngân sách.
Tuy nhiên, chính những yếu tố như duy trì quá lâu cơ chế thu chi ngân sách không rạch ròi giữa trung ương, địa phương; “vung tay quá trán” trong chi tiêu, nới rộng quá lớn, làm “phình” bộ máy Nhà nước đã làm quá tải ngân sách. Việc chấp hành kỷ cương, kỷ luật trong thu chi ngân sách kém, thất thoát lớn trong xây dựng cơ bản đã góp phần làm tăng bội chi ngân sách nhà nước.
Ông Trần Du Lịch hoan nghênh những động thái kiên quyết của lãnh đạo ngành Giao thông Vận tải trong tiết kiệm, cắt giảm những khoản chi không cần thiết, không hợp lý trong đầu tư xây dựng cơ bản, tiết kiệm cho ngân sách nhà nước. Cần kiểm soát chặt chẽ vấn đề chi tiêu công nhất là trong xây dựng trụ sở, mua sắm trang thiết bị; coi đây là chi tiêu dùng chứ phải đầu tư công, ông Lịch nói.
Ủng hộ đề nghị tăng trần bội chi của Chính phủ, đại biểu Trần Du Lịch cũng kiến nghị Nhà nước cần tiến hành mạnh mẽ việc thoái vốn ở các lĩnh vực không cần thiết; đẩy mạnh cổ phần hóa các tập đoàn, tổng công ty để thu vốn tập trung cho các công trình xây dựng cơ sở hạ tầng; chỉ nên duy trì doanh nghiệp đối với những lĩnh vực quốc phòng, an ninh và một số lĩnh vực ngành then chốt, trọng điểm.
Bức xúc trước việc thất thu ngân sách nhà nước năm 2013, đại biểu Trần Quang Chiểu (Nam Định) kiến nghị làm rõ trách nhiệm trong quản lý nhà nước. Đại biểu thẳng thắn đề nghị ngành tài chính cần mạnh dạn nhận trách nhiệm do yếu kém trong tổ chức, điều hành làm giảm thu ngân sách Nhà nước.
Đại biểu đề nghị Quốc hội tăng mức vốn đầu tư cho khoa học công nghệ, giáo dục. Đại biểu Chiểu đề nghị Chính phủ khẩn trương hoàn thiện chính sách tài khóa phù hợp hơn, giảm bội chi ngân sách, đảm bảo an toàn nền tài chính quốc gia, “để đời sau không nói rằng họ chỉ lo làm trả các khoản nợ do chúng ta để lại.”
Chỉ rõ những ảnh hưởng lớn dẫn đến thất thu nhiều tỷ đồng cho ngân sách, đại biểu Chiểu kiến nghị tăng cường hơn nữa các hoạt động điều tra, làm rõ các hành vi gian lận, chuyển giá; điều chỉnh chế tài xử lý theo hướng phạt thật nặng; “phải coi hành động này là hành vi lừa đảo, gian lận, trốn thuế” và thu giữ toàn bộ số tiền phát hiện.
Kết thúc ý kiến của mình với nhận định “thu ngân sách năm 2013 là một năm buồn,” đại biểu Trần Quang Chiểu hy vọng “năm 2014 sẽ hết buồn.”
Cơ cấu lại danh mục và cơ chế thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia
Đánh giá kết quả 3 năm triển khai các Chương trình mục tiêu quốc gia (2011-2013), một số ý kiến cho rằng mặc dù có nhiều cố gắng nhưng kết quả huy động vốn đạt thấp, khả năng huy động không đạt nguồn lực đầu tư cần thiết theo Nghị quyết của Quốc hội, dẫn tới nhiều chương trình mục tiêu quốc gia khó đạt được mục tiêu của cả giai đoạn 2011-2015.
Chất lượng và hiệu quả thực hiện ở một số chương trình chưa cao, tính bền vững còn hạn chế. Phân bổ và giao vốn chậm, hiệu quả sử dụng vốn ở một số chương trình mục tiêu quốc gia tại một số địa phương còn thấp, chuyển nguồn lớn, có biểu hiện thất thoát, lãng phí. Các chương trình mục tiêu quốc gia thiếu tính lồng ghép, nội dung còn trùng lắp với nhau và trùng lắp với các chương trình hỗ trợ có mục tiêu khác của Trung ương.
Một số ý kiến đề nghị trong năm 2014-2015, do khó khăn về nguồn vốn, đề nghị chỉ tập trung bố trí vốn cho Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững, Chương trình mục tiêu quốc gia Việc làm và dạy nghề, Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới và 2 chương trình đã có cam kết cụ thể với nhà tài trợ quốc tế là Chương trình mục tiêu quốc gia Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, Chương trình mục tiêu quốc gia Ứng phó với biến đổi khí hậu.
Đại biểu Hà Sơn Nhin (Gia Lai) cho rằng đã đạt được một số kết quả tích cực như mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ của một số chương trình cơ bản hoàn thành, góp phần phát triển kinh tế-xã hội; nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần, chăm sóc sức khỏe của nhân dân, đặc biệt ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo; góp phần từng bước thay đổi diện mạo của nông thôn; đóng góp quan trọng vào việc thực hiện mục tiêu ổn định vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, xóa đói, giảm nghèo.
Tuy nhiên, đại biểu cũng nhìn nhận, do hiện có quá nhiều Chương trình mục tiêu quốc gia cùng lúc được triển khai dẫn đến những khó khăn cho địa phương trong chỉ đạo, thực hiện.
Bên cạnh đó, danh sách tuy nhiều nhưng nguồn lực ít, thiếu tập trung, dàn trải dẫn đến hiệu quả thấp; cơ chế quản lý nhiều cấp, nhiều ngành còn rất bất cập, gây nên hệ lụy kéo dài tiến độ và thời gian triển khai các dự án thành phần.
Đại biểu kiến nghị, nên thu hẹp danh mục các Chương trình mục tiêu quốc gia, chỉ để lại những chương trình cần thiết, đổi mới cơ chế phân bổ, giao vốn để đảm bảo triển khai hiệu quả trong thực tế.
Cũng đề nghị cơ cấu lại số lượng các Chương trình mục tiêu quốc gia, đại biểu Phùng Đức Tiến (Hà Nam) kiến nghị cần xây dựng các Chương trình mục tiêu quốc gia căn cứ vào vùng mục tiêu, vùng lan tỏa, để có ý nghĩa thực tế hơn. Bên cạnh đó, cần rà soát các khoản chi, đảm bảo chi hiệu quả, tránh dàn trải, lãng phí.
Theo TTXVN