Nửa đời bán phấn buôn hương
Sớm mồ côi mẹ, chị Trần Thị Minh Nguyệt (SN 1957, trú tại xóm Bàn Bàng, xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng) đã phải trải qua biết bao nhiêu khó khăn. Vì cuộc sống, chị Nguyệt phải lấy nhan sắc của mình để làm say lòng những kẻ hiếu sắc. Để rồi khi về già, dư âm của những tháng năm tuổi trẻ khiến đường hoàn lương của người phụ nữ bất hạnh ấy cứ chông chênh cùng bệnh tật và sự nghèo khó…
Mỗi khi nhắc lại quá khứ, chị Nguyệt không khỏi bùi ngùi. Cuộc đời của người phụ nữ “hồng nhan” dần mở ra qua từng tiếng nấc nghẹn. Theo lời kể của chị Nguyệt, chị sinh ra trong một gia đình nghèo ở huyện Núi Thành (tỉnh Quảng Nam).
Lúc chị mới chập chững tập đi thì mẹ mất vì bạo bệnh. Ngay sau đó, cha chị cũng bỏ lại đứa con gái chưa được 2 tuổi đi biệt tích. Trở thành trẻ mồ côi, chị Nguyệt được bà ngoại đón về nuôi nấng. Bà cháu rau cháo nuôi nhau, đến cái ăn cũng khó nên chị Nguyệt chưa một ngày được đến lớp.
Năm 13 tuổi, số phận một lần nữa thử thách cuộc đời chị khi bà ngoại bị ốm nặng. Không tiền chữa chạy, chị Nguyệt đành nuốt ngược nước mắt nhìn bà ngoại trút hơi thở cuối cùng. Bà mất, chị sống một mình trong căn nhà rách nát, hàng ngày lên rừng đốn củi mang ra chợ bán kiếm tiền.
Tuy nhiên, với một đứa trẻ còn cần nhiều sự bao bọc của người thân, chị Nguyệt tìm đến nhà chú ruột bấu víu. Nhưng ở đây, mỗi ngày chị phải đổi hai bữa cơm bằng những lời chì chiết, chửi mắng của người thím nên chị đã quyết định ra đi, phó mặc cuộc đời mình cho số phận.
Lang thang, bước chân vô định đưa chị Nguyệt đến những điểm ăn chơi nổi tiếng của TP Đà Nẵng. Với nhan sắc trời cho, chị Nguyệt được nhiều má mì để ý. Trong một lần không kiềm chế bản thân, chị đã dấn thân vào con đường "buôn hoa bán phấn". Cứ thế, chị Nguyệt trượt dài và trở thành người ăn chơi khét tiếng ở TP Đà Nẵng lúc bấy giờ.
Năm 1982, trong một lần đứng đợi khách, chị Nguyệt bị công an bắt đưa đi phục hồi nhân phẩm tại Trung tâm Bàn Bàng. Năm 1984, chị Nguyệt ra trại. Vì không nhà cửa, không người thân, không nơi bám víu, chị xin ở lại Trung tâm làm việc nhưng bị từ chối. Cùng lúc, ở quê nhà, người thân, hàng xóm bàn ra tán vào xa lánh, buộc chị lại tiếp tục “đứng đường”. Một năm sau, chị lại bị bắt, đưa trở về Trung tâm cải tạo.
Qua hai lần bị bắt đi cải tạo, chị Nguyệt hiểu ra lỗi lầm trong cuộc đời mình cần dừng lại. Tuy nhiên, cũng như nhiều chị em khác, tất cả đều không muốn về quê vì mặc cảm nên đã bám trụ lại mảnh đất giúp mình “xóa vết nhơ”.
Bến đỗ nhọc nhằn
Bất hạnh vẫn chưa dừng lại khi đầu năm 2012, chị Nguyệt phát hiện ngực mình đau dữ dội. Khi được bà con trong xóm chở đến Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng khám, chị lặng người nhận kết quả bị ung thư vú, phải mổ gấp. “Tôi làm chi có tiền, dành dụm mấy năm trời cũng chỉ được 400 ngàn đồng. Người thân cũng không có để nhờ vả, lúc đó tôi đành nhờ chị Trần Thị Phúc (SN 1953, người cùng hoàn lương với chị Nguyệt) bán căn nhà tạm để lấy tiền chữa trị”, chị Nguyệt nói.
Sau khi rời viện, chị Nguyệt không còn nhà để về. Thấy chị Nguyệt ôm quần áo ngồi khóc giữa đường, chị Phúc giang rộng vòng tay đón đến ở chung. Hoàn cảnh chị Phúc cũng không khá giả gì. Sau khi ra trại, người phụ nữ này xin một bé gái về nuôi cho đỡ buồn. Lớn lên, cô con gái nuôi lập gia đình nhưng rồi “đứt gánh giữa đường” đành ôm 2 cháu về nương nhờ nhà mẹ.
Nghèo khó, do đó chị Phúc chỉ biết giúp chị Nguyệt chỗ ngơi nghỉ. “Tháng 8/2013, chị Nguyệt tiếp tục bị đau ở ngực, đi khám bác sĩ bảo bị phù tim. Thời gian sau này, tay phải của chị Nguyệt không hoạt động được. Hàng ngày đi lấy củi kiếm tiền mua thuốc, chị Nguyệt toàn dùng tay trái, gắng gượng lắm mới mong được 20.000 đồng. Có tiền, hàng tháng, cô Nguyệt đi nhờ xe cán bộ Trung tâm 05 - 06 xuống Bệnh viên Đa khoa Đà Nẵng mua thuốc uống. Biết là cực, nhưng cũng chẳng biết nhờ ai…”, chị Phúc kể.
Nghe chị Phúc nói về mình, chị Nguyệt vội xua tay phân bua: “Cuộc đời tôi nhiều lầm lỡ rồi, giờ được sự quan tâm của anh chị em, hàng xóm như thế là quá đủ. Còn đi lại được, tôi sẽ cố gắng lo cho bản thân để khỏi phiền hà mọi người. Khi về già, tôi tính xin vào Trung tâm bảo trợ người neo đơn, cơ nhỡ, hi vọng qua đời có người chôn cất”.
Chị Nguyệt tâm sự: “Xóm Bàn Bàng giờ đã "thay da đổi thịt" nhiều, những căn nhà ngói đỏ, con đường bê tông chạy xuyên suốt làng. Còn trước kia vùng này hoang vu lắm, không có người chỉ thấy rừng với rừng. Nhưng với quyết tâm làm lại cuộc đời, những người phụ nữ có mặt đầu tiên ở đây đã lên rừng kiếm gỗ, lá cây rồi giúp nhau dựng lên những căn nhà lá ở tạm. Những ngày mùa mưa, ngôi làng giống như một ốc đảo nhỏ, bốn bề toàn nước và rừng cây”.
Chị Nguyệt tâm sự: “Xóm Bàn Bàng giờ đã "thay da đổi thịt" nhiều, những căn nhà ngói đỏ, con đường bê tông chạy xuyên suốt làng. Còn trước kia vùng này hoang vu lắm, không có người chỉ thấy rừng với rừng. Nhưng với quyết tâm làm lại cuộc đời, những người phụ nữ có mặt đầu tiên ở đây đã lên rừng kiếm gỗ, lá cây rồi giúp nhau dựng lên những căn nhà lá ở tạm. Những ngày mùa mưa, ngôi làng giống như một ốc đảo nhỏ, bốn bề toàn nước và rừng cây”.