Theo GS. TS Trịnh Đình Hải, Trưởng ban tổ chức hội nghị, đây là sự kiện nha khoa truyền thống lớn trong khu vực và trên thế giới. Trong 4 ngày hội nghị có 28 phiên khoa học với hơn 80 chuyên đề do các nhà khoa học trong nước và quốc tế trình bày về các lĩnh vực chuyên sâu, cập nhật trong lĩnh vực răng hàm mặt. Đó là kỹ thuật phẫu thuật hàm mặt và sọ mặt; Điều trị ung thư miệng, hàm mặt; cấy ghép implant; nắn chỉnh răng, mặt; ghép xương và tái tạo mô quanh răng; chỉnh hình xương mặt, hàm; vi phẫu thuật phục hình khuyết hổng lớn vùng hàm mặt; phục hình răng và vật liệu nha khoa thông minh 4.0…
Điểm nổi bật của VIDEC 11 này là vấn đề nha học đường được được các chuyên gia trong và ngoài nước đề cập đến. Những số liệu về tình trạng mắc bệnh răng miệng, cách phát hiện và chăm sóc bệnh cho trẻ được các chuyên gia đến từ Việt Nam, Nhật Bản, Trung Quốc, Lào… báo cáo, phân tích và đưa ra khuyến nghị. Tại Việt Nam, các chuyên gia đều mong muốn chương trình nha học đường phủ kín trên phạm vi cả nước để mọi trẻ đều được hưởng lợi.
Để thực hiện dự phòng lâm sàng, mỗi trường học hoặc mỗi cụm trường phải có phòng răng, gồm trang thiết bị, dụng cụ, vật liệu nha khoa và cán bộ chuyên môn để khám, điều trị sớm các bệnh răng miệng đơn giản.
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định: Cùng với sự phát triển của ngành Y tế nói chung, ngành Răng Hàm Mặt Việt Nam đã có bước phát triển đột phá trong nhiều lĩnh vực. Đặc biệt, mạng lưới khám chữa bệnh chuyên khoa Răng Hàm Mặt đã được mở rộng và nâng cấp từ tuyến cơ sở đến Trung ương. Nhiều bệnh viện Răng Hàm Mặt trên toàn quốc đã triển khai được nhiều kỹ thuật tiên tiến, hiện đại ngang tầm khu vực và trên thế giới.
Bên cạnh đó, công tác chăm sóc, phòng các bệnh răng miệng cho trẻ em và cộng đồng đã được chú trọng qua nhiều hình thức phong phú như chương trình nha học đường trẻ em đã được thực hiện ở nhiều tỉnh, thành phố trên toàn quốc.