Tăng cường giáo dục đạo đức và giáo dục trực tuyến

GD&TĐ - Mở rộng đối tượng tiếp cận chương trình “Sóng và máy tính cho em”, giảm tải chương trình dạy học trực tuyến, có những buổi đối thoại giữa các cấp quản lý - phụ huynh - học sinh - giáo viên…

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Hà (đoàn Bắc Ninh) phát biểu.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Hà (đoàn Bắc Ninh) phát biểu.

Đó là những đề xuất của Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Hà (đoàn Bắc Ninh) trong bối cảnh việc học trực tuyến và giáo dục đạo đức cho học sinh còn nhiều thách thức khi dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp.

Theo đại biểu Nguyễn Thị Hà, vấn đề mà phụ huynh học sinh, cử tri quan tâm nhất trong các buổi tiếp xúc chính là giáo dục đạo đức và giáo dục trực tuyến.

Bản thân là một nhà giáo, đại biểu Hà cho rằng trong bối cảnh hiện nay, cả hệ thống chính trị nói chung và thầy cô giáo nói riêng đã rất cố gắng, tích cực trong việc dạy học giữa muôn vàn khó khăn. Đặc biệt, chương trình “Sóng và máy tính cho em” đã hỗ trợ các em có hoàn cảnh khó khăn khi phải học trực tuyến kéo dài.

Tuy vậy, chương trình mới đáp ứng phần nhỏ nhu cầu thực tế. Do đó, đại biểu đề xuất mở rộng, tạo cơ hội cho nhiều đối tượng học sinh khó khăn tiếp cận được chương trình.

Theo đại biểu, cử tri đề đạt rằng những cuộc đối thoại trực tiếp giữa cấp quản lý với giáo viên, phụ huynh, học sinh là rất cần thiết lúc này. Bởi lẽ, việc tháo gỡ khó khăn khi học trực tuyến gồm việc giảm tải chương trình, cởi bỏ áp lực tâm lý khi học online lâu dài…

“Những cuộc trao đổi sẽ là cơ hội để các cấp quản lý nghe được chính tiếng nói của phụ huynh, thầy cô để đưa ra giải pháp tháo gỡ khi học trực tuyến. Có đàm thoại thì nhà quản lý sẽ có cái nhìn sát sườn để tham mưu hiệu quả cho các cơ quan bên trên”, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Hà nói.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Hà (đoàn Bắc Ninh).
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Hà (đoàn Bắc Ninh).

Dẫn lại mong muốn cử tri, đại biểu nhấn mạnh việc việc giảm tải chương trình có ý nghĩa lúc này để việc dạy và học bớt áp lực, chất lượng hơn. Việc lược bớt chương trình trực tiếp sang online rất hiệu quả và thu hẹp khoảng cách giữa thành thị - nông thôn - miền núi, hải đảo.

Cũng theo đại biểu Nguyễn Thị Hà, xây dựng trường học hạnh phúc, thân thiện rất tốt nhưng mới chỉ làm tốt khi các em tới trường, còn triển khai khi học trực tuyến chưa thực sự trở thành điểm nhấn. Bởi lẽ, mạng Internet vừa là công cụ để học sinh khám phá kiến thức vô hạn, kể cả ở nước ngoài nhưng cũng có nhiều cạm bẫy, cám dỗ.

Do vậy, vị đại biểu này nhấn mạnh sự quan tâm, đồng hành với các em học sinh, có chương trình gắn kết chặt chẽ hơn giữa nhà trường và người học, có sân chơi để các em giao lưu dù không lên lớp…

Thêm nữa, đại biểu cho rằng giáo dục pháp luật không chỉ nên tập trung vào một số ngày kỷ niệm, ngày lễ lớn hoặc sự kiện đặc biệt mà nên giảng dạy thường xuyên.

“Cần có thêm những buổi ngoại khóa trên trường, trên lớp đều đặn hàng tuần, hàng tháng chỉ khoảng 30 - 45 phút để thầy cô gần gũi hơn với học trò, học sinh được học luật qua ví dụ trực quan gần gũi với cuộc sống thường nhật…”, đại biểu Nguyễn Thị Hà nhận định.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

GD&TĐ - Trong hai tháng thi đua chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, học sinh Trường THPT Chu Văn An đã tổ chức sự kiện Sparkling Chu Văn An 2024.