Khoảng hơn mười năm gần đây, Âm nhạc và Mỹ thuật đã được chính thức đưa vào chương trình học phổ thông ở cấp Tiểu học và THCS, tuy nhiên việc dạy và học các môn học này vẫn còn nhiều bất cập.
Vai trò và tầm quan trọng của việc GDNT
Theo PGS. TSKH Phan Lê Hòa – Hiệu trưởng trường ĐH Sư Phạm Nghệ thuật Trung ương cho biết: Tại nhiều quốc gia trên thế giới, giáo dục nghệ thuật (GDNT) được quan tâm đặc biệt bởi họ nhận thức được rõ những tác động tích cực của nó đến sự hình thành nhân cách cũng như trí tuệ của lớp trẻ.
Vì vậy, trong chương trình giáo dục ở các bậc học phổ thông, một số loại hình nghệ thuật như Âm nhạc, Mỹ thuật, Điêu khắc, Sân khấu, Điện ảnh… đã đưa vào nhà trường làm phương tiện để giáo dục và tác động vào thế giới tinh thần của thế hệ trẻ.
Ở nước ta, nhiều thập kỷ trước đây cũng đã nghĩ đến việc GDNT trong trường phổ thông nhưng vì nhiều nguyên nhân khác nhau mà môn học này đã bị chậm lại. Cho đến những năm 1990 của thế kỷ trước môn GDNT: Âm nhạc và Mĩ thuật mới được đưa vào giảng dạy ở một số trường tiểu học và THCS của một số thành phố lớn.
Và cho đến khi bước vào công cuộc đổi mới chương trình và sách giáo khoa từ năm 2002, cùng với các môn học khác, môn học Âm nhạc và Mỹ thuật đã góp phần vào việc giáo dục thẩm mỹ, nâng cao đời sống tinh thần cho lớp trẻ nên đã thu hút được sự chú ý của nhà trường, của HS.
Sau những năm thay sách giáo khoa, chương trình Âm nhạc và Mỹ thuật đã phần nào đáp ứng được nhu cầu của nhà trường phổ thông và của xã hội. Mặc dù cũng còn có một vài ý kiến trái ngược nhau, nhưng nhìn chung, nội dung của chương trình SGK đã thể hiện được những tiêu chí giáo dục thẩm mỹ hết sức cụ thể, có tính khoa học và liên ngành cao.
Nhưng năm gần đây, khi các cơ sở đào tạo một số bộ môn nghệ thuật trong cả nước gặp khó khăn trong tuyển sinh đầu vào, vấn đề trình độ người học và chất lượng đào tạo còn hạn chế, đòi hỏi chúng ta cũng tìm cách tháo gỡ.
Vì vậy, trong thời gian tới, muốn phát huy được hiệu quả của công tác GDNT, chúng ta cần hiểu nó một cách toàn diện. GDNT không chỉ được chú trọng trong nhà trường phổ thông mà cần nhìn nhận nó đa dạng hơn cả về không gian và phương thức tiến hành.
Đội ngũ giáo viên quyết định chất lượng giáo dục
Nói về việc đào tạo GV nghệ thuật, PGS. TSKH Phan Lê Hòa – Hiệu trưởng Trường ĐH Sư Phạm Nghệ thuật Trung ương cho biết: Trong suốt những năm qua, Nhà trường đã đào tạo có chất lượng, cung cấp hàng ngàn giáo viên Âm nhạc và Mỹ thuật nói riêng, văn hóa nghệ thuật nói chung cho các trường tiểu học, THCS, đến các trường trung cấp và cao đẳng văn hóa nghệ thuật trong cả nước.
Đội ngũ giáo viên này đã và đang phát huy rất tốt những kiến thức căn bản mà họ được đào tạo từ mái trường này vào thực tiễn, góp phần không nhỏ vào việc nâng cao chất lượng giáo dục của nước nhà.
Trước hết chúng ta phải khẳng định GV là yếu tố hàng đầu quyết định chất lượng giáo dục. Luật Giáo dục (điều 15 chương I) nêu rõ: “Nhà giáo giữ vai trò quyết định trong việc đảm bảo chất lượng giáo dục.
Nhà giáo phải không ngừng học tập. rèn luyện, nêu gương tốt cho người học. Nhà nước tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo, có chính sách bảo đảm các điều kiện cần thiết về vật chất và tinh thần để nhà giáo thực hiện nhiệm vụ của mình.
Nói đến chất lượng của các cơ sở ĐH, không thể không nói tới vai trò, tầm quan trọng của đội ngũ giảng viên. Họ vừa có tầm quan trọng bậc nhất, vừa có tính quyết định sống còn, tồn tại và phát triển bền vững hay không về thương hiệu, những giá trị đích thực về chất lượng đào tạo của một nhà trường.
Bởi vì giảng viên là những nhà tri thức được đào tạo chuyên môn bài bản, có điều kiện thường xuyên trau dồi kiến thức, điều chỉnh, thích ứng, kiểm tra, đánh giá, định lượng,.. trí tuệ, tài năng, kiến thức của học trò một cách chính xác nhất.
Đồng thời người thầy lại trực tiếp tổ chức triển khai suốt quá trình dạy học nên họ có điều kiện tiếp xúc, quan sát, điều chỉnh từ nội dung và hình thức, thời gian không gian cho đến việc lượng hóa kiến thức của từng bài học, tiết học,… họ cũng là người tham gia trực tiếp xây dựng giáo án, bài giảng, đề cương, chương trình, giáo trình…
Sự tâm huyết của người thầy cùng với những kiến thức uyên bác, chuyên sâu và định hướng đúng đắn của mục tiêu chương trình, lượng hóa kiến thức phù hợp đối với người học, đặc biệt có phương pháp khơi gợi và biết cách lan tỏa, truyền tải kiến thức sâu sắc từ thầy đến với trò thì chắc chắn người thầy đó sẽ có nhiều học trò giỏi. Và ngược lại, nếu người thầy có kiến thức chuyên môn sâu sắc, nhưng không có phương pháp giảng dạy tốt nhất thì những kiến thức đó sẽ bị đóng băng, mai một dần.
Mục tiêu đào tạo... người học biết cảm thụ nghệ thuật
Hiện nay, trường ĐH Sư phạm Nghệ thuật Trung ương có mục tiêu đào tạo người học biết cảm thụ nghệ thuật, biết phân tích và lan tỏa cái đẹp của cuộc sống với cộng đồng xung quanh. Giá trị của nghệ thuật được minh chứng thông qua các tác phẩm âm nhạc, mỹ thuật, sân khấu… truyền thống dân gian và hiện đại của nhân loại trên thế giới nói chung, của dân tộc Việt Nam nói riêng sẽ được nhà trường tổng hợp, lựa chọn đưa vào chương trình giảng dạy một cách căn bản.
Đồng thời những phương pháp khai thác giá trị nghệ thuật, lối truyền thụ kiến thức cốt yếu của nghệ thuật, cách cảm thụ cái đẹp trong nghệ thuật… được đúc kết có sáng tạo thành hệ thống, thành lý luận và ứng dụng vào thực tiễn trong suốt quá trình đào tạo.
Từ những kiến thức cơ bản về phương pháp, cách thức cảm nhận giá trị nghệ thuật đó, học viên, sinh viên của nhà trường sau khi ra trường sẽ làm nghề GDNT cho cộng đồng cư dân, làng bản, nhà máy, công ty, đặc biệt các em HS ở các trường Tiểu học, THCS, THPT, Trung học chuyên nghiệp, SV các trường cao đẳng, ĐH trên cả nước.
Nâng cao trình độ thưởng thức nghệ thuật của các cộng đồng; Đánh giá nhận thức đúng đắn về giá trị nghệ thuật của nhân loại, đặc biệt những giá trị nghệ thuật truyền thống của dân tộc. Từ đó góp phần xây dựng vững chắc cho cộng đồng cư dân lòng tự hào dân tộc, yêu giá trị nghệ thuật dân tộc, càng thêm yêu quê hương đất nước.
Để đáp ứng được những yêu cầu mới trong GDNT là một vấn đề không hề đơn giản. Trong guồng quay đang vận hành của một xã hội mà con người chú ý nhiều đến vật chất – kinh tế, để đào tạo một thế hệ mới, những con người mới phù hợp với cuộc sống hiện đại nhưng không mất đi cốt cách truyền thống văn hóa đạo đức của dân tộc thì GDNT có một vị trí, vai trò không nhỏ đối với thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên. Vì vậy GDNT cũng đặc biệt qua trọng trong, góp phần vào việc giáo dục toàn diện cho học sinh, sinh viên.