Đánh thức hát ru góp phần hình thành nhân cách trẻ

GD&TĐ - Âm nhạc truyền thống Việt Nam phong phú, đa dạng với nhiều thể loại khác nhau,

Đánh thức hát ru góp phần hình thành nhân cách trẻ

Trong đó hát ru là một trong những thể loại âm nhạc dân gian ra đời sớm nhất, đáp ứng nhu cầu thiết yếu của nhân loại, được truyền từ đời này qua đời khác, từ thế hệ này sang thế hệ khác, trở thành di sản văn hóa tinh thần riêng của người Việt Nam. Tuy vậy, thể loại âm nhạc dân gian này đang đứng trước nguy cơ mai một.

Vắng dần những tiếng ru

Theo các nhà nghiên cứu âm nhạc dân gian, đúng là thật đáng tiếc khi loại hình nghệ thuật dân gian từng góp phần nuôi dưỡng bao thế hệ khôn lớn trưởng thành đang có nguy cơ mai một.

Nếu như trước kia, lời ru được cất lên bên mái tranh, sau lũy tre làng, giữa trưa hè hay đêm đông là điều hết sức phổ biến thì ngày nay lời ru là của quý hiếm trong cuộc sống. Khó có thể tìm được một lời ru con nơi phố thị và ở các làng quê. Có chăng chỉ còn trên sân khấu, hội thi, các băng đĩa nhạc của nghệ sĩ chuyên nghiệp.

Đáng nói hơn là nhiều bà mẹ, ông bố trẻ còn có những quan niệm, hiểu sai về hát ru, cho rằng nhịp sống hiện đại diễn ra hối hả cùng nhiều loại hình văn hóa giải trí hiện đại ra đời, nên hát ru không còn phù hợp, vì thế rất nhiều người mẹ đã chuyển từ hát ru xưa kia bằng việc bật băng đĩa những bài hát nhạc trẻ để ru trẻ ngủ, thậm chí rung, lắc quát tháo để trẻ phải ngủ…

Đó là những hành động và suy nghĩ thật hết sức sai lầm. Bởi những bài hát ru có thể đã cũ, thực ra chỉ đúng với ý nghĩa thời gian, vì lời hát ru có chức năng giáo dục, thẩm mỹ hết sức to lớn.

Những lời ru ngọt ngào với giai điệu êm ái, nhẹ nhàng không chỉ sẽ đưa bé dần dần đi vào giấc ngủ bình yên, mà nó còn góp phần làm hình thành, nuôi dưỡng và phát huy nhân cách, năng khiếu tâm hồn, kể cả thái độ ứng xử của con người từ khi còn bé.

Đặc biệt hơn, lời ru ấy chứa đựng biết bao tình cảm yêu thương trìu mến của bà, của mẹ gửi gắm vào. Tuy có thể nhiều bé còn chưa hiểu được ý nghĩa hay lời hát nhưng qua nhịp điệu bài ru hay giọng của mẹ, của bà, bé vẫn có thể cảm nhận được những tình cảm ẩn chứa trong đó.

Cần những biện pháp cụ thể

Vấn đề cần thiết đang đặt ra và cần được giải quyết thỏa đáng là làm sao đưa vai trò của tiếng ru trở lại trong đời sống tâm hồn người Việt dù rằng xã hội đang biến đổi với tốc độ chóng mặt. Nên chăng việc cần làm ngay lúc này là tích cực tuyên truyền, nâng cao ý thức, trách nhiệm của các thế hệ người dân về ý nghĩa, tác dụng, thực trạng mai một và sự cần thiết bảo tồn, phát huy lời ru hiện nay.

Liên hoan hát ru và dân ca từ trước đến nay diễn ra ở khá nhiều địa phương, tổ chức, ban ngành. Ở hầu hết các cuộc liên hoan này, chất lượng hát ru, dân ca đều ở tầm hoạt động nghệ thuật, ấn tượng và thu hút đủ các giới, lứa tuổi tham gia. Các hoạt động ấy đều tạo điểm nhấn cho phong trào quần chúng hát ru.

Tuy phong trào này đã được khuấy động ở nhiều địa phương nhưng mới chỉ dừng lại trên sân khấu mà chưa được phổ biến thường xuyên trong cuộc sống.

Vì thế, cần hỗ trợ duy trì, tổ chức các câu lạc bộ hát ru, dân ca ở từng làng bản, khu phố dạy trẻ nhỏ các đối tượng hát ru; vận động, khuyến khích sáng tác hát ru lời mới, mở diễn đàn khôi phục phong trào hát ru trong các giới.

Các trung tâm văn hóa thanh thiếu nhi cũng nghiên cứu để sưu tầm, phổ biến, lưu truyền các câu đồng dao, ca dao vốn rất gần với phong cách hát ru, để làm cốt cho lời ru. Và nhất là để mỗi đứa trẻ được nuôi dưỡng tốt nhất trong dòng sữa mẹ cùng tiếng hát ru để hình thành nhân cách con người và nhen nhóm lên ngọn lửa yêu thương từ lời hát ru ngọt ngào.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ