Tăng cường ngăn chặn nguy cơ lây lan dịch Covid-19 trong ăn uống

GD&TĐ - Tổ Công tác đặc biệt của tỉnh Hải Dương đề nghị tổ chức triển khai thực hiện ngay một số biện pháp ngăn chặn, đẩy lùi nguy cơ lây lan dịch bệnh Covid-19 trong ăn uống.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Trước thực tế những ngày gần đây trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện các ca bệnh Covid-19 có liên quan đến các quán kinh doanh hàng ăn, trong đó một số ổ dịch được phát hiện từ các quán chó, mèo có nguồn cung cấp từ miền Nam.

Tổ Công tác đặc biệt của tỉnh Hải Dương yêu cầu các sở, ban, ngành liên quan và các huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, yêu cầu nhân dân địa phương không tụ tập tổ chức ăn uống đông người trong đời sống hàng ngày khi dịch bệnh đang phức tạp.

Công an tỉnh chỉ đạo các lực lượng công an trên địa bàn rà soát, lập danh sách và yêu cầu dừng tất cả các trường hợp vận chuyển, tiêu thụ, kinh doanh, giết mổ, chế biến thức ăn liên quan đến chó, mèo có nguồn gốc từ miền Nam.

Trên cơ sở số liệu rà soát của ngành công an, Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh Covid-19 cấp huyện tổ chức lấy mẫu xét nghiệm cho tất cả những người liên quan đến các trường hợp nêu trên (trong thời gian từ ngày 26/7/2021 đến nay).

Đối với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh tổ chức nhà ăn, bếp ăn, nhà ăn ca (gọi tắt là nhà ăn) cho người lao động phải đảm bảo các yêu cầu: Nhà ăn thông thoáng, sạch sẽ; bố trí bàn ăn cho lao động ăn ca đủ giãn cách phòng dịch (tối thiểu 01m) và có vách ngăn đảm bảo yêu cầu;

Bố trí giãn cách thành nhiều đợt ăn ca để đảm bảo khoảng cách an toàn phòng dịch cho người ăn ca. Từ yêu cầu giãn cách nêu trên và số đợt ăn ca để bố trí số lượng người lao động cho phù hợp;  Tổ chức bộ máy, lực lượng làm nhiệm vụ hướng dẫn, giám sát người lao động đảm bảo trật tự và khoảng cách khi đi rửa tay, sát khuẩn, vào nhà ăn ca...(không chen lấn, tụ tập đông người).  

Bố trí hệ thống camera (đủ số lượng để giám sát) ngoài hành lang nhà ăn, trong nhà ăn để giám sát và trích xuất kiểm tra khi có yêu cầu. Yêu cầu người lao động trong quá trình ăn ca không đem theo đồ dùng cá nhân (như túi xách...); không nói chuyện trong khi ăn ca.  Sau mỗi đợt ăn ca phải tổ chức vệ sinh sạch sẽ, phun sát khuẩn mới bố trí đợt ăn ca tiếp theo.

Trong trường hợp nhà ăn của doanh nghiệp/cơ sở sản xuất không đáp ứng được yêu cầu giãn cách thì phải cắt giảm số lượng lao động để đảm bảo yêu cầu phòng dịch; nếu vi phạm sẽ bị xử lý hành chính hoặc tạm dừng sản xuất.

Đối với các cơ sở, doanh nghiệp, đơn vị cung ứng thực phẩm và chế biến nấu ăn:  Phải đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và các biện pháp phòng dịch theo quy định; tổ chức xét nghiệm sàng lọc thường xuyên cho những người tham gia vào hoạt động cung ứng thực phẩm và chế biến nấu ăn ít nhất 03 ngày/lần.

Các huyện, thị xã, thành phố tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các cơ sở, doanh nghiệp, đơn vị này hoạt động; chỉ đạo các lực lượng chức năng hướng dẫn, kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, an toàn phòng chống dịch bệnh của các cơ sở, doanh nghiệp, đơn vị nêu trên theo quy định.

Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh Covid-19 cấp huyện chủ trì phối hợp với Sở Y tế, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tổ chức hướng dẫn, kiểm tra, yêu cầu các doanh nghiệp/cơ sở sản xuất ngoài khu công nghiệp thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các yêu cầu nêu trên.

Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh chủ trì phối hợp với Sở Y tế, Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh Covid-19 cấp huyện tổ chức hướng dẫn, kiểm tra, yêu cầu các doanh nghiệp/cơ sở sản xuất trong khu công nghiệp thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các yêu cầu nêu trên.

Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh Covid-19 các huyện, thị xã, thành phố; Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh tổng hợp kết quả triển khai thực hiện, báo cáo Ban chỉ đạo tỉnh và Tổ Công tác đặc biệt của tỉnh trước ngày 15/8/2021.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ