Tăng chiều cao người Việt: Vẫn chỉ là… ước mơ

GD&TĐ - 34 năm, quãng thời gian đủ dài để các nước kiến tạo nền kinh tế, thay đổi chính sách nhằm nâng cao chất lượng giống nòi. Ở nước ta, cũng trong khoảng thời gian này, cuộc sống đã thay đổi, người dân có ý thức hơn trong công cuộc thay đổi tầm vóc, thể trạng cho thế hệ sau. 

Tăng chiều cao người Việt: Vẫn chỉ là… ước mơ

Nhưng do mỗi người một cách nên cho đến nay, chiều cao của thanh niên Việt vẫn đứng trong top thấp nhất thế giới.

Dậm chân tại chỗ

Kết quả tổng điều tra dinh dưỡng cho thấy, 34 năm qua (1975 - 2009), chiều cao trung bình của nam giới nước ta tăng 4,4 cm (từ 1,6m lên 1,644m), chiều cao trung bình của nữ giới tăng 3,4 cm (từ 1,5m lên 1,534m). So với các nước trong khu vực, đây là mức tăng trưởng thấp. Điển hình như Hàn Quốc và Iran - nơi mà nữ giới chênh lệch giữa quần thể cao nhất và thấp nhất thế giới khoảng 19 - 20cm. Còn ở Việt Nam, mức chênh lệch xấp xỉ 30cm. Trong 100 năm qua, mức tăng chiều cao trung bình lớn nhất là nữ giới Hàn Quốc (tăng 20,2 cm), nam giới Iran (tăng 16,5 cm), còn nữ giới Việt Nam tăng 8,8cm, nam giới tăng 9,1 cm.

Theo TS. BS Trương Hồng Sơn, Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam, ở những cộng đồng khác nhau thì yếu tố di truyền cũng sẽ ảnh hưởng khác nhau đến chiều cao khi trưởng thành. Chẳng hạn tại các quốc gia châu Âu hoặc Bắc Mỹ, di truyền có thể ảnh hưởng tới 80% chiều cao khi trưởng thành, trong khi tại các quốc gia châu Á như Trung Quốc, di truyền chỉ quyết định khoảng 65% chiều cao khi trưởng thành.

Có khoảng hơn 400 gen khác nhau ảnh hưởng đến chiều cao của con người, trong số đó có 83 gen có ảnh hưởng mạnh mẽ đến chiều cao. “Yếu tố gen quyết định lên chiều cao sẽ tăng dần theo tuổi và sẽ gây ra ảnh hưởng lớn nhất ở độ tuổi vị thành niên, quyết định tới 83% chiều cao ở trẻ trai và 76% ở trẻ gái. 20 - 40% chiều cao khi trưởng thành được quyết định bởi các yếu tố khác, trong đó quan trọng nhất chính là dinh dưỡng” – TS Trương Hồng Sơn cho hay.

Sai lầm trong chăm sóc con cái

Xuất phát từ nước nghèo nên tình trạng trẻ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân luôn là nỗi ám ảnh với người dân cũng như cơ quan chức năng. Trong nhiều năm liền, cuộc chiến chống suy dinh dưỡng nhẹ cân ở trẻ em được ngành y tế triển khai trên phạm vi cả nước, sau đó tập trung vào vùng trọng điểm.

Những năm 2005 - 2010, chương trình suy dinh dưỡng quốc gia cũng đưa chỉ tiêu suy dinh dưỡng thấp còi lên vị trí số một và chiều cao là vị trí thứ hai. Điều này giúp cho tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân giảm ngoạn mục từ 51% xuống còn 14% trong 30 năm qua.

Khi cân nặng được cải thiện, chiều cao lại là vấn đề đáng lo. Từ năm 2010, cùng với việc tiếp tục cải thiện dinh dưỡng cho trẻ vùng khó, Việt Nam đã đưa vấn đề chiều cao lên vị trí số 1. Nhận thức về nâng cao thể trạng và tầm vóc của người Việt đã trở thành vấn đề quan trọng với cơ quan chức năng cũng như của các bậc cha mẹ, đặc biệt là ở thành thị. Đây là dịp để các chuyên gia, bậc cha mẹ cùng nhìn lại cách chăm sóc trẻ và nhiều hạn chế, thậm chí là sai lầm tồn tại lâu nay mới được chỉ ra.

Theo PGS. TS Lê Bạch Mai, nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia, tỷ lệ trẻ béo phì, thấp còi là minh chứng rõ nét cho cách nuôi dạy không khoa học của các bậc cha mẹ hiện nay. PGS Mai cho biết: Có nhiều bà mẹ cho rằng, muốn con cao lớn thì phải có đầy đủ dinh dưỡng, và con phải to khỏe và cho trẻ ăn bất cứ những gì mà trẻ thích (nước ngọt, đồ ăn nhanh…).

Cùng với nếp sinh hoạt, thói quen thích xem tivi, iPad, ít vận động dẫn đến hậu quả là trẻ bị béo phì. Hay cũng có gia đình cho trẻ uống canxi để mong tăng chiều cao, nhưng lại không biết rằng canxi chỉ có tác dụng khi có vitamin D. Nếu trẻ chỉ uống canxi mà không được chạy chơi dưới ánh nắng mặt trời, không được uống vitamin D thì canxi sẽ không được hấp thu mà dễ bị đào thải qua nước tiểu.

Bên cạnh đó, kết quả nghiên cứu năm 2015 của Viện Dinh dưỡng cũng cho thấy, cứ có 6 trẻ dưới 5 tuổi thì có một trẻ suy dinh dưỡng, cứ 10 trẻ có 7 trẻ thiếu kẽm, cứ hai trẻ có một trẻ thiếu máu. Điều này khẳng định tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng như cơn đói tiềm ẩn đang trong tình trạng cảnh báo.

PGS.TS Nguyễn Xuân Ninh, Phó Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam cho rằng: Vitamin K2 – loại vitamin gần đây mới được các nghiên cứu chứng minh có hiệu quả trong việc giúp xương chắc khỏe hơn, giúp gắn canxi vào xương và ngăn chặn canxi lắng đọng tại các mô mềm, thành mạch máu, do vậy có tác dụng làm tăng mật độ xương, giảm tốc độ loãng xương và bảo vệ sức khỏe tim mạch. Do vậy, ngoài các vi chất dinh dưỡng được biết đến phổ biến như canxi, sắt, kẽm, vitamin A, vitamin D thì vitamin K, đặc biệt là vitamin K2 cũng cần được bổ sung vào bữa ăn cho trẻ.

- 30 năm qua, tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng nhẹ cân giảm ngoạn mục từ 51% xuống 14%, nhưng tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi chỉ giảm một nửa, từ 59,7% xuống 26%.

- Dù đã triển khai nhiều biện pháp để nâng cao tầm vóc, thể trạng nhưng cho đến nay, chiều cao của người Việt vẫn đứng trong top 20 quốc gia có chiều cao trung bình thấp nhất thế giới.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhu cầu tuyển dụng lao động vào dịp cuối năm luôn “nóng” tại các doanh nghiệp. Ảnh minh họa: INT

Doanh nghiệp 'khát' lao động

GD&TĐ - Những tháng cuối năm luôn là thời điểm sôi động nhất của thị trường lao động, bởi hầu hết các doanh nghiệp phải chạy đua với thời gian

Minh họa/INT

Thưởng Tết - động lực để cống hiến

GD&TĐ - Ý nghĩa của thưởng Tết dù ít hay nhiều nhằm ghi nhận công lao, đóng góp của người lao động, đồng thời chính là thành quả mà người lao động tạo ra...

Minh họa/INT

Cảnh báo người mới

GD&TĐ - Trung Quốc vừa quyết định cấm xuất khẩu kim loại và vật liệu có chứa những nguyên tố hoá học nhất định, trong đó có Gallium và Germanium sang Mỹ.