Tận mục sở thị các 'điểm nóng' về mại dâm ở Hà Nội

GD&TĐ - Trong số 4 điểm phức tạp về tệ nạn mại dâm được Hà Nội lên phương án triệt xóa có 3 điểm ở huyện Thanh Trì và 1 điểm thuộc địa bàn quận Hoàng Mai.

Nhiều cô gái tụ tập chèo kéo khách mua dâm trên đường Giải Phóng.
Nhiều cô gái tụ tập chèo kéo khách mua dâm trên đường Giải Phóng.

Xóa 4 “điểm nóng” về tệ nạn mại dâm

Công an Hà Nội cho biết, từ nay đến cuối năm 2023, sẽ cùng Sở LĐ-TB&XH Hà Nội và các cơ quan chức năng tập trung triệt xóa 4 điểm phức tạp về tệ nạn mại dâm.

Trong số 4 điểm được “gọi tên”, có 3 điểm thuộc huyện Thanh Trì gồm: Ngã ba Ngọc Hồi (xã Ngũ Hiệp), đường Kim Giang (xã Thanh Liệt) và tuyến đường Cầu Bươu - Phan Trọng Tuệ. Điểm còn lại nằm trên địa phận quận Hoàng Mai (khu vực đường Giải Phóng, gần Bến xe Giáp Bát).

Bên cạnh việc đặt mục tiêu xóa 4 điểm phức tạp về tệ nạn mại dâm trên, các cơ quan chức năng cũng triển khai nhiều giải pháp không để tái hoạt động trở lại 7 điểm phức tạp về mại dâm đã được triệt xóa từ năm 2022 về trước.

Trong số những điểm đã triệt xóa, có 4 điểm là các cơ sở kinh doanh dịch vụ có điều kiện dễ phát sinh tệ nạn xã hội ở khu vực Đường 32 (thuộc địa bàn xã Đức Thượng và xã Đức Giang, huyện Hoài Đức); khu vực gần Bến xe Yên Nghĩa (thuộc phường Yên Nghĩa) và khu vực chùa Tổng (thuộc phường Dương Nội, quận Hà Đông); khu vực đường Trần Duy Hưng (thuộc phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy).

Những điểm đã triệt xóa thuộc khu vực công cộng là đường ven sông Tô Lịch (đoạn gần cầu Nguyễn Khánh Toàn thuộc phường Cống Vị, Vĩnh Phúc, Ngọc Khánh của quận Ba Đình); phố Yersin - Vườn hoa Pasteur (thuộc phường Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng) và phố Nguyễn Huy Tự - Trần Khánh Dư (thuộc phường Bạch Đằng, quận Hai Bà Trưng).

Ở một diễn biến khác, UBND TP Hà Nội cũng đã ban hành kế hoạch phòng, chống mại dâm năm 2023. Kế hoạch này nhằm tăng cường các hoạt động phòng ngừa, ngăn chặn, đẩy lùi tệ nạn mại dâm; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động của các cấp, các ngành, các tổ chức xã hội và nhân dân trong công tác phòng, chống mại dâm.

Theo kế hoạch này, TP Hà Nội không những đặt mục tiêu triệt xóa các tụ điểm phức tạp về tệ nạn mại dâm và không phát sinh điểm mới, mà còn duy trì không để tái hoạt động trở lại 7 điểm phức tạp về tệ nạn mại dâm đã triệt xóa.

Trong số 7 điểm duy trì không để tái hoạt động có đường Trần Duy Hưng được xác định mức “ít hoạt động”, đã bàn giao cho địa phương năm 2022. Ở thời điểm đầu năm 2022, TP Hà Nội đã xác định đường Trần Duy Hưng ở mức độ có hoạt động mại dâm, chủ yếu liên quan đến hoạt động karaoke, massage, nhà nghỉ, khách sạn.

Hoạt động chèo kéo khách mua dâm trên đường Giải Phóng tồn tại nhiều năm nhưng chưa được xử lý dứt điểm.

Hoạt động chèo kéo khách mua dâm trên đường Giải Phóng tồn tại nhiều năm nhưng chưa được xử lý dứt điểm.

Thực trạng các điểm phức tạp về tệ nạn mại dâm

Theo số liệu thống kê, trên địa bàn Hà Nội có gần 3.700 cơ sở kinh doanh dịch vụ có điều kiện, nhạy cảm về an ninh trật tự dễ phát sinh tệ nạn mại dâm. Trong 6 tháng đầu năm 2022, các Đội kiểm tra liên ngành về phòng, chống tệ nạn mại dâm đã kiểm tra gần 1.800 cơ sở. Trong đó, phát hiện 100 cơ sở vi phạm. Công an các cấp cũng đã phát hiện, đấu tranh, triệt phá 84 vụ án liên quan đến hoạt động mại dâm; bắt giữ 360 đối tượng.

Để tìm hiểu thực trạng về tệ nạn mại dâm tại các điểm đã được cơ quan chức năng “gọi tên”, khuya ngày 20/2, phóng viên có mặt tại đường Giải Phóng (khu vực ngã ba Bến xe Giáp Bát đến lối rẽ vào phố Đại Từ, phường Thịnh Liệt).

Thực tế cho thấy, chỉ một đoạn đường chừng 50 mét nhưng có đến hàng chục phụ nữ hành nghề mại dâm. Những người này đứng đơn lẻ hoặc tụ tập và thoải mái chèo kéo người tham gia giao thông đi “tìm cuộc vui”. Hoạt động này diễn ra công khai giữa thời điểm vẫn còn nhiều người dân tham gia giao thông.

Để chống chọi lại thời tiết lạnh giá khi về đêm, những cô gái “bán hoa” đốt lửa sưởi, cười nói vui vẻ. Mỗi khi có khách, họ sẽ dùng phương tiện cá nhân di chuyển theo khách hoặc nhờ xe ôm chở đến địa điểm mua bán dâm. Những địa điểm này thường được các cô gái này lựa chọn nằm rải rác gần khu vực đứng chờ khách.

Một người lái xe ôm tại khu vực này cho biết hoạt động tụ tập, chèo kéo khách mua bán dâm tại đây diễn ra được nhiều năm, cơ quan chức năng cũng nhiều lần làm việc nhưng không hiểu vì sao vẫn tái diễn.

“Nhiều khi đêm khuya, người dân đứng chờ tàu qua, họ còn chạy đến tận nơi để chèo kéo. Người dân khi bị họ chèo kéo thì nên nhẹ nhàng từ chối chứ nếu to tiếng thì nhẹ sẽ bị chửi lại mà nặng thì sẽ có người đến ‘hỏi chuyện’”, người lái xe ôm cho biết.

Từ Bến xe Giáp Bát xuôi về hướng huyện Thường Tín chừng hơn 3km là đường Phan Trọng Tuệ. Đây là 1 trong 4 điểm phức tạp về tệ nạn mại dâm nằm trong kế hoạch xóa sổ của cơ quan chức năng.

Ghi nhận cho thấy, chỉ hơn 100m, từ nút giao Ngọc Hồi - Phan Trọng Tuệ hướng về Công ty Điện lực Thanh Trì, 2 bên đường có đến hàng chục quán tẩm quất, massage “lành mạnh”.

Biển ghi là “lành mạnh” nhưng theo lời chèo kéo của một chủ cơ sở tại đây thì nếu các “thượng đế” có nhu cầu thêm vẫn sẽ được phục vụ. Người này báo giá gói massage là 120.000 đồng cho 50 phút còn các dịch vụ “nhiệt tình” hơn thì tùy theo nhu cầu của khách.

Từ địa điểm trên, tiếp tục di chuyển hơn 2km theo chiều hướng về huyện Thường Tín là 1 điểm phức tạp khác trên địa bàn huyện Thanh Trì về tệ nạn mại dâm, ngã ba Ngọc Hồi. Theo ghi nhận, tại những căn nhà nhỏ nằm ngay sát đường sắt hướng ra đường lớn có rất nhiều các cô gái ăn mặc mát mẻ ngồi chờ khách dưới ánh sáng mờ ảo.

Khi khách có nhu cầu, những cô gái này sẽ trực tiếp phục vụ tại một căn phòng bên trong hoặc di chuyển đến địa điểm khác theo yêu cầu của khách. Tại khu vực này, không hiếm cảnh những người làm xe ôm dựng xe chờ khách ngay cả khi trời còn rất tối.

Bà N.T.L. (một người dân địa phương) thắc mắc không hiểu vì lý do gì, những điểm mại dâm này đã hoạt động từ nhiều năm nay nhưng không bị chính quyền triệt xóa.

Theo Công an huyện Thanh Trì, hiện trên địa bàn có gần 300 cơ sở kinh doanh có điều kiện và dịch vụ nhạy cảm về an ninh trật tự. Trong đó có 51 cơ sở karaoke, 79 cơ sở lưu trú (nhà nghỉ, khách sạn), 51 cơ sở tẩm quất, massage.

Công an huyện Thanh Trì mới đây đã tổ chức tuyên truyền và ký cam kết việc chấp hành pháp luật đối với cơ sở kinh doanh có điều kiện và dịch vụ nhạy cảm về an ninh trật tự trên địa bàn nhằm giúp các cơ sở kinh doanh nắm vững các quy định của pháp luật, không để xảy ra vi phạm.

Chủ các cơ sở kinh doanh có điều kiện và dịch vụ nhạy cảm về an ninh trật tự đã ký cam kết về việc chấp hành pháp luật. Trong đó có nội dung không sử dụng cơ sở kinh doanh để tổ chức các hoạt động tệ nạn xã hội hoặc các hành vi vi phạm pháp luật.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

MIT miễn học phí cho sinh viên đến từ gia đình thu nhập thấp.

MIT miễn học phí cho sinh viên

GD&TĐ - Từ học kỳ mùa Thu năm 2025, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), sẽ miễn học phí cho sinh viên thuộc gia đình có thu nhập dưới 200 nghìn USD.

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.