Tăng cường giáo dục biển, đảo cho học viên trường chính trị

GD&TĐ - Trường Chính trị tỉnh Cà Mau quan tâm tuyên truyền, tăng cường giáo dục về biển, đảo đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Cán bộ, học viên Trường Chính trị tỉnh Cà Mau thăm đài tưởng niệm Khởi nghĩa Hòn Khoai.
Cán bộ, học viên Trường Chính trị tỉnh Cà Mau thăm đài tưởng niệm Khởi nghĩa Hòn Khoai.

Vun đắp tình yêu biển đảo cho học viên

Biển, đảo Việt Nam là một phần thiêng liêng của Tổ quốc. Biển, đảo không chỉ chứa đựng tiềm năng kinh tế to lớn, cửa ngõ mở rộng quan hệ giao thương với quốc tế mà còn đóng vai trò quan trọng đảm bảo an ninh, quốc phòng, đồng thời là địa bàn chiến lược trọng yếu trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Vì vậy, bảo vệ chủ quyền biển, đảo không chỉ thể hiện tư duy của Đảng ta trong các nghị quyết đại hội mà trở thành một trong những nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên, lâu dài đối với toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, của cả hệ thống chính trị.

Những năm qua, thông qua chương trình giảng dạy các lớp Trung cấp lý luận chính trị, Trường Chính trị tỉnh Cà Mau luôn quan tâm đến việc tuyên truyền, giáo dục về vị trí, vai trò và tiềm năng của biển, đảo đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; phổ biến những cơ sở pháp lý khẳng định chủ quyền biển, đảo của Việt Nam, nhằm góp phần nâng cao nhận thức mọi mặt cho học viên về tình hình biển, đảo, thông qua đó bồi đắp lòng yêu nước, tình yêu biển đảo, ý thức chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ.

Đặc biệt, nhằm tăng cường việc tuyên truyền, giáo dục sâu rộng trong học viên về biển, đảo Cà Mau, nhà trường đã tổ chức hoạt động nghiên cứu thực tế. Qua đó, học viên có nhiều trải nghiệm thực tế và thêm nhiều thông tin về biển, đảo Cà Mau.

Học viên Đoàn Cẩm Tú, lớp Trung cấp lý luận chính trị khóa 132 cho biết: “Qua chuyến đi thực tế tại đảo Hòn Khoai, tôi có được những trải nghiệm thực tế rất quý. Tôi được trực tiếp lên ngọn đèn hải đăng, là đèn biển được xây từ thời Pháp năm 1920. Đèn hải đăng để tàu vận tải các nước trên thế giới lấy làm điểm tựa để chuyển hướng sang các nước khác. Bên cạnh đó, tôi còn được tham quan trạm quan sát... Đặc biệt, tôi có thêm nhiều thông tin về biển, đảo Cà Mau. Đây là hoạt động rất có ý nghĩa để từ đó, tôi hiểu hơn về biển, đảo của tỉnh”.

Đặc biệt, khi đến đảo Hòn Khoai, học viên hiểu sâu sắc hơn về tầm vóc và ý nghĩa của cuộc Khởi nghĩa Hòn Khoai (13/12/1940), cảm phục về tinh thần cách mạng cũng như tình yêu nước nồng nàn, ý chí kiên cường, quyết hy sinh vì độc lập, tự do của các chiến sĩ Khởi nghĩa Hòn Khoai.

Học viên Nguyễn Văn Luận, lớp Trung cấp lý luận chính trị khóa 128 chia sẻ: “Đến đảo Hòn Khoai, ngoài kiến thức thực tế về biển, đảo, tôi hiểu sâu sắc hơn về cuộc khởi nghĩa Hòn Khoai và khắc ghi sâu sắc sự hy sinh của các thế hệ cha ông dũng cảm đứng lên đấu tranh vì độc lập dân tộc. Vì vậy, thế hệ chúng tôi cần phải ra sức học tập, trau dồi kiến thức, quyết tâm giữ gìn độc lập, chủ quyền biển đảo của đất nước”.

Đảo Hòn Khoai (xã Tân Ân, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau).
Đảo Hòn Khoai (xã Tân Ân, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau).

Gắn lý luận sát với thực tiễn

Trong tình hình hiện nay, các thế lực thù địch luôn tìm mọi cách để tuyên truyền những luận điệu sai trái, xuyên tạc về chủ quyền biển, đảo. Vì thế, hoạt động nghiên cứu thực tế nhằm tuyên truyền, giáo dục cho học viên về chủ quyền biển, đảo rất ý nghĩa, giúp cho học viên có cái nhìn đúng, xây dựng quyết tâm phấn đấu và ý chí rèn luyện, sẵn sàng bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia.

Tiến sĩ Phạm Thanh Tâm, Trưởng Khoa Lý luận cơ sở Trường Chính trị tỉnh Cà Mau chia sẻ: “Hoạt động nghiên cứu thực tế tại đảo Hòn Khoai vừa qua có ý nghĩa rất lớn. Chuyến đi giúp cho giảng viên nâng cao kiến thức thực tiễn, đồng thời gắn lý luận sát với thực tiễn. Học viên có nhận thức sâu sắc hơn về chủ quyền biển, đảo, từ đó nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo và thêm cơ sở thực tiễn để phản bác các quan điểm sai trái, thù địch về chủ quyền biển, đảo ở nước ta hiện nay”.

Chia sẻ về giải pháp nhằm tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục về biển, đảo trong thời gian tới, Tiến sĩ Đặng Trí Thủ, Phó Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh Cà Mau cho biết: “Thời gian tới, Trường tiếp tục tổ chức cho viên chức, người lao động của trường, cũng như học viên một số lớp đi nghiên cứu thực tế về biển, đảo, trước hết là những đảo ở tỉnh Cà Mau để mọi người hiểu rõ hơn về giá trị của biển, đảo, từ đó ra sức góp phần giữ gìn phần thiêng liêng của Tổ quốc”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa INT.

Môn học công cụ

GD&TĐ - Theo kết quả kỳ thi học sinh giỏi quốc gia lớp 12 năm học 2024 - 2025, Hà Nội vẫn dẫn đầu cả nước về số lượng học sinh đoạt giải.