Để chấn chỉnh, các cơ quan chức năng đã kiến nghị một số giải pháp căn cơ.
Hàng loạt vụ tai nạn giao thông (TNGT) liên quan đến học sinh
Ngày 12/3 tại Hải Phòng do 2 học sinh (SN: 2005, chưa đủ tuổi để lái xe mô tô và chưa có giấy phép lái xe mô tô) điều khiển xe gắn máy va chạm với ô tô làm 2 thiếu niên tử vong.
Tương tự, vụ TNGT ngày 11/3/2021, tại Vĩnh Phúc, do 2 thiếu niên (SN: 2004) điều khiển xe mô tô không đội mũ bảo hiểm, phóng với tốc độ cao. Họ đã cố tình đâm vào lực lượng CSGT đang làm nhiệm vụ. Hậu quả làm 1 chiến sĩ CSGT bị thương.
Cùng với các vụ TNGT trên, vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng tại Gia Lai vào tháng 2/2021 dẫn tới 4 người trên xe mô tô tử vong (người điều khiển chưa có giấy phép lái xe mô tô).
Theo Ủy ban ATGTQG, trong năm 2019 và 2020, đã xảy ra nhiều vụ TNGT nghiêm trọng do các trẻ em học sinh điều khiển xe gắn máy (bao gồm xe gắn động cơ xăng có dung tích xy-lanh dưới 50cm3 và xe gắn động cơ điện) gây ra. Hậu quả là làm nhiều trẻ em chết và bị thương.
Tại Hà Nội, thời điểm đến lớp và tan trường, không khó bắt gặp hình ảnh học sinh vi phạm quy định an toàn giao thông. Đó là các lỗi như không đội mũ bảo hiểm, đi xe sai làn, qua đường không bật xi nhan, vượt đèn đỏ, không giảm tốc độ khi gặp các ngã rẽ, ngõ nhỏ gần các cổng trường THCS, THPT…
Anh Dương Hiệp (trú quận Long Biên, TP Hà Nội), có con học lớp 10 một trường THPT trên địa bàn quận Long Biên cho hay: “Mình có nhắc nhở con tuân thủ Luật Giao thông, không lạng lách, đánh võng, không tạt đầu ô tô… Còn việc con có chấp hành hay không thì thật sự khó kiểm soát. Gia đình cậy nhờ một phần vào nhà trường và các buổi giáo dục an toàn giao thông của công an”.
Còn anh Trần Đô Thành (quận Đống Đa, TP Hà Nội, có con học lớp 10) chia sẻ, khi trẻ vào lớp 10 gia đình mua 1 chiếc xe Cub đi học do không tiện đưa đón. “Mình thường xuyên nhắc nhở em đội mũ bảo hiểm, không vượt đèn đỏ. Còn các điều luật giao thông thì tự tìm hiểu, đi nhiều sẽ quen”, anh Thành nói.
Chấn chỉnh ATGT cổng trường học
Chia sẻ với Báo GD&TĐ lãnh đạo Phòng CSGT (Công an TP Hà Nội) cho biết, từ đầu năm học 2020 - 2021 đến nay, Phòng CSGT đã triển khai nhiều biện pháp xử lý học sinh vi phạm trật tự an toàn giao thông. Tuy vậy, tình trạng học sinh đi xe máy tới trường vẫn diễn ra phổ biến.
Theo Phòng CSGT (Công an TP Hà Nội) mặc dù chưa đủ tuổi, nhưng hình ảnh các cô cậu học sinh mặc đồng phục chở 2, chở 3, không đội mũ bảo hiểm điều khiển xe mô tô trên đường phố đã không còn xa lạ với người dân Thủ đô.
“Không đội mũ bảo hiểm, không chấp hành Luật Giao thông đường bộ, tụ tập trước cổng trường, phóng thật nhanh mỗi khi gặp CSGT… đó là những mối nguy hiểm không chỉ với bản thân các em mà còn cho những người tham gia giao thông trên đường.
Việc phối hợp với Sở GD&ĐT để tuyên truyền Luật Giao thông tại các trường học đã được triển khai từ nhiều năm. Hàng năm đều ký cam kết về đảm bảo TTATGT giữa nhà trường lực lượng chức năng và học sinh. Nhưng trên thực tế, số học sinh vi phạm vẫn còn khá nhiều. Chính vì vậy, bên cạnh những biện pháp mang tính giáo dục, Phòng CSGT sẽ xử lý nghiêm, tạo sự răn đe đối với người vi phạm...”, lãnh đạo Phòng CSGT Hà Nội thông tin.
Lãnh đạo Phòng CSGT cũng cho biết, những trường hợp học sinh vi phạm khi bị xử lý đều được thông báo về nhà trường và gia đình. Bên cạnh đó, yêu cầu các em ký cam kết không tái phạm. Thời gian qua, lực lượng CSGT Thủ đô luôn bố trí cán bộ chiến sĩ tuần tra kiểm soát trên đường xử lý các lỗi vi phạm là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến TNGT.
Trong thời gian tới, tiếp tục triển khai, kế hoạch, phương án phòng, chống đua xe và cổ vũ đua xe trái phép trên địa bàn thành phố. Đặc biệt, triển khai 30 tổ 141 trên địa bàn thành phố, bố trí lực lượng phối hợp với Trung đoàn CSCĐ và công an các quận, huyện, thị xã tăng cường tuần tra kiểm soát giao thông. Qua đó, kịp thời phát hiện bắt giữ các đối tượng đua xe trái phép gây mất trật tự công cộng…
Trước tình hình ùn ứ giao thông tại cổng trường giờ cao điểm, lãnh đạo Phòng CSGT Hà Nội cho biết đã chủ động bố trí lực lượng chống ùn tắc.
Nhằm ngăn chặn các vụ TNGT liên quan đến học sinh, Ủy ban ATGTQG đề nghị lực lượng chức năng của địa phương tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát giao thông. Trong đó, phát hiện xử lý nghiêm vi phạm trật tự an toàn giao thông của người tham gia giao thông bằng mô tô, xe máy, xe đạp điện.
Chú trọng vào đối tượng là thanh, thiếu niên với các hành vi vi phạm như: Điều khiển phương tiện khi chưa đủ tuổi, không có giấy phép lái xe phù hợp với loại xe, không đội mũ bảo hiểm và các vi phạm tương tự khác.
Ủy ban ATGTQG cũng đề nghị các địa phương tập trung xử lý trách nhiệm của cá nhân giao xe mô tô, xe gắn máy cho trẻ em điều khiển khi chưa đủ tuổi, chưa có giấy phép lái xe phù hợp. Cùng với đó tăng cường cung cấp thông tin về học sinh vi phạm quy định pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông cho các cơ sở giáo dục để phối hợp giáo dục và xử lý.
Ủy ban ATGTQG cũng đề nghị các cơ sở giáo dục, các trường học trên địa bàn phối hợp với cha mẹ học sinh thường xuyên nhắc nhở, giáo dục con em mình tự giác chấp hành quy tắc giao thông như: Đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy, không điều khiển xe mô tô, xe gắn máy khi chưa đủ tuổi hoặc không có giấy phép lái xe phù hợp.
Ủy ban ATGTQG cũng khuyến cáo phụ huynh không giao xe mô tô, xe gắn máy cho con, em mình điều khiển khi chưa đủ tuổi hoặc khi chưa có giấy phép lái xe phù hợp.
“Gia đình có trách nhiệm phổ biến kiến thức pháp luật, hướng dẫn kỹ năng lái xe an toàn trước khi cho phép con, em mình điều khiển xe gắn máy, xe đạp điện. Các đơn vị đẩy mạnh Cuộc vận động “Học sinh, sinh viên với văn hoá giao thông”; thực hiện “Đã uống rượu, bia - Không lái xe”... phòng tránh các tình huống có nguy cơ xảy ra TNGT”, Ủy ban ATGTQG nêu rõ.