Xe buýt khởi hành từ thủ đô Lebanon đến Raqqa. Ảnh: CNN |
Chiếc xe buýt trông khá bình thường, với cửa sổ hơi nứt và bám bụi, bảng điều khiển mất vài nút. Nhưng khi các hành khách nói rằng họ sắp khởi hành với tấm vé một chiều đến cõi chết, họ không hề phóng đại.
Qua đường chui tối tăm và ẩm ướt, xe buýt từ trạm Charles Helou rời trung tâm Beirut, Lebanon để đến Raqqa. Tuyến xe đã hoạt động trong nhiều năm, trước khi Raqqa trở thành thành trì của nhóm phiến quân Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Xe buýt giờ đi qua ranh giới nguy hiểm nhất trên thế giới, nhưng vẫn có người tự nguyện lên nó.
Trong một hành trình 24 giờ, nó di chuyển từ Beirut, đi qua biên giới để vào Damascus. Sau đó, xe đến Palmyra, nơi đang bị IS kiểm soát, trước khi di chuyển về phía bắc để vào Raqqa.
9 hành khách mà nhóm phóng viên CNN gặp tin rằng IS sẽ để họ vào Raqqa. Điều đó cho thấy họ có người quen ở đó, nhưng họ không nói rõ. Không hành khách nào đồng ý lên hình hay đề tên.
Họ hút những điều thuốc cuối cùng, không phải vì họ lo sẽ bỏ mạng trên đường đi, mà vì IS cấm hút thuốc. IS cũng cấm âm nhạc và nhiều hoạt động bình thường khác trong cuộc sống hiện đại. Người không tuân theo có thể bị đánh đập, hay thậm chí bị cắt đầu.
Vì vậy, có một quá trình "làm sạch" lạ lùng diễn ra trên xe. Những người hút thuốc nhúng ngón tay vào trong nước hoa để khử mùi. Nhạc, hình ảnh nhạy cảm, số điện thoại của những người bạn có quan hệ với chính quyền Syria - tất cả đều bị xóa. IS kiểm tra những điều này triệt để.
Người quản lý của xe buýt giải thích các quy tắc cho chuyến đi. "Phụ nữ không ăn mặc theo đúng quy cách IS sẽ bị bắt đi học lại luật lệ Hồi giáo", ông nói. "Tất nhiên cô ấy cần phải có một người thân là nam đi cùng. Đàn ông phải để râu dài và tỉa ria. Không được mặc quần bó và quá ngắn. Nhưng IS biết rằng khi mọi người đi đường dài, họ có thể không luôn tuân thủ được như vậy, vì vậy, đôi khi nhóm cũng bỏ qua".
Xe xuất phát từ Beirut, đi qua Damascus và Palmyra trước khi đến Raqqa. Đồ họa: CNN |
Một chiều
Hành trình đến thành trì IS đầy rẫy hiểm nguy. Đôi khi, một chiến đấu cơ sẽ bay rất thấp ngay trên xe buýt, có những lúc xe bị trúng đạn bắn tỉa. Hầu hết trường hợp, họ vẫn tiếp tục hành trình.
"Máy bay có thể thả bom ngay gần xe buýt, đó là chuyện bình thường! Nhưng không ai có thể nấp xuống khi bị bắn tỉa, đó là khi hành khách thực sự sợ hãi", người quản lý nói.
Xe buýt luôn quay lại trống rỗng. IS hiếm khi cho phép người ra ngoài. Điều đó dẫn đến câu hỏi tại sao các hành khách lại quyết định tự đầu hàng để sống dưới trướng IS? Một nhóm hành khách có lý do cụ thể, họ đưa thi thể họ hàng về chôn cất ở quê nhà. Người thân của họ qua đời vì đau tim.
Liệu có thể rời khỏi Raqqa trên xe buýt này không? Có hai câu chuyện cho thấy việc đó là có thể. Một người đàn ông nói rằng người bệnh đôi khi được phép rời khỏi thành phố trong 15 ngày để đi điều trị. Nếu họ quay lại quá hạn, nhà cửa và tài sản của họ ở Raqqa sẽ bị tịch thu. Một phụ nữ có con gái sống tại Raqqa nói rằng bà vừa đến vùng Vịnh và đang trên đường về nhà.
Một người đàn ông kể về nỗi buồn tại quê hương, nơi con anh đã không ra khỏi nhà vào ban ngày để đi học trong suốt 4 năm.
"Nơi đó từng là thiên đường", ông nói. Nhưng IS, chiến tranh, sự nghèo khổ và thậm chí cả rác rưởi trên đường phố, "tất cả đã biến nó thành địa ngục".