Tam quốc diễn nghĩa: Lý do Tôn Quyền đánh úp khiến Quan Vũ phải bỏ mạng

Tam quốc diễn nghĩa: Lý do Tôn Quyền đánh úp khiến Quan Vũ phải bỏ mạng

Quan Vũ (? - 220), tự Vân Trường, là một trong những nhân vật lịch sử nổi tiếng vào giai đoạn cuối thời Đông Hán và thời Tam quốc trong lịch sử Trung Quốc.

Dù không có chứng cứ lịch sử, Quan Vũ thường được dân gian xem là anh em kết nghĩa với Lưu Bị và Trương Phi, và là người đứng đầu trong số ngũ hổ tướng của nhà Thục Hán gồm: Quan Vũ, Trương Phi, Triệu Vân, Mã Siêu và Hoàng Trung.

Ông được sử sách miêu tả là một võ tướng kiêu dũng thiện chiến, đồng thời cũng được xem như biểu tượng của tinh thần trung nghĩa. Chỉ tiếc rằng một võ tướng lừng danh như Quan Vũ cuối cùng lại phải ra đi trong sự tiếc nuối khi mà đại nghiệp của Thục Hán vẫn chưa thành.

Tôn Quyền đánh Quan Vũ vì những hành động khiêu khích của ông trước đó

Năm 215 sau khi đất Kinh Châu được phân chia lại cho hai phe Tôn – Lưu, Quan Vũ được Thục Hán cắt cử làm người trấn giữ tại nơi này. Tại đây, cả Tôn Quyền và Lưu Bị đều muốn độc chiếm Kinh Châu nên liên tiếp xảy ra tranh chấp.

Tôn Quyền sau đó tiếp tục muốn củng cố tình thân với Lưu Bị, bèn sai sứ giả đến xin cầu hôn con gái Quan Vũ cho con trai mình. Tuy nhiên, Quan Vũ không nhận thức được tầm quan trọng của liên minh Tôn – Lưu như Gia Cát Lượng từng nhấn mạnh, không những ông từ chối mà còn nhục mạ Tôn Quyền. Ông quát vào mặt sứ giả Đông Ngô: Con gái ta như loài hổ, lại thèm gả cho loài chó à!.

TV Show - Tam quốc diễn nghĩa: Lý do Tôn Quyền đánh úp khiến Quan Vũ phải bỏ mạng (Hình 2).

Quan Vũ quá coi thường Tôn Quyền, nên chuốc lấy họa sát thân.

Từ đó quan hệ giữa Đông Ngô và Kinh Châu lại căng thẳng hơn trước. Người duy nhất chủ trương giữ hòa khí với Lưu Bị là Lỗ Túc đã qua đời nên Tôn Quyền chủ trương ngả theo Tào Tháo để lấy toàn bộ Kinh Châu.

Đến năm 219, Quan Vũ bắc phạt, tấn công Phàn Thành, giành chiến thắng trước quân của Tào Nhân. Tuy nhiên Phàn Thành vẫn còn nằm trong tay quân Tào, Quan Vũ xua quân vây thành, tình hình nghiêm trọng đến nỗi Tào Tháo muốn bỏ quốc đô Hứa Xương chạy về phía bắc.

Điển Lược viết: Vũ vây Phàn thành, Quyền sai sứ đến xin xuất binh giúp đỡ, song Quyền chẳng vội vã tiến binh, chỉ phái quan chủ bạ đến báo cho Vũ biết. Vũ giận vì đợi lâu, lại bởi lúc ấy mới bắt được bọn Vu Cấm, bèn mắng rằng: “Tặc tử sao dám vậy, ví như lấy xong Phàn thành, ta chẳng thể diệt hắn ư!” Quyền nghe nói vậy, biết Vũ coi rẻ mình, mới vờ viết thư tạ lỗi, hứa sẽ xuất binh giúp Vũ.

Tuy nhiên, Tôn Quyền, bực mình vì những hành động khiêu khích của Quan Vũ trước đó (bao gồm cả việc cướp lấy lương thực của Tôn Quyền để dùng cho chiến dịch bắc phạt), nắm lấy cơ hội này, sai Lã Mông cất quân dùng kế áo trắng qua đò mà đánh vào Kinh Châu.

Hai tướng My Phương và Phó Sĩ Nhân bất bình với Quan Vũ, bèn dâng Giang Lăng và thành Công An cho Tôn Quyền. Quan Vũ hạ lệnh giải vây Phàn Thành rút lui về Kinh Châu, mới biết Giang Lăng và Công An đã mất, phải chạy về Mạch Thành (Phía đông nam đường từ Hồ Bắc tới Đương Dương).

Sau khi thất thế trước phe Tôn Quyền, Quan Vũ đã yêu cầu thêm viện binh, tuy nhiên hai tướng Thục Hán trú đóng ở gần ông khi đó là Mạnh Đạt và Lưu Phong đều án binh bất động.

Tháng Chạp năm 219, Tôn Quyền sai người dụ hàng Quan Vũ. Quan Vũ giả vờ đầu hàng, nhưng lại dẫn 10 kỵ quân chạy tới Lâm Thư nằm ở tây bắc Tương Dương thì bị tướng Ngô là Chu Nhiên và Phan Chương bắt mang về. Từ đó Đông Ngô khống chế toàn bộ phía nam sông Trường Giang, gồm Kinh Châu và Dương Châu.

Cuối cùng tới năm 220, Tôn Quyền giết chết Quan Vũ, sai người mang đầu ông đến Lạc Dương nộp cho Tào Tháo. Tào Tháo hậu táng cho Quan Vũ, lại phong Tôn Quyền làm Phiêu kị tướng quân, Kinh châu mục, tước Nam Xương hầu, nhằm làm Lưu Bị thù hận Tôn Quyền.

TV Show - Tam quốc diễn nghĩa: Lý do Tôn Quyền đánh úp khiến Quan Vũ phải bỏ mạng (Hình 3).

Quan Vũ đã thất thế hoàn toàn trước quân Đông Ngô và phải chịu án chém đầu.

Sau cái chết của Quan Vũ, Lưu Bị đã ban án tử cho người con nuôi Lưu Phong vì thấy chết không cứu. Cùng với đó, ông đã tiến hành phát động cuộc chiến chinh phạt Đông Ngô để báo thù cho Quan Vũ.

Chỉ tiếc rằng kết quả của cuộc chiến này lại là thất bại nặng nề của Thục Hán trong trận Di Lăng, Lưu Bị buộc phải lui quân về thành Bạch Đế rồi u sầu qua đời không lâu sau đó.

Theo nguoiduatin

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ