Một số điều chỉnh quan trọng liên quan đến trách nhiệm của thí sinh, thành phần Hội đồng ra đề thi, thể hiện rõ hơn vai trò độc lập của thanh tra… Những sửa đổi này được nhận định là phù hợp, cần thiết.
Giảm áp lực cho cán bộ coi thi
Bỏ quy định thí sinh được mang theo máy ghi âm, ghi hình chỉ có chức năng ghi âm, ghi hình nhưng không thể nghe, gọi và truyền, nhận thông tin là một điểm mới quan trọng của quy chế. Thầy Phạm Thành Nhân, Hiệu trưởng Trường THPT Ngô Văn Cấn (huyện Mỏ Cày Bắc, Bến Tre), cho rằng, điều chỉnh này phù hợp với điều kiện thực tiễn. Các thiết bị công nghệ ngày nay đa dạng về tính năng, cán bộ coi thi rất khó để có thể xác định thiết bị mang vào phòng thi có đáp ứng theo yêu cầu hay không. Do đó, điều chỉnh này giảm được áp lực cho cán bộ coi thi, đồng thời bảo đảm sự an toàn, nghiêm túc trong phòng thi.
“Trên thực tế, Bến Tre chưa có trường hợp nào mang thiết bị ghi âm, ghi hình vào phòng thi. Nhưng việc được phép mang các thiết bị này gây tâm lý lo lắng cho cán bộ coi thi, vì năng lực để đánh giá, kiểm tra thiết bị của giáo viên chưa bảo đảm. Đây có thể là cơ hội để thí sinh gian lận vì các thiết bị ngày nay rất tinh vi”, thầy Phạm Thành Nhân cho biết.
Cũng liên quan đến sử dụng thiết bị, phần mềm công nghệ thông tin và truyền thông, theo thầy Phạm Thành Nhân, Thông tư mới sửa đổi, bổ sung quy định rõ, cụ thể hơn về vật dụng liên quan đến thiết bị công nghệ được bố trí tại khu vực in sao đề thi, coi thi, chấm thi. Như, khu vực in sao đề thi và làm phách bài thi tự luận, điện thoại phải có chức năng ghi âm.
Đồng thời, quy chế cũng quy định rõ việc sử dụng chức năng nghe, gọi của điện thoại để liên lạc với Hội đồng thi, Ban chỉ đạo thi các cấp. Theo đó, mọi liên lạc qua điện thoại đều phải bật loa ngoài để nghe công khai, đều phải ghi nhật ký và dưới sự chứng kiến của người có trách nhiệm theo quy định (trước đây nội dung quy chế không ghi rõ điều này).
“Theo quy định hiện hành “trong một số trường hợp cần thiết, có thể bố trí 1 máy tính tại phòng trực của điểm thi”, thì với quy chế mới đây là yêu cầu bắt buộc. Điều này sát với thực tiễn, giúp các điểm thi thực hiện tốt công tác báo cáo nhanh theo quy định của Hội đồng thi”, thầy Phạm Thành Nhân chia sẻ.
Bình Thuận kiểm tra công tác chuẩn bị cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022. Ảnh: INT |
Rõ hơn vai trò độc lập của thanh tra
Nhận định về điểm mới trong Quy chế thi tốt nghiệp THPT, bà Nguyễn Thị Ngọc Hà - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Vĩnh Long - nhấn mạnh, quy định mới thể hiện rõ hơn vai trò độc lập của thanh tra. Quy chế sửa đổi không còn quy định thanh tra tham gia: Ký niêm phong tủ đựng đề thi, bài thi tại điểm thi; ký niêm phong phòng chứa bài thi, tủ, thùng hoặc vật dụng chứa túi bài thi tại khu vực chấm thi; chứng kiến đóng/ mở phòng chứa bài thi, phòng chấm bài thi, tủ thùng hoặc các vật dụng chứa bài thi; chứng kiến việc gieo phách trong khu vực cách ly làm phách; giám sát việc nhập điểm bài thi tự luận của Tổ nhập điểm; giám sát việc niêm phong 2 đĩa CD chứa dữ liệu kết quả thi; giám sát quá trình làm việc của Ban Phúc khảo bài thi tự luận.
“Quy định này tăng trách nhiệm các ban của Hội đồng thi và thể hiện rõ hơn vai trò độc lập của thanh tra. Chức năng thanh tra là xem xét, đánh giá, xử lý theo trình tự, thủ tục do pháp luật quy định. Vì vậy, để thực hiện tốt chức năng này không nên buộc trách nhiệm với công việc trong các ban của Hội đồng thi”, bà Nguyễn Thị Ngọc Hà nêu quan điểm.
Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Vĩnh Long đồng thời chia sẻ thêm hai điểm mới đáng chú ý. Cụ thể, về thành phần Hội đồng ra đề thi tại Điểm c Điều 17, quy định rõ hơn ủy viên, thư ký làm nhiệm vụ về tin học - kỹ thuật phải là công chức, viên chức của các đơn vị thuộc Bộ GD&ĐT, không còn “người lao động” tham gia vào khâu này. Thay đổi này phù hợp và cần thiết.
Ngoài ra, nhìn từ góc độ phụ huynh và học sinh thì việc bỏ quy định Atlat Địa lý Việt Nam do “Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam phát hành” cũng tạo thuận lợi cho phụ huynh, học sinh trong việc lựa chọn, trang bị tài liệu học tập của đơn vị khác đã được phép xuất bản.
Trong các điểm được điều chỉnh, bổ sung, ông Phùng Quốc Lập, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Phú Thọ, nhìn nhận, về cơ bản là điều chỉnh mang tính kỹ thuật để bảo đảm kỳ thi diễn ra an toàn, khách quan, chính xác.
Bên cạnh điểm mới về vật dụng thí sinh được mang vào phòng thi, sửa đổi liên quan đến thanh tra, Hội đồng ra đề thi…, ông Phùng Quốc Lập trao đổi, quy chế mới đã bỏ việc thí sinh phải nộp bản sao Sổ đăng ký hộ khẩu thường trú để được hưởng chế độ ưu tiên. Quy định này phù hợp với thực tế, vì hiện nay không còn sổ hộ khẩu, thông tin công dân sẽ được quản lý trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Về đăng ký dự thi, quy chế quy định rõ 2 phương thức trực tuyến hoặc trực tiếp tại trường phổ thông nơi thí sinh học lớp 12. Ngoài ra là một số điều chỉnh nhằm tăng cường bảo mật và an toàn cho kỳ thi.
“Yếu tố con người quyết định tính nghiêm túc, khách quan trong phòng thi”. Nhấn mạnh điều này, thầy Tạ Duy Kiên, Hiệu trưởng Trường THPT Mỹ Văn (Tam Nông, Phú Thọ) đồng tình với việc bỏ quy định thí sinh được phép mang thiết bị ghi âm, ghi hình. Khi mang theo thiết bị, học sinh dễ bị ảnh hưởng, phân tâm trong quá trình làm bài, mất tập trung và có thể hình ảnh, hội thoại được cắt ghép, chỉnh sửa không phản ánh khách quan và gây sự hiểu nhầm của dư luận.