Không chỉ các trung tâm đăng kiểm trực thuộc Sở GTVT mà tới đây, các đơn vị đăng kiểm xe cơ giới, Chi cục Đăng kiểm phương tiện thủy nội địa trực thuộc Cục Đăng kiểm Việt Nam cũng sẽ phải thực hiện cổ phần hóa.
Tăng tính cạnh tranh dịch vụ đăng kiểm
Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc vừa ký Quyết định số 17/2024/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 26/2021/QĐ-TTg về danh mục ngành, lĩnh vực thực hiện chuyển đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần, có hiệu lực từ ngày 10/12/2024.
Quyết định đã bổ sung thêm 3 ngành, lĩnh vực đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện chuyển thành công ty cổ phần, Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ gồm: Kiểm định kỹ thuật an toàn lao động; Kiểm định xây dựng; Kiểm định kỹ thuật phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, phương tiện thuỷ nội địa (trừ lĩnh vực đăng kiểm tàu biển và công trình biển).
Như vậy tới đây, không chỉ các trung tâm đăng kiểm trực thuộc Sở GTVT mà các đơn vị đăng kiểm xe cơ giới, Chi cục Đăng kiểm phương tiện thủy nội địa trực thuộc Cục Đăng kiểm Việt Nam cũng sẽ phải thực hiện cổ phần hóa. Điều này phù hợp với tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Bộ GTVT trong việc xây dựng Đề án tách bạch công tác quản lý Nhà nước và cung cấp dịch vụ đăng kiểm của Cục Đăng kiểm Việt Nam.
Được biết, từ năm 2016, tại nhiều địa phương, bên cạnh các trung tâm đăng kiểm tư nhân, nhiều trung tâm đăng kiểm trước đây là đơn vị trực thuộc Sở GTVT cũng đã thực hiện cổ phần hóa.
Theo các đơn vị đăng kiểm, việc cổ phần hóa giúp tạo môi trường bình đẳng giữa các trung tâm đăng kiểm, đồng thời, tạo ra xu hướng nâng cao chất lượng dịch vụ. Hầu hết các trung tâm đăng kiểm đã chú trọng hơn trong việc phục vụ khách hàng, xây dựng phòng chờ tiện nghi, vừa tăng khả năng cạnh tranh trong lĩnh vực đăng kiểm mà người dân cũng được hưởng lợi.
Anh Hoàng Văn Minh (Ba Đình, Hà Nội) đang làm lái xe công nghệ cho rằng, việc cổ phần hóa vừa giúp giảm chi phí đầu tư của Nhà nước, vừa tạo sự cạnh tranh công bằng giữa các đơn vị đăng kiểm.
Khi không còn những “đặc quyền” dành cho đơn vị đăng kiểm Nhà nước thì để tồn tại các trung tâm buộc phải nâng cao chất lượng dịch vụ, thái độ phục vụ khách hàng. “Tôi rất ủng hộ chủ trương này, vừa giảm chi phí đầu tư của Nhà nước, vừa nâng cao năng lực cạnh tranh mang lại dịch vụ tốt hơn cho người dân”, anh Minh chia sẻ.
Chuyên gia Trần Minh Phong cho rằng, với chủ trương này, những gì tư nhân có thể làm tốt thì để cho dân làm nhằm tận dụng nguồn lực rất lớn mà Nhà nước khó có thể đầu tư lớn được.
“Đối với ngành đăng kiểm lâu nay tồn tại nhiều bất cập, ngay cả khi vụ án đăng kiểm đang diễn ra thì vẫn có nhiều phản ánh về hiện tượng tiêu cực ở một số trung tâm đăng kiểm. Vì vậy tôi rất ủng hộ chủ trương này, vừa giảm chi phí đầu tư của Nhà nước, vừa nâng cao năng lực cạnh tranh mang lại dịch vụ tốt hơn cho người dân”, vị chuyên gia bày tỏ.
Người dân giám sát, phản ánh, ngăn tiêu cực đăng kiểm
Ngay sau đại án đăng kiểm xảy ra khiến hoạt động kiểm định xe cơ giới trên toàn quốc rơi vào khủng hoảng, để nhanh chóng tiếp nhận phản ánh của người dân trong lĩnh vực kiểm định, năm 2023, Cục Đăng kiểm Việt Nam đã công bố số điện thoại đường dây nóng gồm: 024.37684702 hoặc 0985961766 rộng rãi trên báo chí truyền thông, cổng thông tin điện tử của cục.
Đồng thời cũng yêu cầu các trung tâm đăng kiểm niêm yết thông tin này tại phòng chờ kiểm định để người dân nắm được.
Nhờ tăng cường sự kết nối giữa người dân và cơ quan quản lý, Cục Đăng kiểm Việt Nam đã nhanh chóng nhận được những phản ánh của người dân liên quan đến hoạt động kiểm định tại các đơn vị đăng kiểm, những thắc mắc, khó khăn khi đưa xe đi kiểm định.
Từ đó, kịp thời có những chỉ đạo, hướng dẫn trung tâm đăng kiểm thực hiện đúng quy định của pháp luật về kiểm định xe cơ giới, không gây khó dễ, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.
Đáng phải kể đến đó là việc kịp thời chỉ đạo nghiêm cấm các trung tâm đăng kiểm từ chối xe đặt lịch kiểm định trực tuyến, nghiêm cấm việc chỉ nhận thanh toán tiền mặt, cảnh báo tình trạng giả mạo cán bộ Cục Đăng kiểm, Sở GTVT để bán tem kiểm định giả,…
Mới đây, thông qua phản ánh của người dân, Cục Đăng kiểm Việt Nam cũng tiếp nhận nhiều thông tin liên quan đến tiêu cực tại một số trung tâm đăng kiểm.
Theo đó, có hiện tượng đăng kiểm viên, nhân viên nghiệp vụ đã gợi ý, xin tiền bồi dưỡng của chủ xe khi đưa phương tiện đến kiểm định; gợi ý chủ xe phải mua bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự trong khi phương tiện; đơn vị đăng kiểm “tiếp tay” thực hiện kiểm định cho xe ô tô tải cơi nới thành, thùng hàng; các đăng kiểm viên tại một số trung tâm đăng kiểm thực hiện không thống nhất với cùng một nội dung kiểm tra;…
Từ đó, Cục Đăng kiểm Việt Nam đã có văn bản gửi các đơn vị đăng kiểm yêu cầu tuân thủ đúng các quy định về kiểm định ATKT & BVMT phương tiện giao thông cơ giới đường bộ và các văn bản chỉ đạo của Cục Đăng kiểm Việt Nam liên quan đến hoạt động kiểm định xe cơ giới. Không được tuỳ tiện, tự ý đưa ra các yêu cầu hoặc hướng dẫn chủ phương tiện thực hiện không có trong quy định của pháp luật.
Nhiều ý kiến đánh giá, việc công bố số điện thoại đường dây nóng cũng như thường xuyên rà soát thông tin trên mạng xã hội để tiếp nhận phản ánh của người dân như Cục Đăng kiểm Việt Nam đang thực hiện là cần thiết và cần được duy trì thường xuyên.
Đồng thời, sau khi tiếp nhận, cơ quan quản lý cũng cần khẩn trương kiểm tra, xác minh thông tin và có phản hồi kịp thời đến người dân. Qua đó, tạo sự tin cậy cũng như khuyến khích người dân, doanh nghiệp chủ động hơn trong phản ánh các thông tin liên quan đến lĩnh vực đăng kiểm xe cơ giới.
Theo thống kê, cả nước có 292 trung tâm đăng kiểm xe cơ giới với 542 dây chuyền. Trong đó có gần 200 đơn vị trực thuộc các doanh nghiệp, 64 đơn vị thuộc các Sở GTVT và 20 đơn vị thuộc Cục Đăng kiểm Việt Nam.