Tăng cường quản lý trong thẩm định giá

GD&TĐ - Những sai phạm gần đây liên quan đến hoạt động thẩm định giá, chất lượng thẩm định viên cho thấy, nếu không chấn chỉnh sẽ trở thành 'ung nhọt'.

Sai phạm trong thẩm định giá tài sản cần chế tài đủ mạnh để xử lý nghiêm. Ảnh minh họa.
Sai phạm trong thẩm định giá tài sản cần chế tài đủ mạnh để xử lý nghiêm. Ảnh minh họa.

Những sai phạm gần đây liên quan đến hoạt động thẩm định giá, chất lượng thẩm định viên cho thấy, nếu không chấn chỉnh sẽ trở thành “ung nhọt”, làm méo mó về giá trong các giao dịch kinh tế và tiếp tay cho sai phạm…

Sai phạm từ thẩm định giá

Thẩm định giá là khâu quan trọng trong các hoạt động đấu thầu, đấu giá, cổ phần hóa. Song, nhìn nhận từ các vụ việc gần đây liên quan đến hoạt động mua sắm các thiết bị y tế, đấu giá quyền sử dụng đất… cho thấy, nhiều trường hợp thẩm định viên và tổ chức thẩm định giá vẫn có thể lợi dụng những kẽ hở của pháp luật để xác định mức giá cao hoặc thấp nhằm nâng khống hoặc dìm giá tài sản tùy theo lợi ích của các cá nhân, đơn vị liên quan.

Gần đây nhất có thể kể đến vụ đại án Công ty Việt Á. Đây là vụ án điển hình gây chấn động với 95 bị can bị khởi tố gắn với nhiều CDC các tỉnh, thành. Cùng đó, hàng loạt doanh nghiệp thẩm định giá “tiếp tay” nâng khống giá kit test gây thất thoát ngân sách Nhà nước như: Công ty TNHH thẩm định giá Tây Nam, Công ty Cổ phần thẩm định giá BTC VALUE - chi nhánh Đà Nẵng…

Hay vụ án cổ phần hóa Tổng Công ty cổ phần sản xuất và xuất nhập khẩu Bình Dương (mã chứng khóan: PRT) xảy ra tại tỉnh Bình Dương, Công ty Cổ phần tư vấn và thẩm định giá Đông Nam “tiếp tay” để loại trừ 145 ha “đất vàng” ra khỏi giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa khiến Nhà nước thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng.

Theo thống kê, từ năm 2013 đến nay, Bộ Tài chính liên tục tổ chức các đợt thanh, kiểm tra doanh nghiệp thẩm định giá.

Cụ thể, năm 2013 kiểm tra 15 doanh nghiệp và 3 chi nhánh; năm 2015 kiểm tra 39 doanh nghiệp; năm 2016 kiểm tra 40 doanh nghiệp và thanh tra 2 doanh nghiệp; năm 2020 kiểm tra 58 doanh nghiệp.

Chưa kể, Bộ Tài chính cũng chủ động tiến hành kiểm tra đột xuất hoặc đưa vào danh sách kiểm tra trong năm kế tiếp đối với các doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm.

Song song với đó là công tác giám sát, kiểm tra hàng năm, thanh tra phát hiện và xử phạt hành chính với các doanh nghiệp có hành vi vi phạm pháp luật về thẩm định giá và được công khai. Cụ thể, năm 2014 xử phạt 5 doanh nghiệp; năm 2015 xử phạt 5 doanh nghiệp; năm 2019 xử phạt 15 doanh nghiệp...

Thế nhưng, số lượng doanh nghiệp bị thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thẩm định giá cũng tăng “nóng” gần đây, đặc biệt từ sau khi Nghị định số 12/2021/NĐ-CP có hiệu lực.

Tăng cường kiểm tra, giám sát

Mặc dù quy định về pháp luật khá rõ ràng, phương pháp thẩm định giá tài sản có những tiêu chí cụ thể, cơ quan quản lý chặt chẽ, nhưng trước những sai phạm vẫn “nở rộ”.

Về vấn đề này, các chuyên gia pháp lý cho rằng, cần phải rà soát lại để hoàn thiện quản lý Nhà nước về thẩm định giá theo hướng sâu sát hơn đối với điều kiện hoạt động và hành nghề của các doanh nghiệp, các thẩm định viên về giá…

Ngày 19/5, Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) có văn bản yêu cầu các doanh nghiệp, các thẩm định viên hành nghề trong quá trình cung cấp dịch vụ cần tuân thủ nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật về thẩm định giá, Hệ thống Tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam và các văn bản pháp luật liên quan khác.

Trong quá trình hoạt động thẩm định giá, doanh nghiệp và thẩm định viên về giá phải đảm bảo thực hiện đúng quy trình, các quy định về các cách tiếp cận và phương pháp trong thẩm định giá; tuân thủ nghiêm túc và đầy đủ các tiêu chuẩn chuyên môn, giữ vững tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp thẩm định giá.

Doanh nghiệp thẩm định giá và thẩm định viên về giá phải thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ được quy định tại Điều 37, Điều 42 của Luật Giá. Bên cạnh đó, kịp thời báo cáo với Bộ Tài chính khi có thay đổi về nội dung đăng ký hành nghề thẩm định giá hoặc điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá, điều chỉnh thẩm định viên về giá đăng ký hành nghề; cũng như khi có thay đổi khác theo quy định.

Nếu doanh nghiệp thẩm định giá đang trong thời gian không bảo đảm một trong các điều kiện tương ứng loại hình doanh nghiệp quy định tại các Khoản 1, Khoản 2, Khoản 3, Khoản 4 và Khoản 5 Điều 39 của Luật Giá nhưng chưa bị đình chỉ hoạt động thẩm định giá thì không được ký kết hợp đồng thẩm định giá.

Bên cạnh đó, cơ quan chức năng yêu cầu các doanh nghiệp thẩm định giá ban hành quy định và nghiêm túc thực hiện về kiểm soát chất lượng thẩm định giá nội bộ của doanh nghiệp; thường xuyên tổ chức đánh giá chất lượng hoạt động thẩm định giá của doanh nghiệp, kịp thời phát hiện và khắc phục ngay những sai sót trong quá trình thẩm định.

Cơ quan tài chính phải chủ động trong việc thu thập thông tin và xây dựng cơ sở dữ liệu về giá của doanh nghiệp và kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia về giá; thực hiện lưu trữ hồ sơ đầy đủ theo quy định tại Tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam số 06.

Vì lĩnh vực thẩm định giá liên tục có những thay đổi, nhất là hệ thống pháp luật đang được sửa đổi và hoàn thiện nên Bộ Tài chính yêu cầu các doanh nghiệp và các thẩm định viên cần chủ động cập nhật thường xuyên văn bản pháp luật và kiến thức chuyên môn về thẩm định giá.

Đồng thời, các thẩm định viên cần tham gia đầy đủ, nghiêm túc các khóa học cập nhật kiến thức chuyên môn về thẩm định giá do các đơn vị được phép tổ chức nhằm nâng cao nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp, cũng như đảm bảo đủ điều kiện đăng ký hành nghề.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ