Ngày 20/5, tại TPHCM, Phân hiệu Học viện Phụ nữ Việt Nam tổ chức Hội thảo Khoa học Quốc gia với chủ đề “Tiếp cận liên ngành trong phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống ở vùng dân tộc thiểu số – vì tương lai của trẻ em”.
Hội thảo sự tham gia của 100 đại biểu đến từ nhiều trường đại học, viện nghiên cứu, các tổ chức phi chính phủ, lãnh đạo và cán bộ Hội Liên hiệp Phụ nữ của 18 tỉnh/thành phía Nam, cùng với già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng, học sinh dân tộc thiểu số và phụ huynh.

Các đại biểu tham dự hội thảo.
Phát biểu tại hội thảo, bà Nguyễn Thị Thu Hương – Giám đốc Phân hiệu Học viện Phụ nữ Việt Nam cho biết, đây là một trong các hoạt động thuộc Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em”, nằm trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Bà Hương đánh giá, tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống là 2 hiện tượng xã hội nghiêm trọng, tồn tại dai dẳng trong nhiều cộng đồng dân tộc thiểu số ở Việt Nam. Tình trạng này gây ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng dân số, quyền trẻ em, sự phát triển kinh tế – xã hội và bình đẳng giới.
“Những hủ tục này không chỉ làm gián đoạn quá trình học tập, hạn chế cơ hội phát triển của trẻ em gái mà còn để lại hệ lụy lâu dài về sức khỏe sinh sản, tăng nguy cơ trẻ khuyết tật, tử vong mẹ và trẻ sơ sinh, vòng xoáy nghèo đói, và sự tái sản sinh bất bình đẳng thế hệ”, bà Hương nói.
Theo Giám đốc Phân hiệu Học viện Phụ nữ Việt Nam, những năm qua, Việt Nam có nhiều nỗ lực để phòng, chống nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống nhưng nếu so sánh với mục tiêu của Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2015 - 2025” là giảm 2 đến 3 điểm phần trăm/năm.
“Kết quả thực hiện ở nhiều nơi chưa đạt. Điều đó cho thấy vấn đề này không thể giải quyết bằng cách tiếp cận đơn ngành, hay bằng những giải pháp tuyên truyền đơn lẻ. Thay vào đó, cần có một chiến lược can thiệp tổng thể, liên ngành, mang tính hệ thống và lâu dài”, bà Hương khẳng định.

Bà Nguyễn Thị Oanh - Phó Giám đốc Phân hiệu Học viện Phụ nữ Việt Nam trình bày tại hội thảo.
Hội thảo còn là nơi chia sẻ những nghiên cứu mới nhất, trao đổi kinh nghiệm thực tiễn, nhận diện những khó khăn trong quá trình thực hiện. Từ đó, đưa ra các kiến nghị, sáng kiến hiệu quả nhằm phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống một cách liên ngành, đồng bộ và có chiều sâu.
Đáng chú ý, hội thảo là nền tảng để quy tụ hợp các nguồn tri thức từ 5 lĩnh vực chủ yếu, đóng góp vào việc xây dựng các chiến lược phòng chống hiệu quả, đồng bộ và dài hạn.