Tận dụng 15 ngày giãn cách xã hội toàn TPHCM để chặn đứng đẩy lùi dịch COVID-19

GD&TĐ - Đó là nhấn mạnh của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong khi kết luận tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TPHCM sáng 7/6.

Cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TPHCM sáng 7/6. Nguồn: Báo Chính phủ.
Cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TPHCM sáng 7/6. Nguồn: Báo Chính phủ.

Kết luận tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TPHCM sáng 7/6, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cho biết, TPHCM là địa phương có số ca mắc đứng thứ 4 cả nước và dự báo sẽ tiếp tục ghi nhận các ca mắc rải rác, các chùm ca bệnh trong khu vực cách ly và trong cộng đồng do các biện pháp xét nghiệm, tầm soát trên diện rộng của TPHCM được đẩy mạnh.

Ông Nguyễn Thành Phong nhận định, về tổng thể, dịch bệnh tại TPHCM vẫn đang trong tầm kiểm soát và đang có dấu hiệu chững lại. Tuy nhiên, do xuất hiện cả biến chủng Ấn Độ và biến chủng Anh đã trải qua 4-5 chu kỳ lây nhiễm nên công tác kiểm soát dịch phải thần tốc, quyết liệt, mạnh mẽ hơn nữa.

Ông Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh, chúng ta không vì kết quả số ca nhiễm chững lại mà làm suy giảm các biện pháp phòng chống dịch đã đề ra, nhất là áp dụng Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ.

Đảm bảo kiểm soát nguồn lây bệnh nhưng không "ngăn sông cấm chợ"

Trên tinh thần tổng tiến công toàn lực, tận dụng 15 ngày giãn cách xã hội toàn TPHCM để chặn đứng đẩy lùi dịch bệnh, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong yêu cầu các sở, ngành, quận huyện, TP Thủ Đức thực hiện nghiêm Công điện số 789 ngày 5/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ về các biện pháp phòng chống dịch và phát triển kinh tế, thực hiện nhiệm vụ kép với các nội dung trọng tâm như:

Trao đổi thống nhất với các địa phương có liên quan để thống nhất áp dụng các biện pháp trong quản lý hoạt động vận tải kể cả vận chuyển hành khách, công nhân, hàng hóa, nguyên liệu sản xuất… đảm bảo kiểm soát nguồn lây bệnh nhưng không "ngăn sông cấm chợ", không gây ách tắc, ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh.

Chủ tịch UBND TPHCM yêu cầu, các đơn vị thực hiện việc chấp hành cách ly y tế đúng đối tượng quy định đối với người đến từ vùng dịch; chỉ đạo thực hiện khai báo y tế bắt buộc đối với tất cả người tham gia vận tải hàng hóa, vận tải vật tư, trang thiết bị phục vụ phòng chống dịch, người sản xuất kinh doanh và người lao động trong các khu công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp và xử phạt nghiêm các trường hợp không khai báo, khai báo không trung thực; duy trì nghiêm các biện pháp phòng chống dịch tại Chỉ thị 15, 16 của Thủ tướng Chính phủ và các chỉ đạo của TPHCM.

Bên cạnh đó, siết chặt các kỷ luật, kỷ cương phòng chống dịch tại công sở, thực hiện nghiêm chỉ đạo của UBND TPHCM về thay đổi phương thức làm việc tại cơ quan, đơn vị nhà nước đã được ban hành; cán bộ, công chức, người lao động không tiếp khách tại công sở, trừ trường hợp khách có thư mời.

Mỗi cơ quan đơn vị đi họp hết sức chú ý đến đối tượng tham gia họp; thực hiện giãn cách triệt để tại các chợ truyền thống và chợ đầu mối, các địa phương có trách nhiệm bố trí các chốt để kiểm soát y tế và khuyến khích, động viên người dân thực hiện nghiêm thông điệp 5K. Nhân rộng các mô hình phòng chống dịch hiệu quả tại các công sở, bệnh viện, doanh nghiệp, nhà máy, cơ sở sản xuất để đảm bảo đồng bộ cao nhất biện pháp phòng chống dịch trên địa bàn TPHCM.

Chủ tịch UBND TPHCM yêu cầu UBND quận huyện, TP Thủ Đức tăng cường kiểm soát, kiểm tra giám sát, huy động và điều phối nguồn lực tại phường, xã, thị trấn để huy động lực lượng cho các chốt cách ly trên địa bàn. Tập trung tuyên truyền vận động quỹ vaccine phòng chống Covid-19 và kịp thời thông tin biểu dương những cá nhân tích cực ủng hộ công tác phòng chống dịch trên địa bàn TPHCM.

Ngành y tế huy động tổng lực tham gia xét nghiệm, bảo đảm không tồn mẫu xét nghiệm nhất là mẫu F1, F2 và phấn đấu lấy mẫu xét nghiệm và có kết quả trong 8 giờ khi phát hiện khu vực có ca nhiễm hoặc nghi nhiễm. Gấp rút triển khai và xếp theo thứ tự ưu tiên để xét nghiệm cho toàn bộ khu công nghiệp, khu chế xuất - khu công nghệ cao trên địa bàn TPHCM.

Hướng dẫn các quận huyện, TP Thủ Đức rà soát lại cơ sở vật chất trên địa bàn để bố trí làm nơi cách ly tập trung, với nguyên tắc phải có kế hoạch cụ thể cho từng tình huống cụ thể và không để thiếu chỗ cách ly theo diễn biến dịch bệnh.

Bên cạnh đó, Sở Y tế TPHCM đánh giá tổng thể những tồn tại, hạn chế trong công tác phòng chống dịch tại các cơ sở y tế, nhất là tại các cơ sở y tế đã bị phong tỏa để khắc phục, không để xảy ra tình trạng tương tự. Kiểm tra tất cả phương án phòng chống dịch trên địa bàn, trong trường hợp Sở Y tế không đủ nhân lực, giao cho quận huyện có bệnh viện đóng trên địa bàn kiểm tra.

Cố gắng rà soát lại công tác phòng chống dịch bệnh tại các bệnh viện, khuyến khích các bệnh viện triển khai chương trình chăm sóc toàn diện cho người bệnh, hạn chế người nuôi bệnh; giám sát các nhà thuốc tư nhân, khi người dân có dấu hiệu ho, sốt, khó thở đến khám, mua thuốc thì nhà thuốc phải phối hợp với trạm y tế để phối hợp tầm soát dịch bệnh.

Cần thiết triển khai biện pháp mạnh hơn nữa để khống chế dịch bệnh trong thời gian sớm nhất

Ông Nguyễn Thanh Phong yêu cầu Sở Y tế đánh giá hiệu quả cách ly xã hội đã triển khai trên địa bàn TPHCM, cần thiết triển khai biện pháp mạnh hơn nữa để khống chế dịch bệnh trong thời gian sớm nhất.

Đề nghị các quận huyện, đặc biệt là các quận huyện có số ca mắc nhiều như Gò Vấp, Tân Bình, Tân Phú, Bình Thạnh… đánh giá 1 tuần qua khi thực hiện cách ly xã hội với các biện pháp triển khai mang lại hiệu quả như thế nào, cần tăng cường gì?.

Ban Quản lý Khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao khẩn trương tham mưu cho UBND TPHCM kế hoạch cho một số doanh nghiệp vừa cách ly vừa sản xuất, nhằm đảm bảo cho chủ doanh nghiệp vừa sản xuất vừa bảo vệ chăm sóc sức khỏe cho người lao động.

Siết chặt giãn cách và các biện pháp phòng chống dịch theo Bộ tiêu chí tại các nhà máy, cơ sở sản xuất. Khuyến khích các doanh nghiệp điều chỉnh giờ làm việc để hạn chế tập trung đông người, đưa đón người lao động, cũng như ăn trưa bố trí vị trí cố định và sẵn sàng truy vết khi có yêu cầu.

Ban Tôn giáo TPHCM tăng cường công tác quản lý nhà nước về tôn giáo, nhất là các điểm nhóm tôn giáo do UBND phường xã cấp phép; khuyến khích các cơ sở tôn giáo giãn lễ, thuyết pháp trực tuyến qua internet. Quan tâm nhắc nhở chức sắc, tín đồ kịp thời phát hiện thông báo tới chính quyền, cơ quan y tế về các nguy cơ lây bệnh, thực hiện các biện pháp khoanh vùng cách ly địa bàn có dịch.

Sở Công Thương chỉ đạo hướng dẫn các đơn vị đảm bảo thuận lợi cho giao thương, tiêu thụ cung ứng hàng hóa giữa TPHCM với các địa phương khác. Chuẩn bị hàng hóa phục vụ nhân dân trong 6 tháng để phòng ngừa khi diễn biến dịch còn xấu theo đúng tinh thần chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính Phủ.

Các đoàn thể của TPHCM phát động phong trào tình nguyện, tham gia phòng chống dịch, chuẩn bị sẵn sàng tình nguyện hỗ trợ cho các quận huyện, TP Thủ Đức, phường, xã, thị trấn, nhất là các đơn vị có nhiều chốt và điểm cách ly. Người dân TPHCM khi có dấu hiệu ho, sốt, khó thở phải chủ động liên hệ với các cơ sở y tế để tầm soát dịch bệnh. Tuyệt đối không chần chừ do dự.

Người dân có bệnh nền như ung thư, thận mãn tính, phổi tắc nghẽn mãn tính, hen suyễn, hệ miễn dịch suy yếu… cần ở nhà toàn thời gian và chỉ ra ngoài khi đến các cơ sở y tế hoặc mua lương thực, thực phẩm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Lá bài cuối cùng

GD&TĐ - Sau hơn một năm xung đột dữ dội, cả dải đất Gaza gần như đã bị biến thành đống đổ nát và trở thành một cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ.