Tăng cường hợp tác giáo dục Việt Nam - Campuchia

GD&TĐ - Ngày 1/11, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Kim Chi tiếp và làm việc với đoàn công tác của Bộ Giáo dục, Thanh niên và Thể thao Campuchia.

Thứ trưởng Nguyễn Thị Kim Chi tiếp ông Chuon Chivin - Quốc vụ khanh Bộ Giáo dục, Thanh niên và Thể thao Campuchia.
Thứ trưởng Nguyễn Thị Kim Chi tiếp ông Chuon Chivin - Quốc vụ khanh Bộ Giáo dục, Thanh niên và Thể thao Campuchia.

Chào mừng đoàn công tác của Bộ Giáo dục, Thanh niên và Thể thao Campuchia đến thăm và làm việc tại Bộ GD&ĐT, Thứ trưởng Nguyễn Thị Kim Chi cho biết: Việt Nam và Campuchia là hai nước láng giềng có quan hệ truyền thống tốt đẹp, gắn bó từ lâu đời.

Quan hệ hợp tác giữa hai nước và đặc biệt là quan hệ hợp tác giáo dục giữa hai nước luôn nhận được sự quan tâm của các lãnh đạo cấp cao. Lãnh đạo cấp cao hai nước luôn khẳng định coi trọng đẩy mạnh hợp tác phát triển nguồn nhân lực là một trong các yếu tố quyết định sự phát triển của mỗi nước và quan hệ hữu nghị hai nước.

Việt Nam có 2 trường "đặc biệt" là Trường Hữu nghị T78 và Trường Hữu nghị 80 thực hiện nhiệm vụ đào tạo dự bị Tiếng Việt cho lưu học sinh Lào, Campuchia vào học tại các cơ sở giáo dục ở Việt Nam. Lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho hai ngôi trường này..

Thứ trưởng Nguyễn Thị Kim Chi đề xuất tiếp tục triển khai hiệu quả Thỏa thuận hợp tác giáo dục giữa hai nước đã ký năm 2021, đưa ra giải pháp để nâng cao hơn nữa chất lượng đào tạo trong thời gian tới và khẳng định, phía Việt Nam cam kết sẽ tạo điều kiện tốt nhất cho lưu học sinh Campuchia sang học tại Việt Nam.

img-0031.jpg
Quang cảnh buổi làm việc.

Thứ trưởng mong muốn, Bộ Giáo dục, Thanh niên và Thể thao Campuchia là đầu mối lựa chọn, phối hợp với Bộ GD&ĐT Việt Nam trong toàn bộ quá trình từ tuyển chọn, tiếp nhận và đào tạo sinh viên Campuchia nhận học bổng diện Hiệp định sang Việt Nam học, đáp ứng tốt nhất cho sự phát triển nhanh và phù hợp với chiến lược phát triển đất nước của Campuchia.

Thứ trưởng cũng cho biết, hiện nay, Việt Nam có nhiều ngành thế mạnh như: Nông nghiệp, Y dược, Khoa học kỹ thuật, Quản lý. Các trường đại học của Việt Nam hiện đang phát triển nhiều chương trình đào tạo bằng tiếng Anh có thể sẽ đáp ứng tốt nhất nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực của Campuchia.

Thời gian sắp tới, ngoài học bổng của Chính phủ, nhiều trường đại học và các tỉnh của Việt Nam đã và sẽ tiếp tục cung cấp nhiều học bổng cho lưu học sinh Campuchia sang học tại Việt Nam. Phía Việt Nam sẵn sàng hỗ trợ và thúc đẩy việc dạy và học Tiếng Việt tại Campuchia.

img-0120.jpg
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm.

Thay mặt đoàn công tác, ông Chuon Chivin, Quốc Vụ khanh Bộ Giáo dục, Thanh niên và Thể thao Campuchia bày tỏ vui mừng khi được đến thăm và làm việc tại Bộ GD&ĐT, đánh giá cao mối quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp giữa hai nước, đồng thời đánh giá cao công tác giảng dạy, quản lý, chăm sóc và nuôi dưỡng của các nhà trường tại Việt Nam đối với lưu học sinh Campuchia.

Theo ông Chuon Chivin, nhiều thế hệ lưu học sinh Campuchia học tập tại Trường Hữu nghị 80 và Trường Hữu nghị T78 đã có sự phát triển sự nghiệp rất tốt khi trở về Campuchia công tác, có những đóng góp quan trọng vào sự phát triển của đất nước Campuchia; góp phần xây dựng tình hữu nghị, đoàn kết giữa hai nước.

Ông Chuon Chivin cũng cho biết, từ năm 1993 đến nay, đã có khoảng 500 sinh viên Việt Nam sang Campuchia học tập, là cầu nối thắt chặt mối quan hệ giữa hai nước. Trong chuyến thăm Campuchia hồi tháng 7/2024 vừa qua, Tổng bí thư Tô Lâm đã đến thăm Đại học Hoàng gia Phnom Penh và khẳng định: Hợp tác giáo dục là điểm sáng trong quan hệ hợp tác giữa hai nước.

Tại buổi tiếp, hai bên đã trao đổi các nội dung về việc tăng cường quan hệ hợp tác giáo dục giữa hai nước; đề xuất các giải pháp tăng số lượng học sinh, sinh viên Campuchia sang Việt Nam học tập và ngược lại; gỡ khó cho các thủ tục nhập cảnh; đề xuất những chính sách về học bổng, học phí.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Truyện ngắn: Hậu phương yêu thương

GD&TĐ - Mấy hôm nay gió bấc đã tràn về đảo nhỏ. Lão gió gào thét lùng sục khắp các ngõ ngách, thấy cái gì cũng lật tung lên như thể để tìm kiếm thứ gì đó.