Dự hội nghị có đại diện các Bộ: Công an, Văn hóa Thể thao và Du lịch, Quốc phòng, Y tế, Công thương, Tài chính, khoa học và Công nghệ; đại diện Công đoàn Giáo dục Việt Nam; Cục Nhà trường Bộ Quốc phòng; lãnh đạo các đơn vị chức năng của Bộ GD&ĐT; đại diện lãnh đạo các cơ sở giáo dục đại học.
Với chủ đề “Tăng cường nguồn lực đầu tư bứt phá, nâng cao chất lượng giáo dục đại học”, Hội nghị là dịp để nhìn nhận, đánh giá kết quả triển khai thực hiện nhiệm vụ năm học 2023 - 2024 đối với giáo dục đại học, cao đẳng sư phạm; trên cơ sở đó thống nhất đề xuất nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm cho năm học 2024 – 2025, góp phần thực hiện hiệu quả đổi mới giáo dục và đào tạo, hướng tới thực hiện thành công các mục tiêu về giáo dục và đào tạo được đề ra tại các Nghị quyết của Đảng; Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025, Chương trình hành động của Chính phủ nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Tự chủ đại học đi vào chiều sâu và thực chất
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nhận định: Năm học 2023 - 2024 diễn ra trong bối cảnh các hoạt động kinh tế - xã hội của thế giới và trong nước đã có những chuyển biến tích cực; đặc biệt sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, nhất là chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo đã có tác động không nhỏ đối với sự phát triển của giáo dục và đào tạo.
Đây cũng là năm học toàn ngành Giáo dục triển khai tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 29 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Với sự quan tâm của các cấp lãnh đạo; sự chia sẻ, ủng hộ của các tầng lớp nhân dân; sự tâm huyết, trách nhiệm của đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục; sự quyết liệt, chủ động của lãnh đạo các cơ sở đào tạo đã mang lại cho các cơ sở đào tạo được một số kết quả đáng ghi nhận.
Cụ thể, đã từng bước đổi mới tư duy, nhận thức, nâng cao năng lực quản trị đại học, tháo gỡ các điểm nghẽn, khai thông các nguồn lực, đẩy mạnh triển khai tự chủ đại học đi vào chiều sâu và thực chất, gắn với mục tiêu nâng cao chất lượng và tối ưu hóa hiệu quả hoạt động của các cơ sở đào tạo, tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước đối với GDĐH.
Đã triển khai toàn diện các giải pháp bảo đảm chất lượng trong tuyển sinh, đào tạo, nghiên cứu khoa học; gắn kết chặt chẽ nhiệm vụ phát triển nguồn nhân lực với phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Đã có nhiều giải pháp huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực tài chính cho đào tạo và nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo; tăng cường hợp tác, khai thác các nguồn lực từ bên ngoài cho GDĐH.
Đã chủ động tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong toàn bộ hoạt động GDĐH, từ hệ thống quản lý, tuyển sinh, đào tạo, đổi mới phương pháp dạy và học, lấy tiến bộ của người học làm thước đo cho chất lượng, hiệu quả giảng dạy.
Với kết quả này đã góp phần nâng cao hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành và chất lượng đào tạo của cơ sở đào tạo để hoàn thành các nhiệm vụ được giao trong Kế hoạch năm học 2023 - 2024.
Một số tồn tại, hạn chế
Tuy nhiên, Thứ trưởng cũng nhìn nhận, việc triển khai thực hiện kế hoạch năm học 2023 - 2024 về giáo dục đại học, cao đẳng sư phạm vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như:
Việc thực hiện tự chủ đại học theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học và Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học ở một số cơ sở đào tạo còn chậm, lúng túng, nhất là vấn đề thành lập, kiện toàn hội đồng trường, quan hệ phối hợp giữa hội đồng trường với ban giám hiệu tại một số đơn vị.
Việc triển khai thực hiện một số văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và của Bộ GDĐT còn lúng túng, đặc biệt là việc triển khai Nghị định số 116/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020 của Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm. Nhiều địa phương chưa nhận thức đúng quyền và trách nhiệm của mình trong việc triển khai nhiệm vụ này.
Việc kiểm định chất lượng, thực hiện theo chuẩn chương trình đào tạo triển khai còn chậm; hoạt động nghiên cứu khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo còn hạn chế; việc thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số tuy đã tích cực triển khai nhưng chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn; công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát chưa phát huy hết theo chức năng, nhiệm vụ được giao.
Tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ tăng chậm, chưa đồng đều giữa các ở sở giáo dục đại học; công tác tuyển sinh mặc dù đã có nhiều đổi mới, nhưng việc cho phép các cơ sở đào tạo thực hiện tuyển sinh theo nhiều phương thức cũng gây khó khăn cho thí sinh trong quá trình lựa chọn; phương thức xét tuyển sớm chưa thực sự bảo đảm độ tin cậy, khách quan, công bằng cho các thí sinh và giữa các cơ sở đào tạo.
Nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế
Tại Hội nghị, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học Nguyễn Thu Thủy đã báo cáo kết quả năm học 2023-2024 và đề xuất triển khai các nhiệm vụ trọng tâm năm học 2024-2025 khối giáo dục đại học. Trong đó nêu rõ các kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế và phân tích nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế.
Trong đó, về nguyên nhân những tồn tại, hạn chế của giáo dục đại học, bà Nguyễn Thu Thủy cho biết: Các đơn vị sự nghiệp công lập đang chịu sự điều chỉnh trực tiếp của Luật Giáo dục, Luật GDĐH, Luật Khoa học và Công nghệ, Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư công, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Xây dựng, Luật Đất đai, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Viên chức và các luật về thuế, tài chính; các nghị định của Chính phủ và rất nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác,...
Trên thực tế, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật vẫn còn có những quy định chưa theo kịp với quá trình vận hành của các đơn vị được giao tự chủ dẫn đến khó khăn khi triển khai thực hiện.
Ngân sách chi thường xuyên hàng năm tiếp tục cắt giảm gây khó khăn cho các đơn vị trong đảm bảo chất lượng đào tạo. Mức thu học phí vẫn chưa thể thực hiện lộ trình tính đủ chi phí đào tạo do áp lực cạnh tranh trong tuyển sinh. Đồng thời, tăng học phí sẽ ảnh hưởng đến an sinh xã hội, nên các trường vẫn đưa ra mức học phí chưa tính đủ chi phí...
Ngân sách cấp hạn chế, cơ bản chỉ đáp ứng chi tiền lương và chi thường xuyên, nguồn chi hoạt động chuyên môn thấp, không có kinh phí tăng cường nâng cao chất lượng đào tạo, cũng không còn chênh lệch thu chi để tăng thu nhập cho giảng viên, cán bộ quản lý giáo dục để thúc đẩy đổi mới sáng tạo.
Các khoản thu hoạt động dịch vụ GD-ĐT chủ yếu để bù đắp chi phí tạo lập nguồn thu nên cũng không còn chênh lệch nhiều để bổ sung Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp để cải tạo cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị giảng dạy,...
Thực hiện tự chủ nhưng chưa thực sự gắn với việc tự chịu trách nhiệm giải trình xã hội về chất lượng đào tạo, chuẩn đầu ra. Một số trường chưa đủ năng lực và thiếu sự sẵn sàng nên lúng túng trong thực hiện, không dám đổi mới. Một số cơ sở còn dựa vào lợi thế ngành, dựa vào đội ngũ giảng viên ngoài cơ hữu để xác định chỉ tiêu nhằm tăng chỉ tiêu tuyển sinh, chưa chú trọng đúng mức đến nâng cao chất lượng đào tạo là mục đích chính của tự chủ ĐH. Năng lực quản lý, quản trị cơ sở vật chất của một số đơn vị còn hạn chế…
Học hàm, học vị | Năm 2022 | Năm 2023 | Năm 2024 |
GS.TS | 760 | 711 | 743 |
PGS.TS | 5.331 | 5.292 | 5.629 |
TS | 21.170 | 22.230 | 23.776 |
ThS | 51.302 | 52.392 | 53.412 |
ĐH | 6.175 | 6.551 | 6.105 |
Khác | 1.310 | 1.201 | 1.632 |
Tổng | 86.048 | 88.377 | 91.297 |
(số lượng đội ngũ giảng viên toàn thời gian trong 3 năm gần đây. Nguồn: Số liệu từ Hệ thống HEMIS do các cơ sở đào tạo kê khai).
Một số nhiệm vụ trọng tâm, đột phá
Đề xuất triển khai các nhiệm vụ trọng tâm năm học 2024-2025 khối GDĐH, về phương hướng chung, bà Nguyễn Thu Thủy nhấn mạnh việc tiếp tục đẩy mạnh triển khai, hoàn thành tốt các nhiệm vụ của ngành theo các chương trình hành động, chương trình công tác trong nhiệm kỳ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Huy động mọi nguồn lực để nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng đào tạo và nghiên cứu trong toàn hệ thống. Chuẩn bị tốt các tiền đề cho giai đoạn phát triển mới của GDĐH, thực hiện đột phá chiến lược về nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao trong các lĩnh vực, ngành trọng điểm.
Một số nhiệm vụ trọng tâm, đột phá gồm: Hoàn thiện chiến lược phát triển, kiện toàn tổ chức bộ máy, huy động mọi nguồn lực để nâng cao năng lực quản trị ĐH, tăng cường các điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục, cải thiện các chỉ số hoạt động của mỗi cơ sở đào tạo, đáp ứng đầy đủ các tiêu chí của chuẩn cơ sở GDĐH.
Cùng với đó, đổi mới mạnh mẽ chương trình và phương thức đào tạo gắn với tăng cường công tác quản lý chất lượng, nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực gắn với tăng cường năng lực nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo, nhất là trong các lĩnh vực, ngành trọng điểm theo định hướng phát triển của các vùng và địa phương.
Tăng cường ứng dụng công nghệ số, nhất là trí tuệ nhân tạo trong toàn bộ hệ thống GDĐH, gắn với cải cách hành chính, đổi mới phương thức quản lý nhà nước và quản trị nhà trường, đổi mới phương pháp dạy và học, thi và kiểm tra, tạo tác động tích cực cho đổi mới giáo dục phổ thông.
Tổ chức triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ, chuẩn bị tốt các đề án, dự án theo các chương trình hành động của Chính phủ thực hiện các nghị quyết của Trung ương và Bộ Chính trị; các chiến lược, quy hoạch, chương trình, đề án do Thủ tướng Chỉnh phủ phê duyệt.
Tại Hội nghị, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn đề nghị tập trung thảo luận, nhận diện bức tranh giáo dục đại học hiện nay; vai trò, trách nhiệm của các cơ sở giáo dục đại học trong việc thực hiện đổi mới, căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo nói chung và nâng cao chất lượng đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao nói riêng; bài học kinh nghiệm và giải pháp khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý, điều hành; trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về những việc đã làm được trong thời gian qua và trên cơ sở đó cùng nhau đề ra phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm cho năm học 2024 - 2025.